21/12/2019 08:58 GMT+7 | Trong nước
(giaidauscholar.com) - Trong lịch sử 75 năm chiến đấu và trưởng thành, Quân đội nhân dân Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập đã lập nhiều chiến công vang dội, bảo bệ vững chắc nền độc lập của nước ta. Trong thành quả chung đó, có sự đóng góp không nhỏ của những người chiến sỹ dũng cảm, kiên trung trong chiến đấu cũng như trong hòa bình.
TTXVN trân trọng giới thiệu 4 bài viết về những người Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Những con người tuy tham gia hoạt động ở trong nhiều lĩnh vực, môi trường khác nhau, nhưng đã đóng góp công sức nhỏ bé của mình vào những chiến công chói lọi của Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng.
Người ta gọi bà là nữ biệt động “cảm tử” vì 3 lần dũng cảm đột nhập tận sào huyệt đặt bom tiêu diệt kẻ thù. Bà cũng từng được biết đến là người không khuất phục trước đòn roi tra tấn của kẻ thù, là nữ tù Côn Đảo “cứng đầu” thường xuyên chống lệnh nhà tù. Bà là thành viên đội biệt động thành Sài Gòn – Gia Định N10 lừng lẫy một thời, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Thị Mai.
Ba lần đánh bom sào huyệt địch
Xuất thân trong một gia đình có truyền thống cách mạng, từ nhỏ Trần Thị Mai đã nung nấu ý định nối tiếp cha anh mình. Năm 1964, cô gái 16 tuổi Trần Thị Mai mạnh dạn tham gia lực lượng Biệt động Sài Gòn. Bà được phân về Đội biệt động N10, chiến đấu dưới sự chỉ đạo của Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Đỗ Tấn Phong (hay còn gọi Ba Phong). Cũng từ đó, bà nhận nhiệm vụ đưa thư từ, đưa cán bộ từ nội thành ra ngoại thành và ngược lại.
Đến năm 1969, nhờ thông thạo địa hình nội đô thành phố, Trần Thị Mai được giao nhiệm vụ “tìm địch mà diệt”. Để thực hiện nhiệm vụ của mình, bà đã vận động thêm bạn bè và thành lập tổ nữ biệt động gồm 3 người là Trần Thị Mai, Hoàng Thị Khanh (hay còn gọi là Bê) và Nguyễn Thị Dung. “Nhiệm vụ đầu tiên mà tôi lên kế hoạch là tấn công doanh trại lính Mỹ bên cạnh rạp chiếu phim Đại Nam (trên đường Trần Hưng Đạo ngày nay). Do không thể đột nhập vào doanh trại của chúng nên tôi quyết định sẽ đặt thuốc nổ ở rạp chiếu phim”, anh hùng Trần Thị Mai nhớ lại trận đánh đầu tiên của mình.
Sau khi nắm rõ lịch chiếu phim của rạp cũng như lịch sinh hoạt, nghỉ ngơi của lính Mỹ, 20 giờ ngày 20/1/1970, bà Mai cùng bà Hoàng Thị Khanh dùng 4 kg thuốc nổ mạnh C4 ngụy trang trong 2 lon sữa gui-gô đột nhập vào rạp Đại Nam. “Dù chúng tôi ngụy trang rất kỹ nhưng đến cổng rạp vẫn bị bọn lính chặn lại. Chúng nó hỏi chị em chúng tôi đi xem hát sao lại mang theo lon sữa. Tôi bình tĩnh trả lời: Được mẹ giao đi mua sữa nhưng sợ sau khi xem phim tạp hóa đóng cửa mất nên mua trước. Thấy tôi nói hợp lý nên tụi lính không nghi ngờ và qua cửa trót lọt”, bà Mai kể.
Nhằm hạn chế thương vong cho đồng bào mình, bà Mai canh rất kỹ thời điểm rạp chiếu phim kết thúc suất chiếu để kích hoạt kíp nổ. Sau khi đã đặt thuốc nổ thành công, bà Mai và bà Khanh lấy xe ra về nhưng không may chiếc xe bị bể bánh (thủng săm), hai bà đành phải dắt bộ tháo chạy khỏi rạp chiếu phim. “Lúc phát hiện xe hư, chúng tôi rất quýnh quáng và lo sợ vì nguy cơ bị bắt rất cao, hai chị em dắt xe chạy như bay về đến chợ Bến Thành thì một tiếng nổ lớn vang lên. Rất may không bị bắt lại”, bà Mai cho hay.
Ngày hôm sau, thông tin 70 tên lính Mỹ thương vong trong vụ nổ được công bố. Với chiến công vang dội này, cá nhân bà Trần Thị Mai được tặng Huân chương chiến công hạng Ba, còn tổ nữ biệt động được tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Nhất. Quan trọng hơn, trận đánh này có ý nghĩa lớn trong việc củng cố tinh thần chiến đấu của lực lượng Biệt động thành.
Thừa thắng xông lên, ngày 7/2/1970, bà Mai quyết định một mình ném lựu đạn vào Trụ sở Nhân dân tự vệ của lính ngụy trên đường Cô Bắc. “Sở dĩ tôi chọn trụ sở này để ném lựu đạn bởi ở đây có nhiều tên địch rất “ác ôn”, thường xuyên truy bắt anh em cách mạng ẩn mình trong nhà dân. Nhiều anh em, cán bộ cách mạng, đồng đội của tôi đã bị bắt trong những đợt sục sạo, vây ráp của bọn chúng nên tôi quyết định ném lựu đạn dằn mặt, thị uy chúng ”, bà Mai chia sẻ. Lợi dụng đêm khuya, bà Mai ném lựu đạn vào đồn địch và tẩu thoát nhanh chóng, tiêu diệt được 12 tên địch.
Ngày 14/3, anh hùng Trần Thị Mai lại lập chiến công lớn khi cùng đồng đội Nguyễn Thị Dung cải trang thành những cô gái Sài Gòn đi quán bar, tấn công khách sạn kế rạp Eden, đường Nguyễn Huệ– tụ điểm ăn chơi của nhiều lính Mỹ, ngụy lúc bấy giờ. Lần này, bà dùng 3 kg thuốc nổ C4 ngụy trang trong một hộp bánh để địch không phát hiện và nhiệm vụ thành công khi hơn 10 lính Mỹ, ngụy bị thương và chết sau vụ nổ.
Không khuất phục trước đòn roi kẻ thù
Đảm trách 3 vụ tấn công gây tiếng vang lớn nhưng có lẽ trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Anh hùng Trần Thị Mai, đáng nhớ nhất vẫn là 2 lần bị địch bắt với những ngón đòn tra tấn dã man. “Lần đầu tiên tôi bị bắt khi đang làm nhiệm vụ giao liên đưa cán bộ từ Tây Ninh vào nội thành Sài Gòn đúng vào Tết Mậu Thân năm 1968. Dù giặc dùng nhiều hình thức tra tấn khác nhau như treo người lên cao, chích điện, đánh đập bằng dùi cui… thế nhưng tôi vẫn không khai, quyết tâm bảo vệ căn cứ, bảo vệ đồng đội đến cùng”, bà Trần Thị Mai kể lại.
Sau khi bị giam lỏng 5 tháng, thấy không khai thác được gì từ bà, giặc thả bà tự do. Trở lại căn cứ Suối Sâu (Trảng Bàng, Tây Ninh) sau khi ra tù, bà được cho đi học bồi dưỡng chính trị, quân sự. Đến năm 1969, bà được đưa trở lại nội thành Sài Gòn và đầu năm 1970 hoàn thành xuất sắc 3 nhiệm vụ gây tiếng vang lớn lúc bấy giờ.
Sau 3 vụ việc đặt bom liên tiếp gây tổn thất lực lượng, chính quyền Việt Nam Cộng hòa lúc bấy giờ kiểm soát, truy lùng gắt gao lực lượng Biệt động Sài Gòn. Ngày 30/3/1970 là một ngày đáng nhớ, bà Trần Thị Mai bị bắt một lần nữa khi đang từ Tây Ninh về Sài Gòn tìm mục tiêu mới. Tại ngã 3 Bình Triệu (Thủ Đức) bà bị giữ lại do dùng thẻ căn cước giả. Ở một nhánh khác, đồng đội của bà là Hoàng Thị Khanh đã không chịu nổi đòn roi tra tấn khai ra tên bà. Bà buộc phải nhận trách nhiệm một mình gây ra 3 vụ nổ rúng động trước đó.
Ngay lập tức bà bị đưa về Tổng nha cảnh sát và cũng là từ đây bắt đầu chuỗi ngày sống trong ngục tù khủng khiếp nhất cuộc đời. “Chúng tra tấn tôi rất dã man, bắt tôi khai ra người lãnh đạo trực tiếp nhưng tôi quyết tâm bảo vệ đồng đội, bảo vệ căn cứ đến cùng, không khai báo điều gì. Chúng hết chích điện lại bịt mũi tống nước vào miệng. Khi tôi đau đớn đến ngất đi, chúng lại tạt nước để tỉnh lại và tra tấn tiếp”, bà Trần Thị Mai kể lại những ngón đòn tra tấn dã man của địch.
Thấy bà “cứng đầu”, địch đã biệt giam bà trong phòng tối, mỗi ngày chỉ được ăn một bát cơm nhỏ, nhưng bà vẫn nhất quyết không khai báo thêm điều gì. Không khai thác được thông tin từ bà, địch chuyển bà về trại giam Biên Hòa. Tại đây, bà cùng các nữ tù chính trị liên tục phản đối chào cờ, đấu tranh các quyền dân sinh dân chủ như đòi cấp thêm quần áo, đòi mở cửa nhà tù 2 lần mỗi ngày…. Sau đó, địch đày bà ra Côn Đảo. Trong những tháng ngày tại Côn Đảo, bà cùng các anh chị em tù chính trị tiếp tục “khuấy đảo” nhà tù bằng các hoạt động phản đối quy định hà khắc ở đây.
Năm 1975, sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, cũng như các tù nhân chính trị khác, bà Trần Thị Mai được trả tự do. Sống trong hòa bình, bà đảm nhận nhiều vị trí công tác trong lực lượng Công an đến khi nghỉ hưu vào năm 2002 với cấp bậc Thượng tá.
Năm 1978, cùng với các đồng đội trong lực lượng Biệt động Sài Gòn – Gia Định, bà Trần Thị Mai được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Trở về đời thường sau những thăng trầm của cuộc đời, nữ Anh hùng Trần Thị Mai vui vầy tuổi già với con cháu. Bình dị, chân chất và vô cùng gần gũi là ấn tượng của chúng tôi khi trò chuyện với Anh hùng Trần Thị Mai. Bà không thích được gọi là Anh hùng, bởi với nữ chiến sĩ Biệt động thành năm xưa, nhiệm vụ tối thượng của mình là chiến đấu vì độc lập của Tổ quốc, vì tự do của nhân dân.
Bài 2: Người chiến sỹ của Tiểu đoàn 307 Anh hùng
Đinh Hằng/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất