Vì sao ABBA vẫn có sức hút mãnh liệt?

17/04/2014 13:30 GMT+7 | Âm nhạc


(giaidauscholar.com) - Năm 1974, ban nhạc Thụy Điển ABBA giành chiến thắng tại cuộc thi Ca khúc châu Âu Eurovision với nhạc phẩm Waterloo. 40 năm đã trôi qua, ABBA vẫn là một trong những ban nhạc được yêu thích và ăn khách nhất trong lịch sử pop.

Lượng đĩa bán ra của ban nhạc đã đạt gần 400 triệu bản trên toàn thế giới và hiện nay các album của họ vẫn tiêu thụ được đều đặn 2 tới 4 triệu bản/năm. Vở nhạc kịch Mama Mia! được dàn dựng theo những ca khúc thành công của ban nhạc đã thu hút hơn 54 triệu khán giả toàn cầu tới rạp hát.

Giải mã sức lôi cuốn

Cho đến nay, nhiều người vẫn không thể lý giải tại sao nhạc của ABBA lại lôi cuốn đến vậy. Âm nhạc của họ không mang âm hưởng ồn ào, phóng túng của rock’n’roll hay R&B, mà chân phương không màu mè, có chừng mực và mang những giá trị châu Âu. Nếu rock’n’roll thường mang tính giải thoát thì những ca khúc pop của ABBA lại viết về những ước mơ và nỗi thất vọng.  

“Yếu tố thành công chính của ABBA chính là chất Thụy Điển của họ” - theo giải thích của Carl Magnus Palm, tác giả cuốn tiểu sử về ban nhạc, mang tựa đề ABBA: Bright Lights, Dark Shadows - “Âm nhạc của họ kết hợp với âm hưởng của những ca khúc dân gian Thụy Điển và yếu tố âm thanh Schlager (trong tiếng Đức có nghĩa là ăn khách). Tuy nhiên, trong những ca khúc mang giai điệu vui vẻ nhất của ABBA vẫn phảng phất sự sầu muộn của người Bắc Âu”.

Bản thân 4 thành viên của ABBA cũng từng trải qua những nỗi buồn riêng khi trưởng thành ở Thụy Điển thời hậu Thế chiến thứ hai, từ sự nghèo khổ của gia đình tới việc thiếu tình thương yêu của cha mẹ. Tuy nhiên trong số 4 thành viên của ABBA, Anni-Frid là người phải chịu nhiều bất hạnh nhất. “Cuộc đời đầy bất hạnh của Frida đau đớn đến mức bạn tưởng nó chỉ có trong tiểu thuyết” - Palm nói.

Anni-Frid sinh ra từ mối quan hệ ngoài giá thú của một người lính Đức và mẹ cô Synni Lyngstad, một người Na Uy. Anni-Frid lớn lên không có tình yêu thương của cha và bị xa lánh bởi là con của một tên lính phát xít. Sau này, Anni-Frid và mẹ chuyển tới Thụy Điển để gây dựng một cuộc sống mới, song bà Synni Lyngstad đã đột ngột qua đời vì bệnh thận.

Sống cùng bà ngoại, một người siêng năng nhưng khắt khe và xa cách, Anni-Frid có cái nhìn đầy u buồn về cuộc đời. Sau khi ABBA tan rã, bất hạnh vẫn đeo bám Anni-Frid. Năm 1992, bà kết hôn với Hoàng tử Thụy Sỹ Heinrich Ruzzo Reuss. Nhưng vị hoàng tử này đã qua đời vì bệnh ung thư hạch bạch huyết, không lâu sau khi cô con gái đầu lòng của Anni-Frid là Lise-Lotte chết vì tai nạn xe hơi.

Không bao giờ lặp lại chính mình

Khi thành lập vào năm 1972, một trong những thế mạnh của ABBA là cả 4 thành viên đều đã có trải nghiệm sáng tác ca khúc, thu âm và lưu diễn. Bjorn từng là thành viên của nhóm nhạc Hootenanny Singer và Benny từng chơi trong ban nhạc rock Thụy Điển The Hep Stars. Agnetha đã có một số ca khúc ăn khách và Anni-Frid từng theo đuổi dòng nhạc blues và jazz. Khi nổi danh, ABBA thực hiện tới hàng trăm buổi diễn mỗi năm.

“Lúc tham gia ABBA, họ đã là những nghệ sĩ trình diễn dày dạn. Khi xem họ trình diễn tại cuộc thi Ca khúc châu Âu Eurovision năm 1974, nhiều người nhận thấy họ không phải là những nghệ sĩ mới đứng trên sân khấu. Họ rất tự tin và biết mình đang làm gì. Điều may mắn nữa là trong những năm đầu mới thành lập, ABBA chỉ nổi tiếng ở Thụy Điển và vùng Scandinavia. Vậy nên sau khi nổi danh quốc tế với thành công của ca khúc Waterloo, họ đã có một bức tranh rõ ràng hơn, biết mình muốn làm gì” -  Palm nói.

Điều mà ABBA muốn là tạo được thứ gì đó thật mới mẻ trong làng nhạc pop. Họ kết hợp âm thanh của đàn accordion với các khúc ballad Italy và yếu tố ăn khách của âm nhạc Đức.

Tiếp đó, ABBA tung ra một loạt ca khúc hit như: SOS, Mamma Mia, Fernando, Dancing Queen, The Winner Takes It All... Các ca khúc này gây sốt rất mạnh, song không hề mang một công thức thành công chung nào. “Chúng tôi không bao giờ lặp lại mình. Chúng tôi đã làm việc rất cần cù để tìm ra những phong cách khác nhau” - Bjorn cho biết.

Sức làm việc dường như không biết mệt mỏi là một trong những bí quyết thành công của ABBA. Thậm chí vào những ngày nghỉ, Bjorn và Benny vẫn miệt mài sáng tác ca khúc và họ nhất quyết không rời khỏi nơi làm việc nếu như chưa hoàn tất nhạc phẩm của mình.

“Họ làm việc cho đến khi nào cảm thấy hài lòng thì thôi. Họ lấy cảm hứng từ ban nhạc huyền thoại Beatles, luôn coi mỗi ca khúc là một đĩa đơn ăn khách tiềm năng” - Palm kể.

Kỹ sư âm thanh Michael Tretow, người vẫn được xem là “thành viên thứ 5 của ABBA”, cũng góp phần không nhỏ cho thành công của ban nhạc. Tuy nhiên thời gian hợp tác với ABBA, có lúc ông đã cảm thấy đuối trước khả năng lao động của các thành viên trong nhóm. Nói với tạp chí âm nhạc Mojo hồi năm 1999, Tretow kể rằng ông thường bị cuốn theo công việc của ABBA đến mức bị bỏ đói. “Khi màn đêm buông xuống và tôi gần như sắp chết ngất vì đói thì họ mới nói: “Ok, nghỉ ngơi chút và ăn gì đó chứ nhỉ?” - ông kể.

Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm