Bất ổn trong phòng thay đồ: Khi Abramovich bắt chước... Berlusconi

18/11/2010 11:45 GMT+7 | Bóng đá Anh

(TT&VH) - Vào giữa lúc mọi chuyện đang không thể tốt lành hơn với Chelsea, dẫn đầu Premier League một cách thoải mái, giải quyết gọn ghẽ vòng bảng Champions League chỉ sau 4 lượt trận, chơi thứ bóng đá lôi cuốn, không để lọt lưới bàn nào trên sân nhà suốt từ ngày 27/3 và ngày càng được nhiều người yêu mến hơn thì ông chủ Roman Abramovich lại có một quyết định kỳ quặc. Tỉ phú người Nga sa thải trợ lý HLV, trái với mong muốn của Carlo Ancelotti và hậu quả ngay lập tức là thất bại tồi tệ nhất ở Stamford Bridge trong suốt thời kỳ Abramovich ở đó.
    
Trận thua tan nát Sunderland cuối tuần rồi là thất bại đầu tiên của Chelsea trên sân nhà kể từ chuyến viếng thăm của Manchester City hôm 27/3 và là trận thua đậm nhất của họ ở Premier League kể từ 20/4/2002, trước M.U. Đó là một thất bại khó hiểu và không thể chỉ giải thích bằng sự tiến bộ, hay quyết tâm, hay bất cứ thứ gì từ phía Sunderland cũng như sự thiếu vắng John Terry, Michael Essien và Frank Lampard. Tin đồn ở Anh nói việc sa thải trợ lý Ray Wilkin có vai trò nhất định trong thất bại thảm hại đó.
    

Abramovich bắt đầu can thiệp vào nội bộ của Chelsea - Ảnh Getty

Có vẻ như Abramovich ghen tị với HLV mới của ông, một người đã giành được tất cả sự yêu mến khi có mặt ở Stamford Bridge. Sự nổi tiếng của Ancelotti là không thể bàn cãi, và thứ bóng đá hấp dẫn nhất trong thời chủ Nga mà Chelsea trình diễn để vô địch Premier League ngay trong mùa giải đầu tiên cùng chiến lược gia người Italia cũng rất được ngưỡng mộ.
    
Có vẻ như Abramovich muốn cho mọi người thấy rằng ông cũng còn quan trọng. Nhà tài phiệt Nga muốn được biết đến như ông chủ đích thực đằng sau cánh gà, như người điều khiển những sợi dây để các con rối chạy theo ý mình, nhưng Abramovich chỉ làm hỏng tất cả. Wilkins, bị sa thải thứ tư tuần trước, chào đón một vị khách bất ngờ đến nhà mình hôm thứ sáu. Ancelotti đến dùng trà, chia sẻ sự thông cảm và khẳng định ông không phải là người đứng sau quyết định đó.

Quyền lực của ông chủ
    
Giờ đây, chúng ta đã được nhắc cho nhớ rằng ai mới là ông chủ thực sự ở Chelsea. Wilkins nhận tin chấm dứt hợp đồng qua một cuộc điện thoại từ một người tùy tùng của Abramovich trong giờ nghỉ của một trận đấu cho đội dự bị. Ông rời CLB ngay trong ngày hôm đó, trong sự thất vọng của Ancelotti.
    
Nhưng tại sao Abramovich lại ra một quyết định kiểu như thế? Nên nhớ, ông chủ người Nga đã từng làm việc với nhiều HLV cá tính, từ Jose Mourinho đến Luiz Pelipe Scolari, Avram Grant hay Guus Hiddink. Tuy nhiên, chưa bao giờ Abramovich thôi khát khao thể hiện mình, kể cả trong vấn đề chuyên môn. Ancelotti được chọn làm người thay thế Hiddink vì ông tài năng, điều đó đương nhiên, nhưng còn một lý do nữa, HLV người Italia đã quen với việc nhượng bộ ông chủ đội bóng, sau ngần ấy năm làm việc cho AC Milan và Silvio Berlusconi.
    
Rốt cuộc, tất cả những gì Ancelotti có thể làm trong vụ Wilkins là lắc đầu ngán ngẩm và tiếp tục công việc của mình. Trước kia, một lý do quan trọng khiến quan hệ Chelsea-Mourinho đổ vỡ chính vì HLV người BĐN không chấp nhận kiểu điều hành từ sau cánh gà đó. Rõ ràng, với Ancelotti, Abramovich hy vọng một người có thể mang về vinh quang nhưng vẫn biết nghe lời.
    
Ông chủ có quyền lực tối thượng, HLV chịu trách nhiệm về chuyên môn. Bóng đá trước giờ vẫn vậy. Mọi người ngưỡng mộ Chelsea chính là ngưỡng mộ Ancelotti, vì sự khiêm tốn của ông, thành công và lối chơi tấn công của ông. Có thể Abramovich thấy khó chịu, như ông từng khó chịu với Mourinho trước kia. Sự khó chịu có thể còn lớn hơn nữa, vì Ancelotti đã thành công không phải với sự đầu tư ồ ạt như thời người tiền nhiệm. Chắp vá những gì còn sót lại, thêm vài sự bổ sung ngoài rìa, HLV người Italia vẫn có thể đưa Chelsea đến hết chiến thắng này tới chiến thắng khác.
    
Với Abramovich, việc sa thải Wilkins là một động thái một hòn đá chết hai con chim. Thứ nhất, ông thể hiện quyền lực của mình. Thứ hai, Wilkins chính là người công khai đối đầu với ông chủ người Nga khi Abramovich sồng sộc đi vào phòng thay đồ chỉ trích các cầu thủ sau thất bại trước Inter Milan mùa trước. Kể từ sự kiện đó, số phận của ông đã được định đoạt.

Trần Trọng


Khi các ông chủ lấn sân

Sylvio Berlusconi (AC Milan) "Tôi không muốn thấy đội bóng chơi với một tiền đạo. Để chiến thắng, bạn phải ghi bàn. Để có cơ hội sút tung lưới đối phương, các tiền đạo phải chơi gần khung thành", vị chủ tịch của AC Milan đã phát biểu một cách hùng hồn như thế ngay trong buổi họp báo ra mắt của HLV Allegri hồi đầu mùa. Đây chẳng phải là một điều gì mới mẻ bởi trước đây những người tiền nhiệm của Allegri là Ancelotti và Leonardo cũng từng phải chịu sự can thiệp về chuyên môn như thế.

Massimo Morratti (Inter Milan) Tại vòng 36 Serie A mùa 2007-08, Inter thất bại 1-2 trong trận derby và lỡ cơ hội đăng quang sớm trước mũi kình đihcj. Morratti đã giận điên người và tuyên bố trên truyền hình rằng "Chúng tôi đã chơi quá thận trọng trong hiệp một, và khi thức tỉnh thì đã thủng lưới 2 bàn. Sự thật là Inter đã chơi thiếu dũng cảm." Sau này, khi đã sang Man City, Mancini tiết lộ "Không ít lần Moratti nói với tôi về sơ đồ chiến thuật. Ông còn cố gắng ép để một trong số những cầu thủ của mình phải có mặt trong đội hình xuất phát, dù chưa nắm rõ ý đồ của tôi".

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm