29/08/2013 13:10 GMT+7 | Roma
(giaidauscholar.com) - Phía sau phòng làm việc của Chủ tịch Roma James Pallotta có một khoảng rộng để chơi bóng rổ. Trên tường in logo của CLB bóng rổ Boston Celtics, tình yêu thật sự của Pallotta và cũng là đội bóng ông nắm cổ phần.
Với Pallotta, Roma chỉ đơn thuần là một công cụ kinh doanh. Ai cũng có thể bị bán. Lịch sử 86 năm có thể thay đổi. Chỉ cần đội bóng làm ra tiền.
Toàn cầu hóa Roma
Trong thời gian dự Confederations Cup 2013, đội trưởng Daniele De Rossi đã rất sốc khi Chủ tịch Pallotta tuyên bố ở nhà: “De Rossi? Để xem. Ở Roma, ai cũng có thể bị bán”. Ở thời điểm De Rossi còn chưa nguôi buồn phiền từ mùa giải thất bại của CLB và rắc rối của cá nhân anh, dưới thời 2 ông thầy Zeman và Andreazzoli, đó là những lời không tế nhị.
Nhưng Roma giờ là vậy. Quyền lực CLB nằm trong tay chỉ 1 người, và đội bóng chẳng sợ làm mếch lòng ai. Roma không còn nép mình trong dòng chảy toàn cầu hóa như trước mà ngược lại, đã mở cửa đón các luồng gió khác tràn vào không khí vốn cũ kỹ thời nhà Sensi. Trong một lần trả lời tờ Sports Illustrated, ông chủ Pallotta khẳng định Scudetto không phải đích đến của Roma. Ông muốn đội bóng trở thành một thương hiệu toàn cầu, nghĩa là không nhắm đến danh hiệu, mà nhắm đến danh tiếng và lợi nhuận.
Với Pallotta, lịch sử cũng có thể bán
Roma bắt tay với Nike, Walt Disney, và đã 2 năm nay, thực hiện những chuyến du đấu tại Mỹ. Ông Pallotta cho cấp dưới sửa lại logo CLB để trông cho có vẻ hiện đại hơn, bất chấp bị các CĐV Roma chỉ trích rằng những kẻ như ông đang “làm nhục đội bóng”. Trên ghế HLV, một người con Roma ưu tú là Vicenzo Montella bị thải loại, để đội Bã trầu đón về Luis Enrique. Chỉ trong 3 năm, Roma dùng 4 HLV, và trước khi Giám đốc Baldini rời CLB chỉ 2 ngày, họ giới thiệu ông Rudi Garcia vào cương vị HLV trưởng thay Andreazzoli. Garcia, một người Pháp có gốc gác Tây Ban Nha, có thể nói trôi chảy tiếng Italia, quả thật phù hợp với một đội bóng toàn cầu.Sẵn sàng bán cả tương lai
Roma mang sự cởi mở và sẵn sàng hợp tác ấy ra cả thị trường chuyển nhượng. Barcelona ra giá 30 triệu euro cho trung vệ Marquinhos, họ từ chối. Leonardo (Giám đốc thể thao PSG) bay đến Rome, chồng ra 31,4 triệu euro và họ gật đầu cái rụp. Marquinhos mới 19 tuổi, mới đến CLB 1 năm và được coi là tương lai của đội bóng. Nhưng tương lai thì cũng bán, nếu có lãi!
Thậm chí, một cầu thủ đã “chín” hơn Marquinhos rất nhiều là Erik Lamela cũng đã bị bán. Lamela tỏ ra rất buồn và nằng nặc đòi ở lại tập cùng đội cho đến ngày cuối cùng, nhưng anh không thể chối bỏ thực tế rằng Roma đã gật đầu với cái giá 35 triệu euro từ Tottenham. Bán Lamela, đội Bã trầu lập tức mua Adem Ljajic với giá rẻ hơn nhiều (tối đa khoảng 13 triệu euro). Trước đó, tổng số tiền mua Gervinho (8 triệu euro), Kevin Strootman (16), Morgan de Sanctis (500 nghìn), Maicon (CNTD), Benatia (13,5), cũng chỉ xấp xỉ tiền bán Marquinhos. Đội bóng hiện đang lãi gần 20 triệu euro nhờ buôn cầu thủ, và con số sẽ tăng lên 45 triệu euro ít ngày tới khi vụ Lamela và Ljajic được xác nhận.
Khi nền kinh tế Italia gặp khó khăn, việc một đội bóng lâu đời như Roma chi tiêu mạnh tay suốt 3 năm qua và có nhiều bước đi mới mẻ, là điều đáng mừng. Nhưng mọi thứ đều có giới hạn. Roma không thể cứ dễ dàng bán lúa non khi được giá, lấy sự ổn định của đội bóng ra để mặc cả. Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Italia Giancarlo Abete chỉ trích: “Họ (giới chủ Mỹ) làm chúng tôi phát ốm. Tôi muốn những gia đình quyền lực người Italia nắm đội bóng như trước để gìn giữ truyền thống các CLB”.Abete hơi cổ hủ? Có lẽ không. Chính các CĐV AS Roma cũng chưa bao giờ đặt niềm tin hoàn toàn vào giới chủ Mỹ. Trong câu hỏi: “Bạn có tin vào thành công của Rudi Garcia tại Roma?” trên Corriere dello Sport, chỉ 46,6% ấn vào nút “Có”! Có lẽ, đó là những người sính ngoại?
Đỗ Hiếu
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất