Tuyển Việt Nam không có cầu thủ miền Nam là bình thường

16/11/2016 12:08 GMT+7 | Bóng đá Việt

(giaidauscholar.com) - Điều bình thường phản ánh xu thế tất yếu của thời cuộc nhưng với những CLB và danh thủ lừng lẫy xứ này, thực trạng đó quá đau xót.

Hơn nửa thế kỷ, bóng đá miền Nam với những danh thủ như Phạm Huỳnh Tam Lang, Phạm Văn Rạng… có chiến công hiển hách cùng đội tuyển miền Nam Việt Nam vô địch SEAP Games (tiền thân của SEA Games) lần 1 năm 1959 tại Thái Lan. Chỉ riêng thành tích đó mà hơn nửa thế kỷ sau, thế hệ con cháu của họ cũng không thể làm nức lòng CĐV đất Việt.

Nói chuyện xa xôi để thấy sự sa sút không phanh của bóng đá miền Nam. Sau ngày đất nước thống nhất, miền Nam vẫn tự hào là cái nôi của bóng đá Việt Nam với sân Thống Nhất là vinh dự của mọi cầu thủ được đến đây chơi bóng. Sài thành luôn có ít nhất 3 CLB đỉnh cao ở hạng đấu cao nhất Việt Nam và người dân nơi đây tự hào thêm bởi vô số “dị nhân” đóng góp cho đội tuyển.


Cũng nhờ chính sách khoáng đạt trong kêu gọi nhân tài, không ít cầu thủ xuất chúng chọn các CLB Sài Gòn để đầu quân. Sau Đặng Trần Chỉnh, Lư Đình Tuấn, những Minh Chiến, Huỳnh Đức, Hoàng Bửu, Hồng Sơn, Liêm Thanh… người Sài Gòn nhiều khi không nhớ hết có bao nhiêu cầu thủ ở các CLB địa phương khoác áo ĐTQG. Và chưa kể, họ đều là đóng vai trò nòng cốt quyết định thành bại của đội tuyển.

Bóng đá Sài Gòn khi đó e ngại Thể Công, và đặc biệt là người anh cả của bóng đá miền Tây: Đồng Tháp. Đội bóng từng VĐQG 2 năm 1989 và 1996 nổi lên với hàng loạt tên tuổi lẫy lừng, từ Lai Hồng Vân, Huỳnh Quốc Cường, về sau là Công Minh, gần đây nhất còn có Thanh Bình, Tấn Trường, Bửu Ngọc, Thanh Hiền… Khi tên gọi V-League ra đời, bóng đá Đồng Tháp cùng với SLNA là những lò xuất khẩu cầu thủ cho cả nền bóng đá.

Chưa kể thêm đất An Giang, Vĩnh Long, Đồng Nai… chỉ riêng Sài Gòn và Đồng Tháp người ta đã nhớ không hết tên danh thủ. Nhưng từ chỗ đếm nhân tài mệt nghỉ đến vùng trắng trong bóng đá, người ta càng kinh ngạc khi sự biến thiên nhanh đến chóng mặt. Cách đây 8 năm, khi HLV Calisto đưa đội tuyển lần đầu tiên nếm mùi vô địch AFF Cup, những “anh Hai Nam Bộ” vẫn còn góp tiếng nói quyết định đến thành bại của đội tuyển. Có thể kể đến Quang Thanh ở hành lang biên, Minh Phương, Tài Em chỉ huy tuyến giữa, “thần gió” Vũ Phong trấn giữ 1 biên và chim mồi Việt Thắng trên hàng công, Thanh Bình cũng là phương án dự phòng hữu hiệu. Từ sau thời điểm đó, bóng đá miền Nam trượt dốc khó ai ngờ.

HLV Hữu Thắng 'đau đầu' với hàng phòng ngự tuyển Việt Nam

HLV Hữu Thắng 'đau đầu' với hàng phòng ngự tuyển Việt Nam

Trong 25 cầu thủ của đội tuyển Việt Nam hành quân sang Myanmar có 3 thủ môn, 8 hậu vệ và 1 tiền vệ trụ. Qua danh sách ấy, người hâm mộ dễ dàng nhận thấy không ít mâu thuẫn.

8 năm sau, đại diện miền Nam duy nhất là B.Bình Dương vẫn làm mưa làm gió ở V-League nhưng ai cũng biết, đội bóng này dùng tiền mua sao về để lấy thành tích. Cầu thủ địa phương duy nhất nổi lên ở đất Thủ có lẽ chỉ duy nhất Anh Đức.

Có lẽ nhận thức không thể duy trì mãi với cách làm như thế, đội bóng này đã thay đổi quyết liệt bằng cách trao cơ hội cho người trẻ địa phương từ V-League 2017. CLB TP.HCM sau cú sốc rớt hạng 2009 thì 7 năm sau, họ mới trở lại được V-League.

Thời gian 7 năm đó, hàng loạt CLB gắn mác Sài Gòn đến rồi đi khiến CĐV địa phương chỉ biết lắc đầu. Long An mùa qua đã trả CLB về cho UBND Tỉnh mà không cần gắn thương hiệu Đồng Tâm phía trước. Đồng Tháp lên xuống hạng như con nước vì năm nào cũng nghèo. Người làm bóng đá An Giang vẫn còn hãi hùng sau cú sốc lên rồi xuống hạng ngay năm 2014.

Chung quy lại, nỗi thống khổ của bóng đá miền Nam bây giờ phản ánh đúng thời cuộc.

Việt Hà
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm