13/08/2022 18:26 GMT+7 | Tin tức 24h
Ngày 15/8/2022 sẽ đánh dấu một năm Taliban lên nắm toàn quyền kiểm soát đất nước Afghanistan. Từng được hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn song sau một năm dưới sự điều hành của Taliban, đất nước này vẫn còn rất nhiều vấn đề nổi cộm.
Nội bộ chia rẽ, quốc tế không công nhận
Một năm trước Taliban tiến vào thủ đô Kabul mà không gặp phải sự kháng cự nào từ quân đội, lực lượng vũ trang Afghanistan dưới quyền Tổng thống Ghani. Việc tiếp quản, chuyển giao quyền lực được thực hiện êm thấm, không có đụng độ, cùng cam kết thành lập một chính phủ toàn diện và bao trùm cũng như đổi mới cách thức quản trị đất nước tạo cho người dân nước này hy vọng về một nền an ninh, kinh tế tốt đẹp hơn.
Thế nhưng hy vọng đó không kéo dài được lâu, khi Taliban thành lập chính quyền mới, với nhiều cương vị chủ chốt rơi vào tay thủ lĩnh của mạng lưới Haqani nằm trong diện trừng phạt của Mỹ và Liên hợp quốc. Cho đến nay, một số ít các nước đã nối lại phái bộ ngoại giao, bày tỏ mong muốn tái mở cửa đại sứ quán ở Afghanistan, nhưng chưa có bất kỳ một nước nào chính thức lên tiếng công nhận chính quyền Taliban.
Kể từ khi Taliban lên nắm quyền, Afghanistan rơi vào tình cảnh bị cô lập quốc tế. Chính quyền mới không chấp nhận nhiều điều kiện mà bên ngoài đưa ra, coi đây là cách mà một số bên muốn can thiệp vào công việc nội bộ của Afghanistan.
Ngay trong chính nội bộ Taliban cũng bị chia rẽ. Trong 12 tháng kể từ khi lên nắm quyền, Taliban đã phải đối mặt với một số vấn đề nội bộ nghiêm trọng. Nhiều cuộc đụng độ có hệ thống đã xảy ra giữa các phe phái khác nhau trong nội bộ nhóm về quyền lãnh đạo, tương lai của chương trình nghị sự của phong trào và sự hợp tác với cộng đồng quốc tế. Trong quá trình phân chia các vị trí lãnh đạo nhà nước, Taliban đang phải đối mặt với sự đối đầu nghiêm trọng giữa các phe phái khác nhau.
Dư luận cho rằng một khi tình hình Afghanistan chưa được ổn định thông qua việc thúc đẩy một giải pháp chính trị toàn diện, với sự tham gia đầy đủ, bình đẳng của các thành phần trong xã hội, lộ trình "hồi sức" cho Afghanistan vẫn còn rất gập ghềnh. Việc có quá nhiều sắc tộc, giáo phái cùng tồn tại và thường xuyên mâu thuẫn cũng là một thách thức rất lớn, khó có thể tạo ra một ý thức quốc gia thống nhất, đoàn kết.
Điều hành đất nước không hiệu quả
Cộng đồng quốc tế cũng từng kỳ vọng Taliban sẽ ổn định Afghanistan và đặt toàn bộ đất nước dưới sự kiểm soát đáng tin cậy nhằm thiết lập quyền lực duy nhất và loại bỏ các thách thức an ninh như khủng bố, quản lý kinh tế một cách hợp lý, tuân thủ các tiêu chuẩn cơ bản trong đối xử với phụ nữ và trẻ em gái, tôn trọng nhân quyền. Thế nhưng dù đã nắm quyền được một năm, nhưng Taliban đã không thể hiện được khả năng điều hành đất nước một cách hiệu quả.
Đối với đại đa số người dân nước này, thực trạng đất nước dường như chỉ toàn một màu xám xịt. Afghanistan đang phải đối diện với các nguy cơ đến từ tổ chức khủng bố nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cùng với những đe dọa về an ninh khác làm lu mờ tuyên bố của Taliban về việc mang lại hòa bình cho Afghanistan sau nhiều thập niên chiến tranh.
Số vụ tấn công bạo lực khắp Afghanistan đã giảm kể từ khi lực lượng Taliban trở lại nắm quyền hồi tháng 8 năm ngoái, nhưng IS vẫn tiếp tục nhắm mục tiêu vào cộng đồng tín đồ Hồi giáo Shiite, hiện chiếm khoảng 10 đến 20% trong tổng dân số 38 triệu dân ở Afghanistan. Người dân Afghanistan lo sợ mạng sống không được bảo đảm khi chính quyền chưa đủ khả năng để kiểm soát tình hình. Mối nguy lớn nhất sẽ là nội chiến, khi IS tăng cường hoạt động chống phá ở Afghanistan.
Chế độ “cai trị” hà khắc của Taliban cũng hy vọng được cởi bỏ khi chính quyền mới của Afghanistan do Taliban lãnh đạo cam kết trao quyền học tập và làm việc cho phụ nữ. Tuy nhiên, suốt một năm từ khi lên nắm quyền, Taliban đã áp đặt một loạt các hạn chế với phụ nữ như cấm phụ nữ tham gia công việc của chính phủ, kiểm soát quần áo họ được phép mặc và cấm phụ nữ đi ra khỏi thành phố một mình. Mới đây, Taliban đã ra lệnh cho các hãng hàng không Afghanistan không cho phụ nữ lên máy bay trừ khi có người thân là nam giới đi cùng, đồng thời tiếp tục đóng cửa trường trung học cho nữ sinh.
Kinh tế yếu kém
Quốc gia Tây Nam Á này còn đang phải đối diện với thảm họa kinh tế, với một nền kinh tế què quặt, bên bờ sụp đổ. Kể từ khi Taliban lên nắm quyền, người dân Afghanistan gần như không rút được tiền từ ngân hàng, do tình hình tài chính kiệt quệ trong cả hệ thống, nguồn ngoại tệ dự trữ bốc hơi nhanh chóng. Tình trạng nợ lương công chức, viên chức làm việc cho chính quyền diễn ra phổ biến.
Đồng nội tệ của Afghanistan mất giá, rớt xuống mức thấp nhất trong hai thập kỉ qua. Giá nhiên liệu, lương thực đã tăng 75%, do đây là mặt hàng chủ yếu phải nhập khẩu. Cuộc khủng hoảng tài chính cũng làm giảm chất lượng sống của người dân, đẩy hàng triệu người vào nguy cơ nghèo đói, đồng thời "châm ngòi" cho một cuộc khủng hoảng nhân đạo tại đất nước này. Hiện 50% số trẻ dưới 5 tuổi ở Afghanistan bị suy dinh dưỡng và 14 triệu người, tương đương 30% dân số, đối mặt với tình trạng khẩn cấp về an ninh lương thực trong mùa Đông này.
Ngân hàng thế giới (WB) cho rằng Afghanistan có thể tránh được kịch bản sụp đổ kinh tế nếu như nhận được sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế và chính quyền Taliban tôn trọng các quyền con người, quản lý tài chính hợp lý và hiệu quả. Trước khi Taliban giành kiểm soát Afghanistan vào tháng 8/2021, viện trợ quốc tế chiếm 40% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Afghanistan và chiếm 80% ngân sách của nước này. Sau khi Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan, cộng đồng quốc tế đã "đóng băng" gần 9 tỷ USD tài sản của Afghanistan và nước này chỉ nhận được khoảng 1 tỷ USD tiền viện trợ để tránh nguy cơ sụp đổ nền kinh tế.
Nhìn tổng thể, diễn biến hiện nay cho thấy Afghanistan đang ở vào tình cảnh nguy cấp. Chính quyền mới do Taliban lập ra vẫn chưa bảo đảm tính ổn định, thống nhất và chưa đủ sức để xử lý khủng hoảng, các kịch bản diễn biến phức tạp khi thiếu sự hỗ trợ tức thời của quốc tế. Nghèo đói, khủng hoảng kinh tế sẽ lại là nguồn cơn kích thích, lôi kéo nhóm thất nghiệp, thiếu an sinh xã hội gia nhập IS hay các tổ chức nổi dậy khác. Nếu Taliban không có giải pháp và không nhận được sự trợ giúp hơn nữa từ cộng đồng quốc tế, phía trước vẫn là những khó khăn, thách thức chờ đợi Afghanistan.
Thanh Lâm/TTXVN (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất