26/05/2025 07:33 GMT+7 | Văn hoá
Một nhóm các nhà khảo cổ Ai Cập đã khai quật được tàn tích của một cấu trúc xây dựng bằng gạch bùn ở di chỉ Monqabad thuộc tỉnh Assiut, vùng Thượng Ai Cập, được cho là có niên đại từ thế kỷ thứ 6 và thứ 7 sau Công nguyên trong thời kỳ Coptic ở quốc gia này.
Trong thông báo ngày 25/5 (giờ địa phương) được phóng viên TTXVN tại Cairo trích dẫn, Bộ Du lịch và Khảo cổ Ai Cập cho biết các cuộc khai quật tiếp theo đang được tiến hành để xác định chức năng chính xác và tầm quan trọng của cấu trúc xây dựng bằng gạch bùn này.
Theo Tổng thư ký Hội đồng Cổ vật Tối cao Ai Cập, ông Mohamed Ismail Khaled, tòa nhà cổ này có hai tầng được phủ bằng vữa trắng và chứa một số bức tranh tường quan trọng.
Các nhà khảo cổ học cũng tìm thấy các dòng chữ, những chi tiết được chạm khắc trên tường, có thể làm sáng tỏ nghệ thuật và tâm linh của thời kỳ Coptic, bao gồm một hình ảnh độc đáo với nhiều con mắt xung quanh một khuôn mặt ở giữa, được cho là đại diện cho sự hiểu biết sâu sắc về mặt tâm linh và tầm nhìn bên trong - những chủ đề chính trong truyền thống tôn giáo Coptic.
Công trình kiến trúc Ai Cập cổ đại sử dụng vật liệu tự nhiên. Ảnh minh hoạ: Internet
Một bức tranh tường nổi bật khác có hình một người đàn ông bế một đứa trẻ, được cho là Thánh Joseph đang bế Chúa Jesus. Bức tranh tường bao quanh bởi những nhân vật được cho là các môn đồ của Chúa Jesus, với các dòng chữ khắc bằng tiếng Coptic.
Trưởng bộ phận Cổ vật Hồi giáo, Coptic và Do Thái, ông Gamal Mostafa, cho biết tầng trên của cấu trúc xây dựng này có 3 sảnh song song với hai phòng, trong khi tầng dưới có các phòng tu viện và khu nhà ở.
Trong số các hiện vật được khai quật cũng có các mảnh gốm, đồ vật bằng đá và một bia mộ khắc chữ Coptic, xác định một vị thánh cùng ngày mất của ông.
Ngoài ra, cuộc khai quật đã phát hiện ra một số bình đựng rượu có chữ Coptic và một bức phù điêu bằng đá có chạm khắc hình động vật, gồm một con nai và một con sư tử, bên cạnh các bình gốm gia dụng.
Tổng giám đốc Cổ vật Hồi giáo, Coptic và Do Thái tại khu vực Đông Assiut, Mahmoud Mohamed, khẳng định rằng các nỗ lực khai quật và nghiên cứu sẽ được tiếp tục trong những tuần tới, để tìm hiểu thêm về những bí mật về cuộc sống của người Coptic ở vùng Thượng Ai Cập trong thời kỳ này và ý nghĩa của tòa nhà cổ.
Di chỉ khảo cổ Monqabad, nằm cách thành phố Assiut khoảng 12 km về phía Tây Bắc và cách sân bay quốc tế Assiut khoảng 22 km, có lịch sử khám phá lâu đời. Sau lần đầu tiên được phát hiện vào năm 1965, các cuộc khai quật có hệ thống tại địa điểm này bắt đầu vào năm 1976 và tiếp diễn không liên tục cho đến năm 2010. Sau đó, công việc khai quật được Ai Cập khởi động lại vào năm 2024.
Phát hiện mới nhất này bổ sung thêm những hiểu biết có giá trị về di sản Coptic và đời sống tu viện trong thời kỳ đầu của Kitô giáo ở Ai Cập và nhấn mạnh tầm quan trọng liên tục của công tác khảo cổ học trong khu vực.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất