21/10/2024 15:00 GMT+7 | Văn hoá
Hãy tưởng tượng một thế giới nơi mỗi cuốn sách bạn đọc được cá nhân hóa hoàn toàn. Hãy hình dung có một trợ lý không chỉ nhớ tất cả những cuốn sách bạn đã đọc, mà còn phân tích sâu sắc sở thích, phản ứng cảm xúc của bạn, và thậm chí sáng tạo ra những câu chuyện độc đáo, chỉ dành riêng cho bạn.
Mỗi trang sách, mỗi đoạn văn, trở thành cuộc trò chuyện thân mật giữa bạn và một "người bạn" am hiểu bạn hơn bất kỳ ai….
Với sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo (AI), kịch bản này không còn là điều không tưởng. Nhưng liệu điều này sẽ khiến bạn cảm thấy phấn khích, lo lắng, hay chỉ đơn giản là tận hưởng trải nghiệm?
Tại Hội chợ Sách Frankfurt 2024, chủ đề sự tác động của AI đối với văn học đã trở thành tâm điểm chú ý. Các nhà xuất bản, tác giả và những người yêu công nghệ đều nỗ lực khám phá tiềm năng của AI trong việc định hình lại tương lai của ngành công nghiệp xuất bản và thế giới văn học.
Ông Jeremy North - Giám đốc điều hành mảng xuất bản sách tại nhà xuất bản Taylor & Francis - cho rằng AI sẽ là đề tài mà chúng ta phải thảo luận trong suốt cuộc đời. Ông đặt câu hỏi: "Liệu chúng ta sẽ trở thành người chiến thắng hay thua cuộc trong cuộc chơi AI? Để thành công, chúng ta cần chấp nhận thử thách và sẵn sàng mạo hiểm, ngay cả khi chưa có đủ câu trả lời".
Trong khi đó, ông Niels Peter Thomas - Giám đốc điều hành của Springer Nature - nhận định rằng AI giống như một công cụ hỗ trợ mạnh mẽ, có tiềm năng đẩy nhanh quá trình khám phá và sáng tạo. Springer Nature đã ứng dụng AI hơn 10 năm và xuất bản thành công một cuốn sách học thuật hoàn toàn bằng AI chỉ trong vòng 5 tháng – nhanh hơn nhiều so với quy trình thông thường. Ông Thomas cho rằng dưới sự giám sát của con người, AI có thể trở thành nhân tố giúp đẩy nhanh sự tiến bộ trong ngành xuất bản.
Dù AI mang đến nhiều hứa hẹn, nhưng không thể phủ nhận những lo ngại về sự thiên vị trong quá trình phát triển công nghệ này. Ông Niels Peter Thomas lưu ý rằng sự thiên vị trong quyết định của con người là điều không thể tránh khỏi và AI có thể mang theo những thành kiến của chính người lập trình công cụ này, thay vì loại bỏ chúng để trở nên khách quan hơn. Ông nêu rõ: "Chúng ta có lẽ đang thay thế sự thiên vị của con người bằng sự thiên vị của máy móc, bởi cách thức lập trình AI vẫn phụ thuộc vào quan điểm của người lập trình".
Ông Halldor Gudmundsson, một tác giả người Iceland, cảnh báo về nguy cơ AI tạo ra thông tin sai lệch do hoạt động dựa trên xác suất. Trong khi đó, ông Henning Lobin - Giám đốc Khoa học của Viện Ngôn ngữ Đức Leibniz, cũng bày tỏ lo ngại về vấn đề bản quyền và an ninh dữ liệu khi AI sử dụng lượng thông tin khổng lồ mà chưa có quy định rõ ràng.
Theo ông Niels Peter Thomas, dù AI có thể mang lại hiệu quả và sự đổi mới, nhưng công cụ này không thể thay thế hoàn toàn vai trò của con người. Ông nhấn mạnh: "Khái niệm về trách nhiệm là điều không thể giao phó cho AI. Chúng ta luôn cần có con người giám sát và chịu trách nhiệm". Điều này đòi hỏi ngành xuất bản phải luôn minh bạch trong việc sử dụng AI và cung cấp thông tin rõ ràng về sự tham gia của công nghệ trong quá trình sáng tạo. Ông nhấn mạnh rằng mọi công nghệ AI được sử dụng trong công tác xuất bản của Springer Nature đều sẽ được ghi rõ ràng, đảm bảo tính minh bạch.
Ông Jeremy North thì đồng tình rằng việc thiết lập những tiêu chuẩn mới trong ngành xuất bản là điều tất yếu, để đảm bảo AI được quản lý và sử dụng một cách hiệu quả. Ông tin rằng một bộ tiêu chuẩn chung sẽ giúp ngành xuất bản hợp tác và học hỏi lẫn nhau trong việc khai thác tiềm năng của AI, đồng thời đảm bảo giá trị bền vững cho cả tác giả và độc giả.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất