03/07/2015 06:22 GMT+7 | Âm nhạc
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu (1924 - 2015) ra đi nhưng những bản tình ca của ông thì ở lại. Ông là người rất thành công và rất có duyên với việc phổ thơ, hơn một nửa gia sản âm nhạc của ông đến từ điều này.
Việc phổ thơ của ông không chỉ làm cho nhà thơ có tác phẩm được phổ cảm thấy hạnh phúc, mà còn để lại sự ngưỡng mộ cho những nghệ sĩ không liên quan trực tiếp. Hãy nghe họ tâm sự về điều này.
“Một cây đại thụ khiêm nhường”
Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha cho rằng: “Thống nhất đất nước đã “dinh dưỡng” cho Phan Huỳnh Điểu một thời kỳ sáng tạo mới, khi ông vào cư trú tại TP.HCM. Đấy là thời kỳ trữ tình đẹp đẽ nhất trong âm nhạc của ông. Đất nước thanh bình rồi, chả nhẽ âm nhạc cứ phải ùng oàng mãi sao. Khi ông đọc bài thơ Về miền hạ của Hoài Vũ, rồi nhớ về mối tình xưa thất lỡ, ca khúc Anh ở đầu sông em cuối sông ra đời, từ đó ông như cho qua mọi ùng oàng trong quá vãng. Cũng chẳng biết giữa Thúy Bắc và Xuân Quỳnh có duyên nợ gì với ông không, chứ việc phổ được Sợi nhớ sợi thương (thơ Thúy Bắc), Thuyền và biển, Thư tình cuối mùa Thu (thơ Xuân Quỳnh)… thì quá tuyệt vời.
Nếu nhìn vào sáng tạo âm nhạc, ta có thể thấy ông là một nhạc sĩ được “trời cho” giống như Văn Cao. Nhưng ông khác Văn Cao là không truyền đạo qua ca khúc, mà truyền tình yêu. Vì thế, ông đã không ở trong bóng của Văn Cao, mà tự tạo ra cái bóng khiêm nhường của một cây đại thụ trong nhân gian”.
Nhờ có “ngân khoản” nhạc tính dồi dào
Nhạc sĩ Hoàng Tú Mỹ cho rằng: “Phan Huỳnh Điểu dân Quảng đi tập kết miền Bắc nhưng tinh thần và không gian âm nhạc của ông lại thiên về chất của miền Nam nhiều hơn. Nhờ thủ đắc một “ngân khoản” nhạc tính dồi dào nên khi nghe nhiều bài phổ thơ của ông cứ ngỡ như sáng tác độc lập, ví dụ bài Dưới bóng cây kơ-nia (thơ Ngọc Anh, phỏng dịch từ dân ca H’rê). Ông như nhập vào bài thơ, hòa thành một, để từ đó âm nhạc ngân lên một cách tự nhiên, độc lập. Đừng tưởng làm được điều này là dễ dàng, bởi xung quanh chúng ta có vô số bài hát chỉ dừng lại ở mức hát thơ, chất nhạc quá thiếu vắng”.
Nhạc sĩ Phú Quang thì cho rằng phổ thơ cũng là công việc của người nhạc sĩ chuyên nghiệp. Vị nhạc sĩ cũng nổi tiếng với các bài hát phổ thơ nhận xét: “Phan Huỳnh Điểu có sự yêu thích và nhạy cảm lớn với thơ, nên gặp ý gặp lời nào hợp tâm trạng thì ông có nhạc đi song hành, mỗi bài mỗi kiểu. Trong việc phổ thơ, nếu để ý, chúng ta sẽ thấy có hai trường hợp phổ biến: hoặc bắt nhạc chạy theo thơ, hoặc bắt thơ chạy theo nhạc, song hành như Phan Huỳnh Điểu không hề dễ.
Cũng có nhiều ý kiến tỏ ra phân biệt cao thấp giữa việc tự viết lời và phổ thơ, tôi thì cho rằng không cần phải như vậy, vì phổ thơ là công việc của nhạc sĩ chuyên nghiệp. Ví dụ như “hoàng đế của ca khúc” là Franz Schubert (1797 - 1828), ông hầu như không viết lời mà chỉ phổ thơ, chẳng lẽ vì vậy mà yếu kém đi? Phổ thơ tình ca cách mạng thành công như Phan Huỳnh Điểu chẳng có mấy người đâu”.
Văn Bảy (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất