Ấm lòng sưu tập - những chuyện bây giờ mới kể!

01/09/2021 19:22 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Cho tranh là tự nguyện, ít hoặc nhiều cũng là tấm lòng đẹp. Sự ủng hộ vô điều kiện của họa sĩ/ người tặng tác phẩm là tiền đề rất quan trọng, đó là tình cảm và sự yêu thương vô bờ.

'Phá giá tranh' và những chuyện éo le

'Phá giá tranh' và những chuyện éo le

Từ ý tưởng cá nhân, trong 3 tuần qua, nhà báo Hà Văn Bảy của báo Thể thao và Văn hóa đã kêu gọi bạn bè trong giới mỹ thuật tham gia đóng góp ủng hộ các bệnh nhân của dịch Covid-19 bằng những tác phẩm của mình.

Nhà báo Hà Văn Bảy chia sẻ: “Nhiều người nói: Cho tranh thiện nguyện thôi mà, có gì đâu mà gọi là đặc biệt? Nói thì dễ vậy, cứ làm đi, rồi biết”.

Một phiên đấu giá đặc biệt!

Anh nói tiếp: “Tại 3 phiên đấu giá mua giường hồi sức cho Bệnh viện dã chiến số 5 vừa diễn ra, gia đình Ngô Bình Nhi tặng 9 bức, nhà sưu tập Bùi Quốc Chí tặng 5 bức, nhà sưu tập Phạm Văn Đông tặng 3 bức, Minh Ngô tặng 2 bức... Danh sách còn rất dài.

Hơn 10 năm qua - thông qua những phiên bán tranh vì thiện nguyện mà tôi biết rõ - gia đình họa sĩ Nguyễn Quốc Thái (1943 - 2020) và các con Nguyễn Quốc Thắng, Ngô Bình Nhi thường tặng khá nhiều tranh.

Chú thích ảnh
Nhà báo Hà Văn Bảy. Ảnh: Thục Linh

Điểm đáng trân quý của gia đình là khá vô tư và bao dung trong chuyện thiện nguyện, thường để BTC tùy nghi xử lý, nhiều khi bán với giá thấp đến xót xa.

Tất nhiên, không phải cho nhiều tranh thì đặc biệt hơn cho ít tranh, vì đây là chuyện tự nguyện, ít hoặc nhiều gì cũng là tấm lòng đẹp. Hơn 90 bức tranh của hơn 80 họa sĩ và nhà sưu tập vừa gởi tặng đều là những tấm lòng đẹp như vậy.

Sở dĩ phải tách riêng phiên này là để mọi người có thể xem một góc nhỏ tranh của gia đình họa sĩ Nguyễn Quốc Thái. Để những người thường đi xin tranh thiện nguyện như chúng tôi có dịp cảm ơn một gia đình, như là một đại diện cho tất cả họa sĩ, nhà sưu tập đã có tấm lòng đóng góp vô tư, đẹp đẽ.

Theo dự kiến, phiên này sẽ kết thúc lúc 22h ngày 23/8 nhưng đến 16h45 thì đã kết thúc, do 12/12 bức đã có người mua ngay.

Trân trọng cảm ơn sự hào phóng của gia đình họa sĩ Nguyễn Quốc Thái và các con Nguyễn Quốc Thắng, Ngô Bình Nhi. Trân trọng cảm ơn Đại sứ Phạm Sanh Châu và gia đình anh chị Hiệp Phương đã tặng tranh”.

Chú thích ảnh
Bức tranh “Hà Nội mùa Thu” (Tác giả: Nguyễn Quốc Thái, bột màu, 59cm x 76cm, 1995) đã được bán đấu giá

Thương yêu và sẻ chia đã tạo phép màu

“Tổng số tiền thu về qua 3 phiên đấu giá, 1 phiên đặc biệt, tính luôn tiền ủng hộ thêm 70.000.000 là 1.270.200.000 (Một tỷ, hai trăm bảy mươi triệu, hai trăm ngàn đồng). Tổng số tiền chi cho thiết bị y tế là 1.135.500.000 (Một tỷ, một trăm ba lăm triệu, năm trăm ngàn đồng). Chi tiết gồm 20 giường hồi sức (380.000.000 đồng), 4 máy thở (720.000.000 đồng) và 10 xe lăn (35.500.000 đồng).

Ngoài ra, chúng tôi còn chi cho "Quỹ mai táng 0 đồng" theo yêu cầu của nhà sưu tập Phạm Văn Đông là 40.000.000 đồng; hỗ trợ tã sữa cho 1 sản phụ quá khó khăn trong vùng dịch là 15.000.000 đồng, theo yêu cầu của nhà sưu tập Minh Ngô.

Những nhà sưu tập này đều tặng vài bức tranh cho chúng tôi, tất cả đều bán được, phần yêu cầu chi hộ của họ chỉ tương ứng với 1 bức tranh trong số đã bán.

Như vậy là chúng tôi còn tạm dư 79.700.000 đồng, ít hơn 10% dự kiến từ ban đầu một chút. Số tiền này dùng để thanh toán cho việc làm khung, gởi bưu phẩm tranh bảo đảm, bảo hiểm tranh cho các họa sĩ và nhà sưu tập, nếu họ không thể chi trả. Sau cùng, khi hậu cần xong, nếu vẫn còn dư tiền, sẽ làm thiện nguyện tiếp.

Đây là một con số nằm ngoài mọi mơ ước, thậm chí mơ mộng của chúng tôi, vì ban đầu chỉ mơ bán được chừng 15 - 20 bức tranh với khoảng 100 triệu đồng, để mua 4 - 5 cái giường hồi sức đã là thành công. Nếu mọi người không bao dung, thương yêu, chia sẻ với khó khăn của bệnh nhân Covid-19, thì chắc không có được “phép màu” này”.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Mưa giáo đường” (Lê Bá Cầu, sơn mài, 80cm x 60cm)

Chuyện bây giờ mới kể

“Từ đầu, tôi và Đông Quân có mơ ước là sẽ mua được 4 - 5 giường hồi sức gửi đến Bệnh viện dã chiến số 5, với chỉ 1 lần xin tranh công khai trên Facebook. Kết quả thì được chia sẻ, yêu thương ngoài mức mong đợi, nên chúng tôi không thể mong cầu thêm gì nữa. Nếu có làm, sẽ là một dịp khác.

Trong câu chuyện vừa diễn ra, sự ủng hộ vô điều kiện của họa sĩ/người tặng tác phẩm là tiền đề rất quan trọng, bởi “Có bột mới gột nên hồ”. Chúng tôi luôn biết ơn vì điều đó.

Hôm nay xin kể thêm một vài câu chuyện ngắn.

Đầu tiên là một Facebooker có tên Nam Tu. Trước khi phiên số 1 diễn ra ngày 20/8, tôi với Nam Tu chưa hề quen biết và chưa kết nối Facebook. Tôi thấy Nam Tu đấu giá trượt bức Cây và người (Phan Thị Hòa, vốn do NST Nguyễn Tuệ Minh tặng), vì một thao tác chơi xấu của Facebook.

Đó là khi các phiên đấu diễn ra, Facebook đề nghị ăn chia theo kiểu bán hàng, tôi từ chối, liền bị khóa hoặc che người lạ. Có người còn không nhìn thấy trang đấu giá, chỉ thấy những tin bài cũ.

Vậy là tôi đề nghị kết bạn với Nam Tu, để bạn đấu cho dễ hơn.

Và điều tuyệt diệu đã diễn ra, Nam Tu đã đấu giá thành công đến 19 bức, nếu tính luôn những bức không thành công, có lẽ phải hơn 40 bức.

Để có thể bán 104/107 lô, đạt 97%, thì sự cuồng nhiệt của Nam Tu và tất cả các nhà sưu tập, mua tranh còn lại là những nhân tố quyết định.

Nhắn tin cảm ơn Nam Tu đã ủng hộ, rồi hỏi anh đã sưu tập nhiều chưa? Anh nói mình không phải là nhà sưu tập.

“Lúc đầu chỉ nghĩ là xem chơi thôi, nhưng khi xem hết lượt tranh đợt 1 đã thấy đẹp. Nên muốn xem thêm, rồi thấy thích vài bức. Ban đầu cũng không định đấu nhiều như vậy đâu. Nhưng các phiên sau càng thấy đẹp, mà thấy cũng không nhiều người tham gia đấu, nên cũng tiếc cho chương trình, cũng như tranh đẹp. Nên càng ngày càng muốn ủng hộ nhiều hơn. Thật ra là quyết định đến còn nhanh hơn cả suy nghĩ lúc đó” - Nam Tu chia sẻ.

Quả là một tình cảm và sự yêu thương vô bờ.

Thứ hai, đó là chuyện một học sinh phổ thông ở Bà Rịa - Vũng Tàu (tôi tạm giấu tên, vì vị thành niên) nhắn tin hỏi muốn đấu bức Tuổi 16 của Đặng Phan Lạc Việt với mức 200.000 đồng có được không? Tôi nói bạn cứ vô "còm" (comment - bình luận) đi. Kết quả đã được như ý, còn được họa sĩ viết một lá thư ngắn kể về bức tranh và tuổi 16 của mình.

Họa sĩ Nguyễn Thị Mỵ thì kể rằng có một bạn rất tha thiết muốn mua lại bức tranh mà chị Hà đã đấu thành công, sau khi thuyết trình các lý do, chị Hà đã đồng ý để lại với giá cao hơn 50%. Và chị Hà đã gởi tiếp 50% này tặng cho chúng tôi mua giường hồi sức.

Rồi một người nào đó đã gửi 15.000.000 đồng để mua bức ký họa của Lưu Công Nhân, mà không đề tên. Dù bức này đã bán trước đó”.

Tạm thời từ chối những tấm lòng!

“Khi thực hiện đấu giá, chúng tôi cũng gặp những khó khăn - nhỏ thôi! Đầu tiên là vì ít người làm, Đông Quân và tôi đã hoàn toàn quá tải khi các phiên đấu giá diễn ra, vô số tin nhắn, cuộc gọi, bình luận… khó mà chu toàn hết.

Thứ hai, dù tiền đã nhận hết, nhưng vì Covid-19, việc chuyển tranh cho người mua không hề đơn giản. Chúng tôi dự kiến phải mất chừng 2 tháng cho việc này. Những thất lạc, hư hại do vận chuyển cũng là điều đáng lo lắng.

Chính vì vậy, mà sau 4 phiên, dù đã có những đề nghị chúng tôi làm riêng một phiên về đồ gốm cổ, một phiên về kim cương, một phiên về nhiếp ảnh, một phiên về đồng hồ… để ủng hộ 100% cho bệnh nhân Covid-19. Quả là rất hào phóng và nhân ái.

Nhưng lực bất tòng tâm, tạm biết đủ là đủ, nên xin tạm dừng tại đây. Hẹn sớm quay trở lại, trong một hoàn cảnh khác, câu chuyện khác” - nhà báo Hà Văn Bảy.

Kết quả đấu giá tranh

Tổng số tiền thu về qua 3 phiên đấu giá, 1 phiên đặc biệt, tính luôn tiền ủng hộ thêm 70.000.000 đồng là 1.270.200.000 (Một tỷ, hai trăm bảy mươi triệu, hai trăm ngàn đồng). Tổng số tiền chi cho thiết bị y tế là 1.135.500.000 (Một tỷ, một trăm ba lăm triệu, năm trăm ngàn đồng). Đã chuyển tặng Bệnh viện dã chiến số 5 (TP.HCM): 20 giường hồi sức (380.000.000 đồng), 4 máy thở (720.000.000 đồng) và 10 xe lăn (35.500.000 đồng).

Tiểu Phong (ghi)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm