Ảnh = Ký ức = Lịch sử (Kỳ 24): 'Dải đăng ten giăng giữa trời' đã tròn 120 tuổi

07/02/2022 19:04 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - "Dải đăng ten giăng giữa trời" là hình tượng mà Toàn quyền Paul Doumer cảm nhận khi ngắm công trình mà nhà thực dân khời xướng đã thành hiện thực nối 2 bờ Sông Hồng đoạn đi ngang qua Hà Nội, lúc đó đã được xác định là "Thủ đô" chính thức của Đông Dương. Đó là cái cầu bằng thép hùng vĩ được định danh bằng tên gọi người khởi xướng là Cầu Doumer, nay được gọi là Cầu Long Biên.

Xem toàn bộ chuyên đề Ảnh = Ký ức = Lịch sử TẠI ĐÂY

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (Kỳ 23): Hà Nội - Từ Tết Độc lập tới Tết Giải phóng

Ảnh = Ký ức = Lịch sử (Kỳ 23): Hà Nội - Từ Tết Độc lập tới Tết Giải phóng

Nước Việt Nam tuyên bố Độc lập ngày 2/9/1945, và 5 tháng sau, ngày 2/2/1946, nhân dân cả nước trong đó có Thủ đô Hà Nội đã được đón cái Tết Độc lập đầu tiên.

Joseph Anthanase Paul Doumer, người đã từng nắm giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Tài chính của nước Pháp trước khi được điều động sang Đông Dương làm Toàn quyền kể từ ngày 13/2/1897, đã nhận ra rằng tất cả những tiềm năng của xứ thuộc địa này chỉ có thể được khai thác khi xác lập được một hạ tầng giao thông mà cốt lõi là một hệ thống đường sắt tựa như cái xương sống của một cơ thể.

Một chương trình hành động được xác lập bởi 2.000km đường sắt với 2 tuyến đường chiến lược nối Hải Phòng với Hà Nội và ngược lên phía Bắc qua Lào Kai (tức Lào Cai), sang Vân Nam (Trung Quốc) và một tuyến xuyên Việt từ điểm tiếp cận với biên giới phía Bắc ở Lạng Sơn bổ dọc hình thể Vương quốc Đại Nam cho đến Sài Gòn lúc này đã là thuộc địa của Pháp. Cả 2 tuyến ấy có điểm giao nhau là Hà Nội, lúc này đã được xác định là "Thủ đô" của toàn xứ Đông Dương, thay cho Sài Gòn chỉ còn là trị sở phương Nam…

Chú thích ảnh
Chân dung Toàn quyền Doumer trên số báo “Nông Cổ Mín Đàm” ngày 15/8/1901

Để tiếp cận với Hà Nội, dù từ Hải Phòng hay Lạng Sơn, các tuyến đường sắt ấy đều phải vượt qua con Sông Hồng vốn rộng và dữ dằn khi mùa nước lũ. Để thực hiện chương trình của Paul Doumer, các tuyến đường sắt đều phải vượt qua rất nhiều cây cầu, nhưng thử thách lớn nhất chính là cầu vượt sông Hồng đương thời trong dân gian còn được gọi là sông Cái.

Dự kiến làm cây cầu này trước tiên bị ngay chính những nhà thực dân nghi ngờ khả năng thực thi trên cả 2 phương diện công nghệ và tài chính. Báo chí của người Pháp đương thời đăng nhiều bài công kích và đàm tiếu… Nhưng được khích lệ từ chính quốc với chủ trương thiết thực của Tổng thống Pháp ngày 25/12/1898 cho phép Đông Dương phát hành công trái để huy động 200 triệu francs, Paul Doumer đã xắn tay khởi động và không bao lâu đã khánh thành tuyến đường đầu tiên từ bờ Bắc sông Hồng của Hà Nội lên Lạng Sơn (16/7/1900); khánh thành cầu Tràng Tiền ở Huế vượt sông Hương (18/12/1900); hoàn thành dự án với chính quyền nhà Thanh về một tuyến đường từ cảng Hải Phòng đến Vân Nam theo tuyến từ Lào Cai nối sâu vào lãnh thổ Trung Hoa đến Côn Minh (15/6/1901) và quan trọng hơn hết là chiếc cầu thép vượt sông Hồng ở Hà Nội đã được khởi công sau cuộc đấu thầu đã giành quyền thi công cho Hãng Daydé & Pillé.

Chú thích ảnh
Bản vẽ thiết kế tổng thể chiếc cầu thép vượt sông Hồng

Chiếc cầu thép dài 1.682,60m gồm 19 nhịp đặt trên 2 mố và 15 trụ có độ sâu trung bình 30m cắm sâu vào lòng đất ở trên bờ hay dưới lòng sông cộng thêm 900m cầu dẫn ở bờ Nam nối vào Ga Hàng Cỏ với dự toán 5,9 triệu francs đã được thi công chỉ trong gần 4 năm với thực chi là 6,2 triệu francs được coi là một kỷ lục.

Chiếc cầu này được thiết kế khá gần với cầu Tolbiac ở Paris, nhưng độ khó gấp bội không chỉ vì nguồn nguyên liệu chủ chốt là thép phải nhập hoàn toàn từ Pháp, xi măng thì nhà máy ở Hải Phòng cũng được xây dựng cùng thời chỉ đáp ứng một phần. Nhưng khó nhất là chinh phục được con sông Hồng rất dữ dội về mùa lũ và nguồn nhân lực lại chỗ hầu như chưa từng làm một công trình tương tự.

Vậy mà tính từ lúc dự án được mở thầu ngày 4/6/1897, đặt viên đá đầu tiên vào ngày 12/9/1898 thì đến ngày 3/2/1902 đã tổ chức lễ hợp long và ngày 28/2/1902, lễ khánh thành chính thức đã được tổ chức. Và sau các nghi thức tổ chức ở bờ Nam, Toàn quyền Đông Dương cùng Hoàng đế Thành Thái đã lên tàu để vượt qua sông Hồng trên chiếc cầu lúc này đã được chính thức lấy tên của người khởi xướng dự án (Paul Doumer). Chuyến tàu chạy thẳng ra Hải Phòng và viên Toàn quyền Paul Doumer cũng liền xuống tàu về Pháp, tiếp tục làm Bộ trưởng Bộ Tài chính 2 nhiệm kỳ rồi trúng cử Tổng thống Pháp, nhưng sau đó không lâu thì qua đời sau một vụ mưu sát vào năm 1932.

Chú thích ảnh
Công nghệ sử dụng những chiếc chuông thả xuống đáy sông để đào móng

Nói về công trình này, trong hồi ức của mình viết về thời gian làm Toàn quyền Đông Dương, Paul Doumer không chỉ nói đến những người cộng sự là các nhà công nghệ và kiến trúc sư hay đội ngũ đốc công người Pháp mà còn đánh giá cao nguồn nhân lực tại chỗ.

Buổi ban đầu có sự tham gia của các nhân công đưa từ Trung Quốc sang, nhưng không lâu sau đó toàn bộ nhân công đều được tuyển mộ từ người Việt, tuy vóc người nhỏ bé, nhưng cần cù và tiếp thu rất nhanh những kỹ năng mới từ việc khó nhất là chịu đựng các thử thách lao động trong các quả chuông áp lực thả xuống sông để đào sâu 30m dưới đáy, đến việc lắp ráp và tán đinh (rivet) kết nối các tấm thép lớn… chót vót trên cao.

Cũng trong hồi ức này, Paul Doumer xác nhận rằng chỉ sau khi cầu xây xong, không chỉ các chuyến tàu lưu thông mang lại lợi ích cho thuộc địa mà ngay thành phố Hà Nội, dân số từ 30.000 đã tăng gấp 4 - lên 120.000 người - và còn tiếp tục tăng lên nữa…

Cây cầu thép ấy đã tồn tại đến cuối tháng 2 năm nay là tròn 120 tuổi (2 hoa giáp), bắc qua 3 thế kỷ, cho dù nó đã thay đổi tên là Long Biên (từ tháng 7/1945, thị trưởng Trần Văn Lai đã xóa bỏ tên của nhà thực dân để lấy tên vùng đất gắn với cuộc khởi nghĩa chống đô hộ phương Bắc từ thời Hai Bà Trưng), đã từng chứng kiến những người lính Pháp cuối cùng phải rời Hà Nội sau Hiệp định Genève 1954, đã từng chịu đựng sự tàn phá khốc liệt của bom đạn Mỹ trong Chiến tranh phá hoại mà cao điểm vào năm 1967… nhưng vẫn hiên ngang, cho dù tấm "đăng ten" mà Paul Doumer đã ví von nay không còn nguyên vẹn.

Vì với người Hà Nội, câu đồng dao "Hà Nội có cầu Long Biên, vừa dài vừa rộng bắc ngang sông Hồng" không chỉ mãi mãi có trong ký ức mà chắc chắn sẽ tồn tại lâu dài với Thủ đô Hà Nội ngày một to lớn hơn, đang hoàng hơn…

Chú thích ảnh
Địa điểm thi công đào móng trên lòng sông
Chú thích ảnh
Địa điểm thi công đào móng trên bờ
Chú thích ảnh
Dàn giáo lắp dầm thép
Chú thích ảnh
Lễ khánh thành trên bờ Nam có Doumer và Hoàng đế Thành Thái dự
Chú thích ảnh
Hoàng đế Thành Thái sử dụng xe lửa từ Hải Phòng ra Hà Nội dự lễ rồi theo đó trở về cảng vào Huế
Chú thích ảnh
Xe hoa với các cô gái đẹp diễu hành trong lễ khánh thành
Chú thích ảnh
Hơn 20 năm sau (1923), cầu mới mở rộng thêm đường ô tô 2 bên cầu
Chú thích ảnh
Cầu Doumer luôn được đưa lên bưu ảnh tuyên truyền cho công cuộc khai thác thuộc địa của Pháp
Chú thích ảnh
Cầu Doumer luôn được đưa lên bưu ảnh tuyên truyền cho công cuộc khai thác thuộc địa của Pháp
Chú thích ảnh
Cầu Doumer luôn được đưa lên bưu ảnh tuyên truyền cho công cuộc khai thác thuộc địa của Pháp
Chú thích ảnh
Toàn cảnh cầu Doumer sau hơn 4 thập kỷ được sử dụng. Ảnh do không quân Mỹ chụp ngày 5/3/1945

(Còn tiếp)

QXN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm