24/01/2022 18:55 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Nước Việt Nam tuyên bố Độc lập ngày 2/9/1945, và 5 tháng sau, ngày 2/2/1946, nhân dân cả nước trong đó có Thủ đô Hà Nội đã được đón cái Tết Độc lập đầu tiên. Đó cũng là thời điểm cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên đã được tổ chức bầu ra Quốc hội mới, nhưng phải sau Tết mới triệu tập (2/3/1946) để họp kỳ đầu tiên.
Xem toàn bộ chuyên đề Ảnh = Ký ức = Lịch sử TẠI ĐÂY
Vì thế, Chính phủ Lâm thời vẫn còn và mở ra một tập quán mới là nhận được Thư chúc Tết của Chủ tịch nước.
Ngày 2/2/1946, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt toàn bộ các thành viên Chính phủ để chúc Tết, sau đó tất cả xuất hiện tại bao lơn Nhà hát để chào đông đảo nhân dân Hà Nội, lúc này đã trở thành Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa theo nghị quyết của Quốc dân Đại hội Tân Trào. Nhân Tết Độc Lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh có lời chúc: “Trong năm Bính Tuất mới/ Muôn việc đều tiến tới/ Kiến quốc chóng thành công/ Kháng chiến mau thắng lợi”.
Đất nước mới độc lập, khó khăn vì nạn đói, lụt lội vẫn nặng nề; chiến tranh đã bùng nổ ở Nam Bộ đang lan ra Nam Trung Bộ… nên khẩu hiện "Kiến quốc và Kháng chiến" luôn được nhắc tới ở mọi nơi… Đêm hôm trước, buổi Giao thừa, Cụ Chủ tịch nước mặc bộ đồ áo dài truyền thống cùng ông bác sĩ, Chủ tịch Thành phố Hà Nội Trần Duy Hưng hòa vào đám đông thăm Đền Ngọc Sơn… rồi đi cho đến rất khuya thăm mấy gia đình dân nghèo của Hà Nội. Trước và trong Tết, các đoàn thể tổ chức các cuộc phân phát quà từ thiện hay tổ chức hội chợ để dân vui và nhớ đến việc nước…
Riêng ngày mồng 5 Tết Bính Tuất, lần đầu tiên trong lịch sử, một lễ hội đã duy trì nửa thế kỷ của người Hoa đến Gò Đống Đa nơi có ngôi đền thờ tướng giặc Sầm Nghi Đống và tương truyền còn nhiều xác giặc vùi dưới chân gò, để cúng lễ cho hương hồn đạo quân xâm lược của nhà Thanh, trở thành Lễ hội tôn vinh chiến thắng của nghĩa quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy của vị Hoàng đế anh hùng Nguyễn Huệ đã kết thúc cuộc hành quân thần tốc, toàn thắng quân Thanh vào mùa Xuân Kỷ Dậu (1789).
Nước Việt Nam độc lập không chỉ chấm dứt ngót 100 năm chế độ thuộc địa mà cũng chấm dứt luôn chế độ quân chủ của nhà Nguyễn, cựu thù của Tây Sơn. Vì vậy, kể từ Tết Độc lập đầu tiên ấy, Lễ hội Đống Đa trở thành Ngày kỷ niệm Chiến thắng và tôn vinh vị Hoàng đế anh hùng… cho đến nay và mai mãi về sau.
Nhưng mùa Xuân tiếp theo (1947), Tết Đinh Hợi, Hà Nội cùng cả nước đã bước vào cuộc Kháng chiến toàn quốc. Hà Nội đang trải qua 60 ngày đêm chiến đấu với tinh thần "quyết tử để Tổ quốc quyết sinh". Những chiến sĩ quyết tử đón Tết trong tiếng nổ và ánh sáng của bom, đạn… rồi rút lên Chiến khu ăn tiếp 6 cái Tết xa Thủ đô… cho đến Xuân Giáp Ngọ (1954).
Tết năm đó, Hà Nội vẫn là vùng tạm chiếm của Pháp. Thời điểm này "con nhím" Điện Biên Phủ đang hình thành. Cuộc quyết đấu giữa Pháp có Mỹ đứng sau và Quân đội Nhân dân Việt Nam bắt đầu được trang bị vũ khí của phe xã hội chủ nghĩa sắp diễn ra. Dân Hà Nội đang hồi họp chờ đợi…
Báo Xuân năm con Ngựa xuất hiện một số đặc biệt Tờ Tia Sáng đặc san phủ kín trang bìa một bức tranh của họa sĩ Lê Văn Xương. Bức tranh màu lại được in offset, nghe đâu được in từ bên Pháp gửi về. Nhưng điều đáng nói hơn là nội dung bức tranh Quang Trung đại phá quân Thanh tiến vào giải phóng thành Thăng Long. Bút pháp họa sĩ hào hoa sinh động khỏi phải bàn. Nhưng người xem không khó nhận ra những chi tiết vô lý: Quang Trung và nghĩa quân Tây Sơn cưỡi ngựa chứ không cưỡi voi như chuyện xưa thường kể! Điều đó có thể giải thích vì Giáp Ngọ là năm Ngựa.
Thành Thăng Long thời Hậu Lê nơi giặc Thanh chiếm đóng cuối thế kỷ 18 cớ sao lại có Cột Cờ, kiến trúc thời Nguyễn mới dựng trong thành Hà Nội đầu thế kỷ 19? Tại sao lá cờ phất phới bay trên đỉnh Cột Cờ lại là lá cờ đỏ? Dân chúng kín đáo bàn luận, lan truyền… bức tranh hình dung một ngày không xa, quân ta từ chiến khu sẽ trở về giải phóng Thủ đô Hà Nội…
Qua những ngày Tết Giáp Ngọ không lâu, quân ta mở đầu Chiến dịch Điện Biên để không đầy 2 tháng sau tập đoàn cứ điểm của Pháp thất thủ… Hiệp định Genève được ký kết… Ngày 10/10/1954, quân ta tiếp quản Hà Nội.
Và Tết Ất Mùi (1955) trở thành Tết Giải phóng với nhiều điều mới mẻ. Bóng dáng anh bộ đội từ chiến khu về luôn xuất hiện trên đường phố và bên các mâm cỗ gia đình. Những tập quán, sinh hoạt cũ được duy trì nhưng mang nhiều sắc thái mới; nhiều trò chơi vốn ở chốn hương quê được đưa vào thành phố như đánh đu tiên trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Những bộ phim của Trung Quốc, Liên Xô thay các phim Pháp, phim Mỹ chiếu ở các rạp…
Riêng ở Gò Đống Đa, ngày giỗ trận Tết Giải phóng lại trở lại với ý nghĩa đã được xác lập trong Ngày Tết Độc lập 8 năm về trước: Tôn vinh nghĩa quân Tây Sơn và Hoàng đế anh hùng Quang Trung - Nguyễn Huệ…
(Còn tiếp)
QXN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất