10/12/2022 18:48 GMT+7 | World Cup 2022
Anh vs Pháp: Trong suốt chiều dài lịch sử hàng thế kỷ qua, họ chưa từng yêu thích nhau. Hai quốc gia, hai nền văn hoá, hai ngôn ngữ chỉ cách nhau mỗi eo biển Manche ấy chưa từng yêu mến nhau. Họ đã như thế, đang như thế và có lẽ sẽ mãi thế, dù trong lịch sử, họ đã từng có lúc là đồng minh với nhau.
Mấy năm trước, khi phim Dunkirk đang làm mưa làm gió trong những rạp chiếu phim ở khắp nơi trên thế giới, kể cả ở Pháp và ở Anh, một nhà bình luận điện ảnh Pháp nói rằng, "họ đã mô tả chúng ta không giống như những kẻ hèn nhát", trong khi một đồng nghiệp Anh của ông thì lại nói, "nhờ Hollywood, cuộc tháo chạy khỏi Dunkirk của chúng ta là một chiến thắng".
Hollywood, một sản phẩm Mỹ, đã giúp giải toả phần nào những rắc rối trong quan niệm của người Anh và người Pháp về những năm đầu của Thế chiến II. Họ là đồng minh với nhau trong những năm tháng ấy. Quân đội viễn chinh Anh chiến đấu cùng với người Pháp và chia sẻ nhiều câu chuyện về thất bại, như câu chuyện Dunkirk năm 1940 mà lịch sử đã cho thấy, khi người Anh rút lui còn người Pháp đầu hàng phát xít Đức, và cả những chiến thắng sau đó nữa. Nhưng họ vẫn cãi nhau về một tỉ chi tiết liên quan đến cuộc chiến mà họ sát cánh bên nhau ấy. Người Pháp không muốn bị người Anh đánh giá là hèn nhát và đầu hàng Adolf Hitler. Người Anh rất ghét bị người Pháp nghĩ rằng, vào năm 1940 đó, họ đã bỏ rơi đồng minh và Dunkirk là một thảm hoạ quân sự chứ không phải là một chiến thắng về một chiến lược.
Có quá nhiều mâu thuẫn và bất đồng giữa 2 quốc gia ấy, mà điểm gần nhất giữa họ qua biển Manche chỉ là 32 km (giữa Dover và Pas-de-Calais), nhưng lại quá xa nhau về mọi mặt, có lẽ bởi họ tin rằng, phủ nhận nhau, chế giễu và chỉ trích nhau, thậm chí gây chiến tranh với nhau là cách tốt nhất để tồn tại. Họ đã từng đánh nhau trong cuộc chiến Trăm năm ở thế kỷ 14 và 15, đã xung đột với nhau trên biển và trên đất liền, ở các thuộc địa trong thế kỷ 18 và 19, và trong thời hiện đại là đủ loại mâu thuẫn liên quan đến Brexit, đến những ý tưởng về việc ai sẽ lãnh đạo châu Âu, cách xử lý khủng hoảng nhập cư, quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương với Mỹ cũng như hành xử thế nào với Vladimir Putin và nước Nga trong cuộc chiến ở Ukraine.
Và họ luôn nói xấu nhau. Trong một bộ phim tài liệu của kênh BBC năm 2019, Thủ tướng Anh lúc đó là Boris Johnson đã nói rằng những người Pháp là một bọn "tệ hại", và đưa ra những bình luận không hay ho gì về Tổng thống Emmanuel Macron. Không lâu sau đó, báo chí Pháp từng viết rằng chính ông Macron, trong một nhận xét về chính sách hạn chế người nhập cư của Thủ tướng Johnson, đã gọi chính phủ Anh lúc đó là một "gánh xiếc". "Thật tệ hại khi một quốc gia hay ho như Anh lại dẫn dắt bởi một lũ hề", ông được trích dẫn nói thế. Thế đấy, bọn "tệ hại" chống lại một "lũ hề". Trong quá khứ, những cuộc công kích nhau kiểu ấy rất nhiều, trong đủ mọi khía cạnh cuộc sống. Trong mắt người Anh, người Pháp là một lũ ếch, bởi người Pháp ăn ếch. Trong mắt người Pháp, người Anh là lũ bò nướng, vì họ thích ăn thứ đó. Và người Pháp, luôn vỗ ngực cho rằng mình là một quốc gia hàng đầu về văn hoá ẩm thực, từng cho rằng người Anh chẳng biết gì về ăn uống, khi coi món fish and chips (cá rán tẩm bột và khoai tây chiên) là một trong những món quốc hồn quốc tuý.
Nhưng còn thời trang thì sao? Một câu chuyện rất dài nữa. Người Anh chịu khá nhiều ảnh hưởng về gu thời trang của người Pháp trong những năm sau Cách mạng Pháp, nhưng không bao giờ thừa nhận điều đó. Người ta vẫn hay thích kể một câu chuyện về Coco Chanel (1883-1971), bà hoàng thời trang của nước Pháp, mẹ đẻ của nước hoa Chanel, từng có một câu kinh điển rằng, "Thời trang đi qua, phong cách ở lại". Khi Công tước Westminster, một quý tộc Anh, yêu bà hết mực và quyết định cầu hôn bà sau 10 năm quen nhau, bà trả lời: "Nữ công tước Westminster thì nhiều, nhưng Coco Chanel thì chỉ một". Quan hệ của họ bị Coco Chanel cắt đứt sau lần cầu hôn hụt ấy của Công tước Westminster. Tóm lại, trong mắt người Pháp, người Anh không biết ăn cũng chẳng biết mặc.
Đương nhiên, không chỉ họ là đồng minh trong những cuộc Thế chiến I và II, họ cũng chia sẻ nhiều điều quan trọng về lịch sử, kể cả bóng đá, khi những Arsene Wenger hay Eric Cantona sang Anh và thổi một làn gió mới vào đó, hay cả người Pháp và người Anh đều rơi nước mắt khi Công nương Diana tử nạn trong đường hầm Alma ở Paris vào năm 1997, nhưng những khác biệt luôn khiến quay sang chỉ trích nhau. Hồi tuyến đường sắt xuyên châu Âu Eurostar bắt đầu hành trình chạy sang London qua eo biển Manche, có những nhà báo Pháp đã phản đối, bởi tàu đi từ Paris và dừng bánh ở nhà ga Waterloo, cho đây là một cú chơi khăm của Anh với Pháp. Bởi Waterloo chính là nơi diễn ra trận đánh bất hủ năm 1815, kết thúc những năm tháng đẫm máu của kỷ nguyên Napoleon và đưa châu Âu trở về ảnh hưởng của nước Anh.
Đêm nay, Anh sẽ gặp Pháp trong một trận tử chiến ở tứ kết World Cup. Người Pháp không có duyên trước Anh ở các trận đấu World Cup, khi đã thua Anh các ở các World Cup 1966 và 1982. Pháp có Kylian Mbappe, một cầu thủ siêu hạng, người có thể tàn phá mọi khung thành. Nhưng Anh có Harry Maguire, một phiên bản khác so với cái anh Maguire ta hay thấy ở MU. Và nhiều người Anh thậm chí đã từng hình dung ra hậu vệ này sẽ trở thành một dạng thống đốc Hudson Lowe ở đảo Saint Helena, nơi mà ông đảm đương nhiệm vụ cầm tù Napoleon cho đến lúc Hoàng đế Pháp qua đời vào năm 1821.
Mbappe là một dạng Napoleon của bóng đá Pháp lúc này. Liệu "Hudson Lowe" Maguire có thành công trong việc giam giữ "Napoleon" Mbappe và những giấc mơ bá chủ World Cup của người Pháp?
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất