28/05/2018 17:53 GMT+7 | Liverpool
(giaidauscholar.com) - 2 tháng trước, Mohamed Salah còn khiến cả Ai Cập “phát điên” với những serie bàn thắng. 2 tháng sau, những nụ cười tan biến. Chỉ còn lại nỗi âu lo khi World Cup đã cận kề.
Cả nước Ai Cập đang sục sôi không khí bóng đá, đang sống trong giấc mơ đẹp về một hành trình tuyệt diệu nào đó ở VCK World Cup 2018 và người đã thắp lên trong họ giấc mơ ấy không ai khác ngoài Mohamed Salah.
Với Ai Cập, Salah là “đấng tối cao”
Gần 3 thập kỷ qua, ĐTQG hàng đầu châu Phi ấy lỗi hẹn với ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Chính xác là từ Italia 90, Ai Cập liên tục phải làm khán giả ở các VCK World Cup. Nhưng bây giờ họ đã trở lại nhờ phép màu của Mohamed Salah, người gánh trên vai kỳ vọng của cả một dân tộc.
Chân sút 25 tuổi chính là người hùng đưa tuyển Ai Cập đến Nga 2018 nơi họ nằm cùng bảng đấu với đội chủ nhà, Uruguay và Saudi Arabia. Có thấu hiểu nỗi khắc khoải của gần 30 năm vắng bóng ở World Cup ấy thì mới hiểu được vì sao Ai Cập tôn thờ Mohamed Salah.
Salah với người Ai Cập bây giờ thực sự chả khác gì Messi với người Argentina hay Ronaldo với người Bồ Đào Nha. Truyền thông thế giới so sánh anh với 2 ngôi sao tấn công đặc biệt nhất thế giới suốt một thập niên qua, còn trên mảnh đất quê hương anh được các CĐV Ai Cập coi như vị vua trong lòng họ, một “Pharaoh” của bóng đá nước này.
Tiền đạo 25 tuổi là vua phá lưới của Premier League 2017-18 với 32 bàn thắng. Những bàn thắng liên tiếp ghi được cho Liverpool khiến anh bắt đầu được so sánh với Messi nhưng Salah vẫn tỏ ra khiêm tốn, tránh nhắc đến bất cứ điều gì to tát: “Tôi cố gắng mỗi ngày và đã học hỏi được nhiều điều cả trong lẫn ngoài sân đấu”, anh bảo thế. Ghi bàn không ngưng nghỉ nhưng chưa lúc nào tỏ ra mình là một ngôi sao, Salah càng được CĐV Ai Cập tôn thờ. Anh giống như “đấng tối cao” trong lòng họ.
Cả dân tộc... cầu nguyện
Bao pha phạm lỗi của các đối thủ suốt cả mùa giải kéo dài vẫn không thể cản bước Salah. Nhưng đúng trong trận đấu quan trọng nhất mùa giải với Liverpool, khi World Cup 2018 chỉ còn tính từng ngày, Salah lại gục ngã. Cái kẹp tay của Sergio Ramos ở Kiev đã làm rúng động cả một dân tộc.
Đó là một pha phạm lỗi nhưng là một hậu vệ, Ramos đã làm việc mà nhiều hậu vệ khác cũng có thể làm theo cách tương tự trong tình huống ấy. Tình huống diễn ra gần cấm địa Real và bóng đang trong tầm kiểm soát của Salah. Hiểm nguy đã cận kề. Ramos khóa chặt tay để chặn Salah lại bằng mọi giá. Salah lại chỉ nghĩ đến chuyện làm sao phải giữ bằng được trái bóng trong chân. Và cú ngã đớn đau sinh ra từ đó.
“Pharaoh” của người Ai Cập rời sân với đôi mắt ngấn lệ còn trên các khán đài sân Olympic ở Kiev và trước những màn hình lớn được đặt ở nhiều con phố nơi quê nhà, những đồng bào của Salah lặng đi vì buồn bã. Những gương mặt ưu tư. Những giọt nước mắt ngắn dài.
Liverpool tan vỡ giấc mơ vô địch, nhưng dù thế nào họ đã từng 5 lần lên ngôi trước đó. Ai Cập có nguy cơ tan vỡ một giấc mơ mà với những đồng bào của Salah thì chắc chắn lớn lao hơn nhiều. Giấc mơ được quyền hy vọng vào điều gì đó tuyệt vời trên đất Nga mà họ đã đợi chờ trong khắc khoải gần 30 năm qua.
Không có Salah, đội bóng châu Phi vẫn chiến đấu nhưng đấy là cuộc chiến đấu mà người Ai Cập hiểu rằng chưa bước ra sân đã thấy mầm tuyệt vọng. Có Salah nghĩa là có cái gì đó để hy vọng. Có thể chỉ là trong khoảnh khắc thôi. Có thể cuối cùng Ai Cập vẫn chưa chắc qua được vòng bảng. Nhưng được xem “đấng tối cao” thi đấu đã là một đặc ân rồi.
Bây giờ người Ai Cập đang sống trong âu lo với những câu hỏi nặng trĩu. Liệu Salah có kịp bình phục trước giờ G không? Và dù Salah trở lại kịp lúc, đó có còn là “Pharaoh” Mohamed Salah đã làm họ sung sướng ngất ngây suốt mùa giải này? World Cup đã ở sau lưng rồi...
Trọng Tuệ
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất