18/01/2016 13:23 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Nếu muốn lý giải bí ẩn của Chelsea vào lúc này, có lẽ không có cách nào tuyệt vời hơn là tìm lời giải của bí ẩn mang tên John Terry. Đó là một hình ảnh biểu tượng của CLB ở thời đại Roman Abramovich nhưng cũng là một hình ảnh mang nhiều dấu hỏi rất lớn, với nhiều nghịch lý rất lớn.
1. Cú đá phản lưới nhà của Terry trước Everton cũng khá thú vị. Trong nỗ lực phá bóng bằng chân phải của anh, bóng lại đập vào chân trái để bay vào lưới. Chân nam đá chân chiêu, dường như đó chính là bản chất của Chelsea ở mùa bóng này, mùa bóng mà từ vị thế của ứng cử viên số 1, tự các cầu thủ đã ném hết cơ hội của CLB vào sọt rác.
Ở trận đấu với Man City hồi đầu mùa, Terry bị thay ra rất sớm và để lại ngờ vực rằng giữa anh và Jose Mourinho đã tồn tại một mâu thuẫn nào đó. Ngờ vực đó không bao giờ được giải mã rõ ràng và bản thân Terry cũng chưa bao giờ hé lộ ra một chi tiết nào dù nhỏ nhất cho thấy anh chống lại HLV xuất sắc nhất trong lịch sử Chelsea.
Nhưng nếu nhìn vào cách mà Terry phản ứng lại trong trận Everton và so sánh với phản ứng của anh ở những thất bại dưới thời Mourinho, chúng ta sẽ thấy rõ hơn cái gọi là quyền lực của cầu thủ. HLV khi đã không được cầu thủ coi trọng thì cũng sẽ chỉ như chú bù nhìn rơm gác ruộng không hơn không kém. Còn giới cầu thủ, nếu “vui” thì họ chơi bóng hết mình và “không vui” thì họ sẽ buông xuôi phó mặc kết quả tới đâu thì tới.
Thực tế, Chelsea dưới tay Hiddink (mà phải nói đúng hơn là Chelsea-không-có-Mourinho) luôn biết phản ứng lại mỗi khi bị đối thủ chiếm ưu thế. Đó là một đội bóng đá vì tự trọng của chính mình. Còn suốt cả nửa đầu mùa bóng, Chelsea chỉ là những con người có vẻ không cần quan tâm tới tự trọng của CLB là gì. Bị dẫn trước ư? Họ vẫn chơi như thể họ đang dẫn đối thủ 1 hoặc 2 bàn. Và chính điều đó đã khiến Chelsea cứ chìm dần trên bảng xếp hạng, lọt vào vị trí mà không một ai có thể hình dung nổi. 2.
Thế mới biết, nghề HLV là nghề rủi ro đến mức nào. Bạn có thể chuẩn bị kỹ lưỡng mọi kế hoạch, mọi phương án, thậm chí đến từng chi tiết nhưng việc cầu thủ có tuân theo kế hoạch ấy không lại là chuyện khác.
Vậy thì vai trò quyết định trong một CLB phải thuộc về ai, khi mà thế lực của các cầu thủ quá lớn? Chắc chắn nó phải thuộc về ông chủ của CLB, người trực tiếp trả lương cho giới cầu thủ. Và ở Chelsea, vai trò ấy của Roman Abramovich đã thực sự tốt?
Khi Chelsea gỡ hòa 2-2 trước Everton, Abramovich đã ăn mừng rất hoan hỉ trên khán đài danh dự, như thể đội bóng của ông vừa nâng tỷ số lên 4-0 vậy. Câu hỏi đặt ra là lúc Mourinho còn tại vị, Abramovich có thường xuyên ngồi trên khán đài với thái độ như thế? Hoàn toàn không, cho thấy ông không còn chút tin tưởng nào dành cho HLV.
3. Song, làm gì thì làm, khán giả vẫn là người phán quyết đầy tinh tường. Cầu thủ cũng như ông chủ đều phải hiểu, khán giả chính là cái gốc của đội bóng. Ở bàn nâng tỷ số lên 3-2 của Everton lẫn bàn gỡ hòa 3-3 của Terry, cả hai cầu thủ ghi bàn đều lao vào ôm lấy các CĐV ruột của đội bóng. Cầu thủ thừa biết họ thuộc về cộng đồng nào, chơi bóng vì cộng đồng nào. Nhưng khi những mâu thuẫn nội bộ tồn tại, họ sẵn sàng bỏ qua trách nhiệm của mình với cộng đồng ấy chỉ để giải quyết mâu thuẫn đầy vị kỷ của mình. Và điều khốn khổ cho các CĐV Chelsea chính là lối hành xử đó đã tồn tại như một thói quen của đội bóng ấy kể từ thời kỳ 2007, thời kỳ Chelsea cũng không có phản ứng gì trước đối thủ ngõ hầu đẩy HLV rời khỏi Stamford Bridge.
Như thế, Chelsea có thể vươn tới tầm vóc của một CLB vĩ đại hay không, khi họ chưa xây dựng được cho mình một văn hóa riêng, một quy tắc ứng xử riêng?
Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất