Hiệu ứng 'Brexit' hậu triều đại Wenger

23/04/2018 18:50 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Arsene Wenger sau hơn 20 năm gắn bó với chức danh HLV trưởng của Arsenal cuối cùng đã đưa ra quyết định chia tay. Đây là điều nhiều CĐV “Pháo thủ” mong đợi, nhưng sự ra đi của “Giáo sư” có thể sẽ gây ra một hiệu ứng “Brexit” không mong muốn.

Chặng đường của Wenger

Ngày 22/09/1996, Arsene Wenger được chính thức giới thiệu trước toàn thế giới với cương vị HLV trưởng của Arsenal. Thời điểm đó, tên tuổi của chiến lược gia Pháp chưa được nhiều người biết đến. Thậm chí, tờ London Evening Standard còn có bài viết “Arsene Who?” (tạm dịch: Arsene là ai?).

Trong cuốn sách Wenger: Người tạo dựng huyền thoại, tác giả Jasper Rees có đoạn viết: “Khi Bruce Rioch bị sa thải, có một tờ báo nhắc đến 3 hay 4 cái tên ứng viên tiếp theo dẫn dắt Arsenal. Những người đó là Venables, Cruyff và cuối cùng là Arsene Wenger. Với suy nghĩ của một CĐV lúc đó, tôi chắc chắn CLB sẽ lựa chọn Wenger, một người chẳng ai biết đến trước đó”. Thực tế, Jasper Rees không phải người duy nhất chê bai Wenger. Thậm chí Tony Adam từng có thái độ mỉa mai khi nhắc tới Wenger vào thời điểm năm 1996: “Tôi phải chơi cho một HLV người Pháp? Mọi người hẳn đang đùa rồi”.

Bỏ mặc những lời dè bỉu, HLV Wenger đã tạo nên những kỷ lục không bao giờ phai mờ và bị lãng quên cho Arsenal. Đáng nói nhất chính là mùa giải Bất bại 2003-04, một kỷ lục vô tiền khoáng hậu tại Premier League. Thành tích của ông cho tới nay vẫn chưa bị bất kỳ ai lật đổ, dẫu cho đó là Sir Alex Ferguson, Jose Mourinho hay Pep Guardiola.

Rời Arsenal, có 5 bến đỗ đợi Arsene Wenger

Rời Arsenal, có 5 bến đỗ đợi Arsene Wenger

Arsene Wenger và Arsenal sẽ “đường ai nấy đi” vào cuối mùa giải này. Trong những mùa giải cuối cùng, “Giáo sư” đã nhận nhiều chỉ trích vì thành tích nghèo nàn, nhưng không phải vì thế mà không có những bến đỗ hứa hẹn đang đợi chờ ông.

Tuy nhiên, các HLV cũng giống như cầu thủ, họ luôn có phong độ khác nhau ở từng thời điểm khác nhau. Đỉnh cao của HLV Wenger có lẽ đã đi qua từ rất lâu nhưng chính bởi tình yêu ông dành cho Emirates (hay Highbury trước đây) khiến ông không nhận ra. Quyết định chia tay Arsenal đưa ra hôm 20/4 vừa qua là điều nhiều CĐV “Pháo thủ” mong đợi từ lâu. Dẫu vậy, mọi chuyện không thể diễn ra suôn sẻ với đội chủ sân Emirates sau khi triều đại của Wenger kết thúc. Chắc chắn sẽ rất nhiều khó khăn sẽ ập đến và hơn thế, một hiệu ứng “Brexit” có thể xảy đến đối với họ.

Sẽ có hiệu ứng “Brexit”?

Khi vẫn ở trong Liên minh châu Âu EU, nhiều người dân Anh muốn ra khỏi tổ chức này. Sau khi tiến hành bỏ phiếu trưng cầu dân ý, mong muốn này đã thành hiện thực. Tuy nhiên, một thời gian ngắn, nước Anh phần nào tỏ ra nuối tiếc với quyết định này bởi nhiều lĩnh vực quan trọng như chính trị và kinh tế chịu ảnh hưởng to lớn.

Câu chuyện giữa Arsenal và HLV Wenger đang diễn ra theo đúng nửa trên của sự kiện Brexit. CĐV “Pháo thủ” liên tục nằng nặc đòi sa thải HLV người Pháp ở những mùa giải gần đây vì thành tích nghèo nàn tại Premier League và Champions League. Cứ đến giai đoạn cuối mùa giải, những khẩu hiệu hay biểu ngữ như “Wenger Out!” lại xuất hiện trên khán đài sân Emirates. Ước nguyện của các CĐV Arsenal cuối mùa này sẽ thành hiện thực. Đồng nghĩa với đó là những khó khăn chắc chắn sẽ ập tới với họ vào mùa giải tới.

Arsenal giống Man United ở một điểm, họ không có thói quen thay đổi HLV. Chính vì thế, khi thay người cầm quân, “Quỷ đỏ” đã lạc lối trong suốt thời gian qua. Man United đã trải qua 4 đời HLV, chi hàng trăm triệu bảng để bổ sung chất lượng đội hình nhưng hình bóng “Quỷ đỏ” vẫn chưa thực sự trở về. Điều đáng nói hơn, trước khi chia tay Old Trafford, HLV Ferguson đã để lại một đội hình vô địch với những cái tên xuất sắc như De Gea, Rooney, Van Persie hay Valencia. Nhưng cuối cùng FA Cup và Europa League là hai danh hiệu danh giá nhất họ có được sau thời Sir Alex.

Sau khi HLV Wenger quyết định chia tay Arsenal, nhiều cái tên thay thế ông đã được nhắc tới, chẳng hạn như Luis Enrique, Patrick Vieira. Đó đều là những sự lựa chọn chất lượng. Cả hai đã có những thành tích và dấu ấn riêng trong sự nghiệp cầm quân. Tuy nhiên, phong cách của họ liệu có phù hợp với Arsenal?

Chelsea trong những ngày đầu dưới triều đại ông chủ Roman Abramovich luôn theo đuổi lối chơi đẹp mắt. Ông chủ của họ đã đem nhiều HLV có phong cách tấn công về Stamford Bridge nhưng cuối cùng, những cái tên đem lại vinh quang cho CLB lại là Jose Mourinho, Carlo Ancelotti và Di Matteo. Tất cả đều là những HLV ưu tiên sự chắc chắn và kỷ luật trong lối chơi.

Arsene Wenger ra đi là điều sớm muộn cũng đến. Nhưng vấn đề Arsenal đương đầu sau đó là điều không phải ai cũng đoán được. CĐV “Pháo thủ” có thể vui bây giờ nhưng chắc chắn sẽ không kéo dài.

Quý Dậu (Theo Guardian)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm