25/03/2017 06:42 GMT+7 | Bóng đá Anh
(giaidauscholar.com) - Những cuộc chia tay luôn để lại nhiều cảm xúc nhưng không phải cuộc chia tay nào cũng như cuộc chia tay nào. Và cuộc chia tay của Schweinsteiger và của Podolski chính là những điều đáng để suy nghĩ ở thời điểm này…
1. Cuối cùng thì Schweinsteiger cũng ra đi. Mọi chịu đựng đã đến giới hạn cuối của cả hai bên, danh thủ Đức và Man United. Hai phía đã cùng đồng thuận để phá bỏ hợp đồng một cách êm thấm. Điều đó biến Schweinsteiger thành người tự do, và bởi vậy, CLB Mỹ Chicago chẳng phải mất đồng phí chuyển nhượng nào. Nhưng đằng sau tự do của Schweinsteiger là gì? Có lẽ là rất nhiều tranh cãi.
Schweinsteiger đã ở bên kia sườn dốc của sự nghiệp, đó là một thực tế rõ ràng. Nhưng nếu nói anh chẳng có nổi một chút giá trị nào đủ để đóng góp cho Man United ở tuổi này thì cũng không hẳn. Schweinsteiger không yếu ớt hơn Rooney. Anh cũng không xử lý bóng thiếu chính xác hơn Rooney. Anh và Rooney cùng một kiểu như nhau: những cầu thủ bắt đầu vào tuổi muộn của sự nghiệp. Nhưng Rooney là người Anh, là một phần lịch sử của Man United, và bởi thế, Man United cư xử với anh cũng khác. Họ có thể để Schweinsteiger ra đi như người tự do nhưng Rooney thì không. Người Tàu muốn có Rooney ư? Hãy trả tiền chứ đừng trông đợi Man United giải phóng anh như đã làm với Schweinsteiger.
Và lời chia tay dành cho danh thủ người Đức cũng khá đắng cay, khi báo chí Anh tính toán rằng “mỗi trận Schweinsteiger chơi cho Man United, CLB ấy phải tốn mất 800 ngàn bảng Anh”. Cái cách quy giá trị kiểu ấy, xem ra, hơi phũ.
2. Cùng thời điểm với việc Schweinsteiger trở thành người tự do, Podolski cũng nói lời chia tay với ĐTQG Đức. Nhưng lời chia tay của Podolski để lại rất nhiều điều đáng ngẫm, một cách cay đắng, với người Anh. Ở trận cuối cùng với ĐTQG, Podolski vẫn làm được cái điều mà một tiền đạo cần phải làm. Và anh làm nó một cách ngoạn mục. Bàn thắng quá đẹp vào lưới Joe Hart cho thấy giá trị của một ông già Đức là như thế nào.
Đối diện Podolski ở phía tuyển Anh là những ai? Họ là những cái tên đắt giá của Premier League, những ngôi sao thu hút truyền thông mỗi ngày. Nhưng ngẫm cho cùng, trong số 11 người ở đội hình chính thức chỉ có đúng 1 người đang là ĐKVĐ Premier League: Vardy. Và nếu tính cả những người từng vô địch Premier League, chúng ta cũng chỉ thấy thêm được 3 người nữa là Hart, Cahill và Smalling. Trong số hiếm hoi các nhà vô địch ấy, cũng chỉ mình Cahill đang là ứng viên số 1 cho chức vô địch Premier League mùa giải này mà thôi.
Người Anh có thể quên rất nhanh những Podolski, Schweinsteiger, và không coi trọng họ bằng những ngôi sao của mình. Nhưng chắc người Anh sẽ hiểu, ĐTQG của họ khó lòng vô địch EURO hay World Cup cũng bởi họ thiếu những nhà vô địch từ trong máu như các đối thủ chóng bị lãng quên của mình.
3. Đằng sau lời chia tay của Schweinsteiger, chúng ta mới nhận ra rằng ở Man United còn rất nhiều âu lo thực sự. Sau thời kỳ Ferguson, dường như chuyện mua sắm ở Old Trafford thường kết thúc bằng những bản hợp đồng ngốc nghếch nhiều hơn. Chính Mourinho cũng thừa nhận rằng, nếu phải tay ông, sẽ không có chuyện Di Maria rời khỏi đội bóng. Điều đó chứng tỏ, không còn Fergie, Man United không chỉ mất đi một chiến lược gia mà còn mất cả một bộ não am tường thị trường, con người và chiến lược đường dài.
Đằng sau lời chia tay của Podolski, người Anh chắc cũng nhận thấy các ngôi sao trong ĐTQG của mình thực sự không ở tầm siêu sao như họ vẫn nghĩ. Những ngôi sao ấy không thể ở tầm vóc của những đồng nghiệp tại Đức, TBN, Pháp, Italy. Họ chỉ hơn đúng 1 điểm: Họ được chơi ở Premier League, giải đấu nhận được quá dư thừa sự quan tâm.
Người Ý có một bài hát cũ rất hay, có tựa là Liberta (Tự do). Và khá lạ lùng, bài hát về tự do nhưng lại buồn vời vợi. Cơ bản, nó nói về chuyện 1 người tự do, ra đi, để lại cả một trời tiếc nuối phía sau lưng mình. Fergie đã tự do khỏi thế giới bóng đá; Schweinsteiger đã tự do khỏi Man United, Podolski cũng đã tự do khỏi trách nhiệm ĐTQG. Và rõ ràng, họ để lại phía sau rất nhiều nuối tiếc, thậm chí cho cả chính CLB mà họ không gắn bó quá nhiều như trường hợp của Schweini ở Man United và Podolski ở Arsenal.
Hóa ra vậy, tự do đúng là một bài hát buồn.
Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất