29/03/2016 06:29 GMT+7 | Bóng đá Anh
(giaidauscholar.com) - Chiến thắng 3-2 trước ĐKVĐ thế giới Đức cho thấy Anh có một sức mạnh đáng nể. Và người hâm mộ Anh háo hức hơn vì sức mạnh đó đến từ một diện mạo mới mẻ không còn Lampard, Gerrard, Terry và đặc biệt là Wayne Rooney.
1. Sau chiến thắng ấy, Roy Hodgson bảo: “Tôi sẽ không bỏ rơi Rooney ở EURO 2016”. Song, có lẽ ông cũng nên cân nhắc kỹ về sự “chung thủy” dành cho Rooney. Người Anh mong mỏi một danh hiệu đã nửa thế kỷ rồi. Họ không muốn lúc nào cũng chỉ là một đội bóng của cơ hội lớn và sau đó bỏ lỡ đáng tiếc.
Hôm qua, Zlatan Ibrahimovic, người đã khẳng định về chuyện mình sẽ rời PSG ở mùa Hè này bằng một dụ ngôn ấn tượng là “chỉ khi tượng của tôi thay cho tháp Eiffel thì mới có khả năng tôi ở lại”, đã tiết lộ với báo giới rằng có hơn 2 CLB lớn ở Premier League đã đề nghị ký hợp đồng với anh, mức lương được tiết lộ lên tới 150 ngàn bảng Anh/ tuần. Dữ kiện ấy hẳn khiến nhiều người phải suy nghĩ. Tại sao một tiền đạo 34 tuổi lại có thể được cả nước Anh mong đợi trong khi đó, tiền đạo đội trưởng ĐTQG của họ, mới 30 tuổi, đã không còn được tin tưởng nữa? Thậm chí, có người còn cho rằng mùa Hè này Rooney nên sang Trung Quốc cho “lành”.
Phải chăng, nước Anh không có tiền đạo giỏi nên cơn thèm khát của họ với một tiền đạo quốc tế đã bị đẩy lên đến mức đó? Không hẳn vậy, Rooney từng là nỗi thèm khát của chính PSG, và của Real Madrid nhiều năm trước đó. Vậy thì lý do gì, một tiền đạo Anh ở tuổi 30 lại thua kém một tiền đạo Thụy Điển ở tuổi 34, bất chấp việc cầu thủ Anh vẫn được coi là có nền tảng thể lực tốt?
2. Đơn giản, các cầu thủ Anh, đặc biệt là cầu thủ tấn công, luôn dễ bị sa vào trạng thái “sớm tàn”, hay cụ thể hơn là “kiệt lực” (burned-out) và trước Rooney, đã có những tấm gương như Fowler, Owen…, những người cũng bừng sáng từ rất trẻ và xuống phong độ khi vẫn chưa kịp già.
Nhiều người đổ lỗi việc lịch thi đấu ở Anh quá khắc nghiệt và điều đó không sai. Trong khi ở TBN, những đội bóng lớn gần như chỉ tập trung cho Champions League, Primera Liga và Copa del Rey và sẵn sàng bỏ qua Cúp TBN bằng cách không dự hoặc chỉ gửi đội dự bị tham dự thì ở Anh, các CLB không bỏ sót một giải nào. Tất nhiên, ở Đức, Pháp, các CLB cũng vẫn theo đuổi các giải tương tự nhưng họ không chọn cách đấu lại để giải quyết các trận hòa như người Anh vẫn làm ở FA Cup. Sự bào mòn thể lực ấy đã khiến cầu thủ Anh dễ kiệt quệ hơn. Song, đó chỉ là lý do phụ. Vẫn có những cầu thủ tấn công người nước ngoài không hề tàn sớm khi chơi bóng ở Anh, như điển hình Henry, Pires, Bergkamp… Lý do chính nằm ở điểm khác. Nó chính là hậu quả của vấn đề tâm lý căng thẳng kéo dài, nguyên nhân chính khiến con người ta bị kiệt quệ.
Theo các nghiên cứu sinh lý học, y học, tình trạng căng thẳng (stress) kéo dài sẽ dẫn tới việc thể chất bị kiệt quệ. Và trên thực tế, áp lực lên vai các cầu thủ Anh luôn rất lớn khi giới hâm mộ và truyền thông Anh lúc nào cũng đứng trên đôi chân truyền thống và sức hút của Premier League để cho rằng Tam Sư là một trong số ít những đội tuyển đẳng cấp hàng đầu thế giới. Từ đó, họ đặt lên vai các tuyển thủ sức ép của ứng viên vô địch. Thêm vào đó, sự quan tâm quá mức đến đời sống của các cầu thủ Anh đã dẫn tới việc họ luôn cảm thấy quá tải trường kỳ.
3. Trường hợp của Rooney là cụ thể nhất. Thay vì để anh phát triển bình thường, họ gần như đòi hỏi anh phải là một trong những cầu thủ vĩ đại của thời đại. Sự đòi hỏi mà Rooney không thể đáp ứng đó đã giết chết sự nghiệp của anh, khi anh vừa mới chạm ngưỡng 30.
Và không chỉ cầu thủ Anh nói riêng, kể cả các các danh thủ nước ngoài, nếu không chịu nổi áp lực từ truyền thông Anh, họ cũng sẽ kiệt quệ sớm. Torres, Sheva, Balotelli chính là những nạn nhân điển hình nhất. Và trong tương lai, danh sách sẽ là những ai? Kane; Martial hay Rashford? Chắc chắn sẽ không có Vardy vì ơn Chúa, năm nay anh ta không còn trẻ nữa…
Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất