Argentina có nhiều ngôi sao thì... đã sao?

07/07/2015 14:10 GMT+7 | Copa America 2015

(giaidauscholar.com) - Sau 99 năm đằng đẵng cuối cùng thì Chile cũng đã đăng quang Copa America trong năm mà chính họ là nước đăng cai. Chiến thắng đó rõ ràng chẳng của riêng ai trong tập thể áo đỏ...

Trận chung kết Copa America 2015 đã chứng kiến màn đối đầu đầy thú vị trên băng ghế chỉ đạo, mà kết cục ra sao thì chúng ta đều đã biết.

Những ngôi sao bị khuất phục

Một điểm thú vị không nhiều người nhận ra là Gerardo Martino và Jorge Sampaoli từng là đồng đội của nhau, khoác chung một màu áo cấp CLB. Đó là giai đoạn từ 1977 đến 1979, khi tiền vệ công Martino chơi phía trên tiền vệ thủ Sampaoli trong màu áo đội trẻ Newell’s Old Boys. Nhưng rồi những chấn thương đã vĩnh viễn cướp đi sự nghiệp của chàng trai trẻ Sampaoli. Trong khi đó, Martino đi lên đội một và sau này trở thành cầu thủ xuất sắc nhất lịch sử Old Boys.

Nghiệp cầu thủ đã lận đận, nghiệp huấn luyện của Sampaoli lại cũng lận đận chẳng kém. Sampaoli trải qua 15 năm trời trắng tay trước khi giành được những danh hiệu đầu tiên cùng Universidad de Chile vào năm 2011. Trong khi đó, Martino đi trên con đường dù khấp khuỷu nhưng ấn tượng hơn về thành tích khi 3 lần đăng quang tại giải VĐQG Paraguay, được bầu là HLV xuất sắc nhất Nam Mỹ năm 2007 và thậm chí đã từng cất cánh sang trời Âu huấn luyện Barcelona.

Nói Sampaoli là gã khổ sở còn Martino là ngôi sao sáng thì cũng chẳng sai. Thế nhưng, có lẽ chính sự khác biệt về con đường sự nghiệp này đã đẩy họ đến những con đường rất khác nhau về triết lý bóng đá.

Cùng được coi là những học trò của Marcelo Bielsa, nhưng kỳ thực Martino phóng khoáng hơn rất nhiều. Ông thích các cầu thủ dàn rộng trên khắp mặt sân, kéo giãn cự ly đội hình đối thủ trước khi những chân rê dắt tài tình tung hoành. Trong khi đó, Sampaoli là hiện thân của một thứ bóng đá đúng chất... tiền vệ thủ, một thứ bóng đá “khổ sở”: Cả đội bó chặt vào nhau thành một khối, chạy liên tục, cố tắc bóng trên phần sân đối phương và mọi thành viên đều phải là một “máy cày”.

Kết quả là những ngôi sao rê dắt điêu luyện đẹp mắt đã thua.

Chiến thắng của một tập thể

Ngoại trừ trường hợp của Arturo Vidal, Alexis Sanchez và có thể là Claudio Bravo, khó có thể nói rằng các cầu thủ trong đội hình Chile có thể với được tới trình độ cá nhân của Argentina nếu đem so sánh trực tiếp. Thực vậy: Bạn muốn ai đá hậu vệ, Francisco Silva và Gary Medel hay Nicolas Otamendi và Martin Demichelis; bạn muốn tiền vệ trụ Marcelo Diaz hay Javier Mascherano; “số 10” Jorge Valdivia hay Lionel Messi; tiền đạo Eduardo Vargas hay Sergio Aguero?

Rõ ràng nếu so sánh đối đầu từng vị trí một như thế, Argentina sẽ thắng thế. Nhưng bóng đá là trò chơi của cả 11 cầu thủ trên sân. Chile gắn kết như một tập thể - điều Argentina không thể làm được. Mọi pha bóng của La Roja dù là phòng thủ hay tấn công đều đậm màu sắc phối hợp tác chiến. Trong khi đó, có thể thấy rõ rằng Albiceleste trông chờ quá nhiều ở Messi, trao niềm tin quá lớn cho Aguero hay Gonzalo Higuain, đặt quá nhiều trách nhiệm càn quét cho Mascherano.

Sampaoli thừa hiểu ông cần làm gì. Trả lời phỏng vấn sau trận, ông nói thẳng: “Ý tưởng của chúng tôi trong trận Chung kết là ngăn chặn cầu thủ hay nhất thế giới”. Nếu hỏi câu tương tự với Martino, có lẽ ông ta sẽ ngớ người. Kèm Vidal ư? Còn Charles Aranguiz! Kèm Sanchez ư? Vargas đã nhận danh hiệu “Vua phá lưới”! Kèm Valdivia ư? Matias Fernandes vào sân và thể hiện tuyệt hảo!

Trong tay Sampaoli là một tập thể 23 con người. Ở đó, ai cũng sẵn sàng vào sân. Đó là 23 cầu thủ có trình độ ngang bằng nhau và đều cần thiết như nhau.

Trong tay Martino là rất nhiều ngôi sao. Khi ông đưa Higuain vào sân thay Aguero để rồi cầu thủ này gây thất vọng, người ta tự hỏi vì sao Carlos Tevez không được trao cơ hội? Đội hình toàn sao đã phản tác dụng.


Dũng Lê
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm