Đoản khúc cho Diego Maradona

04/07/2010 15:45 GMT+7 | World Cup 2010

(TT&VH) - Điện thoại của tôi rung lên khi tiếng còi cuối cùng của trận đấu còn chưa vang lên. Ông không chờ được đến phút chót, không thể chờ được. Trên máy, ông nói một cách rắn rỏi và mạnh mẽ, có lẽ để át đi tiếng hò hét của các CĐV và tiếng vuvuzela trên sân: “Đấy, tớ nói với cậu rồi. Diego chỉ là một con người bình thường, thậm chí tầm thường. Anh ta không biết cầm quân và có lẽ sẽ không bao giờ biết cầm quân. Người Argentina không sai khi coi anh là Thánh. Nhưng anh ấy chỉ là Thánh trên sân”.

Phải, Thánh trên sân, danh hiệu được phong 24 năm về trước, trên cao nguyên Mexico, trong những ngày nóng bỏng của năm 1986. Từ “Bàn tay của Chúa” cho đến “Thánh”, là một con người, nhưng chỉ trên sân. Không phải ngoài đời, vì không có Chúa và Thánh nào nghiện ngập đến mức suýt chết, không cả Thánh trên ghế HLV, vì hình như Maradona được sinh ra là để đá bóng, để đưa ra những câu phát ngôn mà có lẽ Mourinho bây giờ đang học theo, và chửi Pele.










Maradona chỉ là Thánh trên sân - Ảnh Getty
 Marcelo Hoyos nói đúng. Ông nhà văn người Argentina mà tôi gặp trên tàu đến Cape Town không thích Maradona, không thần tượng anh như hàng triệu người Argentina đã và đang làm trong dịp World Cup. Sự tỉnh táo đến mức tàn nhẫn với một thần tượng của ông đã khiến mấy CĐV Argentina khác đi cùng đoàn với ông tự ái và khó chịu. Nhưng sự thật vẫn là sự thật. Ông bảo tôi rằng, nếu người Argentina cần một thần tượng trong bóng đá, cứ thần tượng Maradona. Diego thì từ trẻ con đến người lớn đều yêu mến được. Những sai lầm trong cuộc đời của anh dễ dàng được bỏ qua, vì ánh sáng lung linh tỏa ra từ đôi chân bằng vàng và mái đầu ngẩng cao của anh làm người ta choáng váng. Người Argentina không có được tình yêu và cả sự căm thù như người Ý, nhất là những người Italia, cụ thể hơn, người Napoli.

Cái thành phố biển có dáng dấp một cảng ở Nam Mỹ ấy đã yêu anh biết bao nhiêu trong những ngày anh đem những danh hiệu và chiến thắng đến cho Napoli, nhưng đã căm thù anh khi anh đưa Argentina vượt qua Italia ở bán kết World Cup 90 trên chấm phạt đền. Căm thù, và không biết đến tha thứ. 20 năm rồi vẫn thế, dù ai cũng biết rằng, Maradona cũng đau khổ vì chống lại nước Ý, nhưng anh không thể làm khác. Trái tim có lí của trái tim. Nhưng người Argentina không thế. Maradona suýt chết vì nghiện ngập người ta vẫn đứng chật phía ngoài cổng bệnh viện để cầu nguyện và ngóng tin anh. Không một lời trách móc. Thua World Cup này là nhục nhã. Nhưng sẽ không ai trách Diego yêu dấu lấy một lời, dù sự ấu trĩ trên ghế HLV của anh đã làm tan nát trái tim những người hâm mộ.

Yêu và vị tha. Người Argentina là thế. Các cô gái Argentina xinh đẹp tôi gặp trong một quán bar, hay các chàng trai đến từ Buenos Aires khác đã khóc. Nhưng họ khóc cho đội bóng của mình. Sự kém cỏi về năng lực cầm quân của Maradona dễ dàng bị bỏ qua, vì người ta chỉ nhìn thấy ở anh con người chiến thắng của 24 năm trước, chứ không phải bây giờ, cứ như là thời gian đã mãi dừng lại ở cột mốc 1986. Thế nên, các CĐV không trách Diego. Với họ, Thánh không có lỗi, không bao giờ có lỗi. Khi người ta yêu, người ta sẵn sàng bỏ qua tất cả để đặt trọn trái tim. Hôm ngồi trên tàu, Hoyos bảo, người Argentina yêu Maradona như là một người tình chứ không phải là vợ. Họ yêu chứ không lấy anh, giống như một người đàn ông có vợ vẫn lén lút với bồ. Họ cũng không bao giờ bỏ vợ để đi lấy bồ. Đơn giản vì thần tượng của họ cũng có vợ (không chỉ một) và rất nhiều người tình cũng như con rơi. Hoyos kết luận khi kết thúc cuộc gọi: "Diego không phải là Thánh. Tôi không phải là người quá đạo đức và cũng không giỏi về chiến thuật bóng đá, nhưng tôi không thể nào yêu được hắn ta như các cậu trẻ vẫn yêu. Nhưng tôi buồn và tôi khóc cho Argentina". Khóc đi. Người Argentina đã khóc nhiều lần, khóc cho Evita Peron, cho Carlos Gardel, cha của Tango, khóc cho những thất bại của đội tuyển Argentina. Nhưng đừng khóc cho Diego.

Diego không bao giờ là Thánh. Người ta chỉ là Thánh khi đã chết. Maradona đã là Thánh vào năm 1986. Sau đấy, anh "chết" rồi.

                                                                   Anh Ngọc (Từ Cape Town)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm