(giaidauscholar.com) -
Khi còn chèo lái Man United chinh phục những cột mốc vĩ đại, Sir Alex Ferguson từng có câu để đời: “Phong độ là nhất thời, đẳng cấp là mãi mãi”. Cũng chính thuyền trưởng người Scotland là người đã khai sinh ra và trung thành với triết lý bóng đá: “One by one, win; group win & team win” (dịch nôm na là: Một đối một, thắng; nhóm đối nhóm, thắng, suy ra đội bóng thắng).
M.U, Sir Alex và các triết lý bóng đá có liên quan gì đến… đội tuyển U19 Việt Nam và nền bóng đá vùng trũng? Phải nói luôn rằng, bóng đá giống nhau về bản chất, tức những yếu tố cơ bản, giống về luật chơi, nhưng khác biệt được tạo ra bởi đẳng cấp.
“Nhà đông con…”Sau các màn ra mắt ấn tượng đầu tiên ở giải vô địch U19 Đông Nam Á 2013 và vòng loại U19 châu Á 2014, mà đỉnh điểm là lần hạ gục U19 Australia tỷ số 5-1, đội bóng trẻ Việt Nam với quân Học viện HA.GL Arsenal JMG giữ vai trò chủ đạo, bước đầu tạo được được niềm tin nơi người hâm mộ.
“Cơn sốt U19” tiếp tục lên đến đỉnh điểm, khi thầy trò HLV Gaulluime Graechen thậm chí đã chiếm trọn cả con tim một bộ phận không nhỏ giới mộ điệu, trong bối cảnh nền bóng đá khá “hỗn mang”. Những người làm công tác chuyên môn cũng nhanh chóng chia làm 2 phe: Phe ủng hộ, tin tưởng và phe trung lập, quan ngại. Ngay cả với giới truyền thông cũng nhiều thời điểm cũng không thể giữ được sự bình tĩnh, tỉnh táo và lập trường. Họ cũng hùa theo, dù điều này là cực kỳ nguy hiểm.
Khi lứa U19 này thắng đậm Australia và lặp lại điều này ở giải U19 Đông Nam Á mở rộng (diễn ra ở Mỹ Đình, hồi đầu tháng 9/2014), U19 Indonesia cũng đã hạ đương kim vô địch U19 Hàn Quốc ở vòng loại. Nhưng xứ vạn đảo đâu nâng cấp tham vọng dự vòng chung kết (VCK) U20 thế giới hay xa hơn là World Cup, như xứ mình! Thái Lan hay Myanmar, 2 đại diện Đông Nam Á đã chính thức lọt vào tứ kết U19 châu Á 2014, cũng rất vừa phải. Nhà họ cũng “đông con” như chúng ta, cũng đứa cao, đứa thấp, nhưng quan trọng, họ biết mình là ai để phấn đấu, chứ không phải kiểu nghĩ... "dồn cho đứa Đại học Harvard" ở ta.
Trở lại mặt đấtSau khi để Hàn Quốc hạ bằng tỷ số một ván tennis ở ngày ra quân, giấc mơ lọt vào tốp 4 đội đứng đầu VCK U19 châu Á 2014 (đồng nghĩa với suất dự VCK U20 thế giới vào năm sau), coi như phá sản. Thêm lần thứ 3 làm bại quân trước U19 Nhật Bản (thua 1- ở những phút đấu bù), chúng ta tạm an ủi và rằng, sẽ chơi một trận đấu để đời với U19 Trung Quốc, để ra về trong tư thế ngẩng cao đầu.
Có thể thế thật, nếu xem hết hơn 90 phút trận đấu này ở Yangon, khi thầy trò HLV Graechen đã buộc đối thủ phải vất vả như đế nào. Niềm tin tiếp tục được nuôi dưỡng.
Không phủ nhận rằng, lứa U19 Việt Nam lần này đã có những bước tiến nhất định, cả về cách thức tiếp cận trận đấu (tiến bộ qua từng trận đấu, giải đấu), kỹ thuật và tư duy chơi bóng. Nó là sự tích luỹ có chiều sâu, thông qua một phương pháp huấn luyện và chế độ dinh dưỡng cấp tiến. Nói như một đồng nghiệp của người viết (chia sẻ trên facebook cá nhân), thì họ gần như không bị cắt bớt, cắt xén tiền ăn. Còn tại sao chúng ta vẫn yếu hơn (về thể lực, sức mạnh tranh chấp và sức bền), đó là vấn đề của cơ địa người Việt. Tất nhiên, điều này có thể cải thiện được, bằng với thời gian và chiến lược phát triển giống nòi tầm quốc gia.
Vừa kỹ thuật, tốc độ, vừa sở hữu nhãn quan chiến thuật - tư duy chơi bóng, lại khoẻ, bền và mạnh trong tranh chấp nữa…, thì nền bóng đá đã ở một đẳng cấp khác rồi, chứ không phải ở đây, Đông Nam Á. Chúng ta, ở một vài thời điểm, đã không chịu hài lòng, không chấp nhận thực tế phũ phàng về sự khác biệt quá lớn ấy, cho đến khi thất bại, bị kéo trở về mặt đất. Đã lại có thêm một bài học, nhưng quan trọng, người ta sẽ rút ra được điều gì. Giấc mơ, dù không ai đánh thuế, nhưng cũng phải học để mơ, chứ không nói chơi được.
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa cuối tuần