29/10/2012 12:45 GMT+7
(TT&VH) - Đội chủ sân Emirates có khoảng 70 triệu bảng trong ngân sách chuyển nhượng, nhưng lại rất lưỡng lự trong việc tiêu số tiền đó.
Trong bữa chiêu đãi của Hiệp hội các nhà báo bóng đá Anh, trọng tài Graham Poll được mời làm khách phát biểu. Ông mở đầu bằng câu chuyện đùa rằng luật đầu tiên của giới trọng tài là phải để M.U được đá bù giờ bao lâu tùy thích. Câu chuyện cười đó có thể làm phiền lòng các CĐV Arsenal, nhưng còn phiền hơn nữa là những gì Poll nói sau đó. Ông nhớ lại một trận đấu của Arsenal gặp Chelsea năm 2004 khi Thierry Henry xin phép đá phạt nhanh và sút bóng tung lưới Petr Cech.
Trong trận Arsenal gặp Wigan mùa giải sau đó, cũng do Poll bắt, Henry đã thì thầm xin đá phạt sớm, nhưng lần này Poll không mắc lỡm nữa và yêu cầu tiền đạo người Pháp phải chờ tiếng còi. Henry khịt mũi, đợi cho hàng rào lập xong, tung ra cú sút vào góc cao khung thành Wigan, rồi quay sang nhìn Poll và nói: “Đủ lâu chưa?”. Thứ siêu sao thượng thặng đó là điều đã rất lâu rồi Emirates không được chứng kiến.
Càng ngày đội bóng của HLV Arsene Wenger càng tỏ ra lép vế về sức mạnh chi tiêu so với các đối thủ. Trách nhiệm chính thuộc về ông chủ ở nước Mỹ xa xôi, Stan Kroenke, Giám đốc điều hành với tiêu chí “tiết kiệm là quốc sách” Ivan Gazidis và một Chủ tịch xa rời đội bóng, Peter Hill-Wood. Không cần so với Roman Abramovich và Sheikh Mansour bin Zayed bin Sultan al-Nahyan. Ngay cả so với những ông chủ của Tottenham, M.U hay thậm chí là Stoke, Aston Villa, Arsenal đang tụt lại phía sau.
Câu chuyện của Ferran Soriano, hiện là Giám đốc điều hành Manchester City, về vụ chuyển nhượng của Michael Essien sang Chelsea từ Lyon năm 2005, nói lên nhiều điều. Essien khi đó lẽ ra gia nhập Juventus với cái giá được hai bên nhất trí là 15 triệu euro, nhưng Abramovich chen ngang. “Chelsea nhảy vào cuộc và đề nghị 36 triệu euro”, Soriano nhớ lại. “Giá cả thị trường lúc đó, 15 triệu euro cho Essien là hợp lý, nhưng sự hợp lý của Abramovich khác với mọi người”. Tương tự như vậy, ở CLB hiện giờ của Soriano, những đại gia Abu Dhabi đã chi hơn 1 tỉ bảng vào Man City. Mình Carlos Tevez giá 47 triệu bảng. Có trời mới biết họ sẽ chấp nhận trả bao nhiêu để có được Wayne Rooney từ M.U khi tin đồn rộ lên rằng anh sẽ ra đi 2 năm trước.
Bán cầu thủ làm giàu
Wenger cũng thông báo với các cổ đông tại đại hội thường niên của Arsenal hôm thứ Năm rằng Man City đề nghị Van Persie mức lương 300.000 bảng mỗi tuần và cựu giáo sư kinh tế người Pháp nói Arsenal không bao giờ có thể chấp nhận con số đó. Tuy nhiên, những con số khác lại khiến các cổ đông phiền lòng.
Gazidis vừa được tăng lương 35%, tương đương 1,36 triệu bảng mỗi năm, trong khi đội bóng phải chịu khoản lỗ hoạt động 31 triệu bảng (chưa kể chuyển nhượng), doanh thu thương mại không tăng là bao do ít danh hiệu, các hợp đồng tài trợ cũng kém hậu hĩnh hơn vì lý do tương tự. Cộng thêm 675.000 bảng tiền thưởng và 100.000 bảng các khoản hỗ trợ công tác, Gazidis gần như chắc chắn là nhà điều hành bóng đá được trả lương cao nhất nước Anh. Chủ tịch Hill-Wood giải thích việc tăng lương là do “một năm đặc biệt thành công” (?) cũng như để cạnh tranh “thu hút nhân tài” (?) với các đối thủ.
Năm thành công mà Hill-Wood nói tới là năm thứ 7 liên tiếp Arsenal trắng tay! Còn nếu nói về tài năng, Gazidis không thể nào cần thiết cho đội bóng áo đỏ-trắng bằng van Persie! Trong khi đó, các CĐV Arsenal phải trả 126 bảng cho vé vào sân một trận ở Emirates. Vé xem cả mùa rẻ nhất là 985 bảng và đắt nhất lên tới 1.955 bảng. Đó là mức giá vé đắt nhất tại Premier League. Tệ hại hơn, vị trí của Arsenal trong bảng xếp hạng chi tiêu thuần cho chuyển nhượng (chi chuyển nhượng trừ thu chuyển nhượng) 5 năm qua ở giải Ngoại hạng là rất thấp. Man City đầu bảng với 407,2 triệu bảng, tiếp theo là Chelsea, 231,7 triệu. Stoke (ngạc nhiên không?) thứ 3 với 75,2, rồi Aston Villa, 69,8; M.U, 62,1; Liverpool, 49,1; QPR, 46,2; Sunderland 36,4; West Ham, 26,4; Southampton, 18,9; Norwich, 16; West Brom, 13,2; Fulham, 13,1 và Tottenham, 3,2.
Các đội khác kiếm lời từ chuyển nhượng bao gồm Swansea, 1,9; Wigan, 12,1; Everton, 15,3; Reading, 16,7 và Newcastle, 36,3. Còn Arsenal? Vô đối: thu lợi 45 triệu bảng từ chuyển nhượng. Đó có thể là chiến lược làm ăn khôn ngoan, hoặc là sự thiếu tham vọng và bủn xỉn đến đáng ghét, tùy theo bạn đứng ở quan điểm nào. Thực tế, Arsenal có khoảng 70 triệu bảng trong ngân sách chuyển nhượng mùa Hè vừa rồi, nhưng việc tiêu khoản tiền đó là rất miễn cưỡng với Wenger và ban lãnh đạo.
Ajax, với đội hình chỉ trị giá 3,5 triệu bảng và rất nhiều cây nhà lá vườn, đã chứng minh tuần trước bằng cách đánh bại Man City ở Champions League rằng không cần quá giàu mới có thể thành công. Nhưng đó là một ngoại lệ của thời đại bóng đá kim tiền này. Nói một cách nhẹ nhàng nhất, thì Arsenal cũng đã trở thành một đội bóng chuyên bán cầu thủ, và những CLB như thế khó lòng mà nghĩ tới chức vô địch, dù là ở Premier League hay Champions League.
Trần Trọng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất