Mỗi tuần một chuyện: Khi Wenger cặm cụi đi tìm biểu tượng

09/05/2016 21:14 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Khi Danny Welbeck rời sân ở hiệp 1, với bước chân tập tễnh, không mấy người nghĩ rằng người vào sân sẽ là Jack Wilshere.

1. Không có Oezil, phương án tốt nhất để Wenger củng cố hàng công nên là Walcott chứ không phải là một Wilshere mà cả mùa giải này chưa hề ra sân trận nào trong đội hình chính thức và mới chỉ có 1 lần được thay vào từ băng ghế dự bị trước đó ở phút 83 trong trận gặp Sunderland. Wilshere là cái tên mà nhiều người có lẽ cũng đã quên, khi anh hầu như không mấy gắn với sân cỏ nữa mà chỉ dính dáng đến những scandal nhậu nhẹt là chủ yếu.

Không thể nói là Wenger cho Wilshere một cơ hội ra sân khi mùa giải đã ngã ngũ. Arsenal vẫn còn phải chiến đấu vì vé dự Champions League mùa sau và nếu thất bại ở Etihad, rất có thể họ phải văng khỏi top 4 quen thuộc.

Vậy thì lẽ gì Wenger mạo hiểm với Wilshere? Và để rồi chứng kiến anh vào sân vô cùng mờ nhạt, đặc biệt là trong những tình huống tay đôi, những tình huống mà ngoài việc ngã và mất bóng, Wilshere không còn biết làm gì khác.

Không phải Wenger mù mờ về chuyên môn đến mức ông không nhận ra Walcott đang có giá trị hơn so với Wilshere trong cuộc chơi mà ông quyết định như thế vì một lẽ khác. Ông vẫn say trong một canh bạc của riêng mình, một canh bạc mà dù phần thắng rất mong manh, nhưng ông không thể không nuôi hi vọng.

Đó là canh bạc đi tìm một biểu tượng của Arsenal, một biểu tượng thực sự.

2. Kể từ khi Henry ra đi, Arsenal đúng nghĩa là một đội bóng không có biểu tượng, dù đã có lúc người ta kỳ vọng vào Cesc Fabregas. Và Wenger cứ cặm cụi kiếm tìm một biểu tượng như thế cho đội bóng, một biểu tượng đủ sức phục sinh lại Arsenal mà ông từng dựng xây, từng chứng kiến, từng nếm trải những vị ngọt cùng nó.

Wilshere chính là một trong những cá nhân mà Wenger đặt nhiều kỳ vọng nhất. Cùng với Joe Cole, Wilshere từng được coi là cầu thủ Anh có chất kỹ thuật cá nhân xuất sắc nhất trong khoảng 15 năm trở lại đây. Cái chất kỹ thuật ấy, lại thêm việc là một người Anh đúng nghĩa, đã khiến Wilshere có giá trị rất lớn trong mắt Wenger. Với ông, anh là một kế hoạch mới, một kế hoạch mà ông theo đuổi đã quá lâu rồi, chờ đợi quá lâu rồi, nhưng chưa từng phát tiết.

Những chấn thương dai dẳng và liên tiếp không cho phép Wilshere được ra sân thường xuyên, điều có thể giúp anh hoàn thiện tất cả những tố chất trời cho của mình. Và Wenger cứ nhẫn nại chờ đợi anh, như ông từng nhẫn nại chờ đợi Walcott, sự nhẫn nại đã và vẫn không mang lại cho ông điều gì ngoài những chỉ trích nặng nề.

Thực chất, nếu là một người quản trị sắt đá, Wenger có lẽ đã nên buông tay với phương án Wilshere từ lâu rồi, nhất là khi ông chưa nhận được quả ngọt nhưng lại phải nhiều lần giải quyết những câu chuyện ngoài lề rắc rối của cậu học trò cưng của mình. Song, ông không thể nào chấm dứt niềm hi vọng ấy bởi nó cứ như thứ ma túy liều cao mà càng dùng, người ta càng lậm thêm.

3. Suy cho cùng, Wenger cũng là người chung thủy. Ông chung thủy với lựa chọn của mình, chung thủy với niềm tin của mình, chung thủy với chính hạt giống mà mình đã gầy dựng.

Chung thủy cũng như một thứ ma túy. Hi vọng cũng như một thứ ma túy. Dứt ra khỏi nó không đơn giản chút nào.

Nhưng nếu những niềm hi vọng tạo nên những biểu tượng cứ trở thành những biểu tượng thất truyền, liệu rằng những người yêu mến Arsenal có còn giữ nổi sự chung thủy với ông hay không, khi họ không thể nào giữ cho mình một sự nhẫn nại như ông, chờ đợi vào một điều mong manh hết mực???

Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm