Wenger không còn là vua Midas

07/01/2013 19:27 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Chiến lược gia người Pháp đã từng được coi là một chuyên gia trên thị trường chuyển nhượng, với biệt tài biến những cầu thủ vô danh thành ngôi sao đắt giá. Nhưng đáng tiếc, đó chỉ là thì quá khứ.

Arshavin đang là một cục nợ của Arsenal

Trước hết, hãy nhìn vào màn trình diễn của Pháo thủ ở mùa giải này, sau 7 năm trắng tay liên tiếp. Có người đã nhận xét rằng xem Arsenal đá chẳng khác gì chơi trò Rắn leo thang (Snakes and Ladders) bởi đơn giản vì họ quá thất thường. Họ có thể giã 7 bàn vào lưới Newcastle, nhưng ngay sau đó lại bị cầm hòa thất vọng trước Southampton. Việc tồn tại song song hai bộ mặt ấy khiến chính Wenger cũng bối rối. Có những lúc ông thấy rất cần mua sắm, nhưng có những lúc, ông tự xoa dịu rằng mình đã có một đội hình đủ mạnh.

“Khi đội nhà ghi 7 bàn thắng một trận đấu, mà sau đó chỉ kiếm nổi một bàn từ pha đá phản lưới của đối phương ở trận sau, bạn sẽ cảm thấy rất khó xử”, Wenger thừa nhận “Nhìn vào trận gặp Newcastle, bạn chỉ có thể thốt lên hai chữ: Tuyệt vời, nhưng sau trận Southampton, bạn lại thấy phải tăng cường hàng công. Bóng đá là thế, đó là lý do chúng ta cần có thời gian để cân nhắc”. Không sai, nhưng vấn đề là thời gian chẳng chờ đợi ai cả. Những trận đấu căng thẳng, liên quan đến việc có tiếp tục nuôi tham vọng giành danh hiệu, như chuyến làm khách đến sân Swansea tối qua rõ ràng sẽ định hướng chính sách chuyển nhượng của Arsenal.

Sự thiếu quyết đoán của Arsenal từng dẫn đến sự ra đi của Cesc Fabregas và Samir Nasri (và có thể cả Theo Walcott sắp tới) mà không có được sự thay thế xứng đáng. Tuần trước, Wenger khẳng định “Chúng tôi sẽ mua sắm... chúng tôi đang tìm kiếm”, nhưng vài ngày sau, ông lại rụt rè “Nếu cần, chúng tôi sẽ xem xét”.

Lý do của sự rụt rè ấy: Wenger không còn đôi bàn tay của thần Midas, có thể biến những thứ ông chạm vào thành vàng. Không ai kỳ vọng tất cả các vụ chuyển nhượng đều là những bản hợp đồng thành công, nhưng rõ ràng trong vài năm gần đây, Arsenal đã phải nuôi báo cô khá nhiều gương mặt. Họ đã đẩy Chamakh sang West Ham, và đang tìm bến đỗ mới cho Squillaci, Arshavin - đã có tuổi, và ngốn không ít tiền. Lý do mua Park Chu-young, một bản hợp đồng thất bại, vẫn là một bí ẩn. Cả trường hợp của Gervinho (11 triệu bảng) cũng vậy.

Đã hết thời mua rẻ, bán đắt

Nhiều người cho rằng việc Arsenal trải qua 7 năm trắng tay liên tiếp là do họ chi tiêu quá tiết kiệm. Không hẳn vậy, thực tế đã chứng minh rằng chính trong những năm chi tiêu dè sẻn, Arsenal lại thành công hơn bây giờ. Và sân Highbury là nơi đưa những cầu thủ ít tên tuổi lên hàng siêu sao.

Ngày ấy, Wenger đã tiêu tiền theo nhiều cách nhưng đều rất hiệu quả. Đầu tiên là những món hời mang quốc tịch Pháp như Thierry Henry, Patrick Vieira, Robert Pirès, Emmanuel Petit và Nicolas Anelka. Wenger cũng đánh bạc với những cầu thủ có tiền sử chấn thương như Marc Overmars và Nwankwo Kanu, đã đổi mới hàng phòng ngự bằng những bản hợp đồng giá cả phải chăng từ chính đối thủ láng giềng (Campbell từ Tottenham), và xa hơn nữa (Lauren từ TBN và Kolo Toure từ Bờ Biển Ngà). Và đừng quên Freddie Ljungberg, từ một viên ngọc thô trở thành siêu sao.

Nhưng kể từ sau mùa giải bất bại 2003-04, Arsenal bắt đầu bước vào một cuộc chuyển giao, và chính sách chuyển nhượng của họ cũng vì thế cũng bị ảnh hưởng. Ý đồ trẻ hóa với những cầu thủ bản địa như Richard Wright, Francis Jeffers và Matthew Upson đã không thành công. Junichi Inamoto là bản hợp đồng mang tính thương mại nhằm tấn công vào thị trường Nhật Bản, song thất bại về mặt chuyên môn cũng khiến tham vọng của Arsenal bất thành. Jose Antonio Reyes tốn rất nhiều tiền, nhưng không trụ lại ở London. Igor Stepanovs và Pascal Cygan chỉ gợi lại những ký ức đáng quên nơi hàng thủ.

"Sự cạnh tranh trên mặt trận săn lùng tài năng bây giờ khốc liệt hơn ngày xưa nhiều", Wenger thừa nhận "Cách đây 10, 15 năm, Pháp sản xuất nhiều cầu thủ chất lượng hơn hẳn bây giờ. Hiện tại, nơi sản sinh ra những tài năng là Đức và TBN". Với việc tăng cường những Mikel Arteta, Santi Cazorla (TBN), Mertesacker và Lukas Podolski (Đức) cùng nòng cốt là những cầu thủ Anh, Wenger đang hy vọng sẽ lại xây dựng được một thế hệ thành công nữa.

Song với những gì mà Arsenal đã và đang thể hiện, có thể thấy rằng đó vẫn là một bài toán chưa có lời giải với Giáo sư.

Tuấn Cương
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm