0h00 ngày 8/6, Đức - Azerbaijan: Khi tượng đài Berti Vogts sụp đổ

07/06/2011 12:10 GMT+7 | Bóng đá Đức

(TT&VH) -  Berti Vogts thích sử dụng kỷ luật để “trói buộc” các cá nhân thành một tập thể và dẫn dắt đội bóng dựa trên mệnh lệnh và sự phục tùng. Joachim Loew tạo một bầu không khí dân chủ để các cá nhân tự kết nối với nhau thành một khối thống nhất. Đêm nay, khi họ đối đầu, thời điểm mà lịch sử và hiện tại của đội Đức gặp nhau cũng đã đến, trên một sân bóng khiêm tốn ở Azerbaijan, nơi 4 chân chiếc ghế HLV của ông Vogts sắp gãy làm đôi.

Berti Vogts (trái) sẽ “thân bại danh liệt” trước “hậu bối” Joachim Loew? - Ảnh Getty

Nhắc đến Vogts, người ta nghĩ ngay đến một người Đức điển hình: cứng rắn, lì lợm đến sắt đá. Khi còn là cầu thủ, Vogts, tuy không nổi tiếng như Franz Beckenbauer hay Gerd Mueller, nhưng luôn được đánh giá là một trong những mắt xích không thể thay thế của “Die Mannschaft”, nhờ những pha vào bóng mạnh mẽ cùng khả năng đeo bám dai dẳng. Sau trận chung kết World Cup 1974, huyền thoại Johan Cruyff đã phải thừa nhận mình không thể làm được gì khi bị Vogts theo như hình với bóng từ đầu đến cuối trận và lúc nào cũng chỉ nhăm nhăm đốn chân.

Khi chuyển sang làm HLV, người đàn ông sinh năm 1946 này lại tiếp tục theo đuổi triết lý các cầu thủ phải chấp nhận hy sinh để cống hiến cho đội bóng. Với ông, ngôi sao chính là cả đội bóng chứ không có chuyện cả tập thể phải phục vụ cho cá nhân. Vogts trung thành với quan điểm này đến mức ngay trước thềm EURO 1996, ông đã để ngôi sao Lothar Matthaeus ở nhà do cầu thủ này thường xuyên gây ra các xích mích trong nội bộ đội tuyển Đức. Nhờ sự cứng rắn của Vogts cộng thêm sự tỏa sáng đúng lúc của Oliver Bierhoff, “Die Mannschaft” đã giành chức vô địch kỳ EURO đó.

Thế nhưng không phải lúc nào cách làm việc của Vogts cũng phát huy tác dụng, đặc biệt là khi ông làm việc tại bên ngoài nước Đức. Dẫn dắt đội tuyển Scotland trong giai đoạn 2002-2004, Vogts chẳng tạo nên dấu ấn nào đáng kể, từng khiến đội bóng này rơi xuống tới vị trí thứ 77, thấp nhất trong lịch sử, trên bảng xếp hạng của FIFA. Chiến dịch EURO 2012 đã kết thúc với Azerbaijan, với vỏn vẹn 3 điểm sau 6 lượt trận.

Thất bại của Vogts ở bên ngoài nước Đức cho thấy triết lý của ông chỉ thật sự phát huy tác dụng khi có những mẫu cầu thủ Đức điển hình, tức có tinh thần thép, biết hy sinh cá nhân vì tập thể. Còn với những cầu thủ quen chơi phóng khoáng kiểu Anh (ở Scotland) hay khá nghiệp dư (ở Azerbaijan), Vogts hoàn toàn thất bại. Sự cứng nhắc, khép kín và bảo thủ của Vogts thậm chí còn tạo sự ác cảm đối với cánh truyền thông, mà việc ông bị phóng viên Azerbaijan ném cả giấy vệ sinh vào người mới đây là một minh chứng. Trên sân, Azerbaijan gần như không có một phương án hai nào, ngoài sơ đồ 4-1-4-1 quá thiên về phòng ngự và xơ cứng mà ông Vogts đang áp dụng.

Ngược lại, HLV Joachim Loew đang thành công trong việc xây dựng một hình ảnh mới cho tuyển Đức, đi ngược lại mọi giá trị cổ điển mà ông Vogts tôn sùng. HLV của “Die Mannschaft” vẫn trung thành với cách sử dụng sức mạnh tập thể như các thế hệ trước nhưng thay vì trói buộc cá nhân bằng kỷ luật sắt, Loew sử dụng một lối chơi linh hoạt, và quản lý đội bóng một cách mềm dẻo. Ở tuyển Đức lúc này, cá nhân vẫn phải tuân theo đúng bộ khung Loew đã sắp đặt nhưng cũng được tập thể hỗ trợ rất nhiều để phát huy hết khả năng.

Để làm được như vậy, bên cạnh những bài tập chiến thuật đa dạng, phải thấy rằng Loew đã thành công trong việc thổi một làn gió dân chủ vào tuyển Đức. Ở “Die Mannschaft” lúc này, các cầu thủ, từ tân binh chưa đá trận nào đến lão tướng đã ra sân cả trăm lần, đều bình đẳng như nhau (việc bỏ rơi Ballack là một minh chứng). Do đó, ai cũng nhận được sự tôn trọng, sự trợ giúp từ các đồng đội, không hề có chuyện chia bè kết phái hay phân chia thức bậc.

Và đêm nay chắc chắn sẽ là thời điểm mà đội tuyển Đức được nhào nặn trong làn gió tươi mới sẽ thổi sập một tượng đài cũ của người Đức! Để tiếp tục xây dựng thành công dựa trên những chất liệu mới. Chất liệu của sự phóng khoáng. Của tuổi trẻ.

Dự đoán: 0-3



Trần Khánh An

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm