Ba bên đồng tình, đập bỏ bình phong

16/03/2014 05:40 GMT+7 | Di sản

(giaidauscholar.com) - Ngay sau khi Thành ủy Hà Nội yêu cầu tạm dừng thi công trùng tu, tôn tạo lăng vua Ngô Quyền (Sơn Tây, Hà Nội), BQL Di tích đã quyết định đập bỏ bức bình phong mà trước đây đơn vị đã một mực bảo vệ. Và bất ngờ không kém, trong cuộc họp báo cáo tình hình, trưởng BQL Di tích cho hay: “Chúng tôi xin không thi công bức bình phong này!”.

Với những quyết định nhanh, quyết liệt của BQL Di tích sau phản ứng cả nửa tháng ròng từ dư luận khiến những người trong cuộc họp mong “những lùm xùm từ nay khép lại” với di tích quốc gia thiêng liêng lăng Ngô Quyền.

Đập bỏ bình phong là... trái phép

Mở đầu cuộc họp, ông Phạm Hùng Sơn, trưởng BQL Di tích làng cổ Đường Lâm phân trần: Trước đây 2 ngày, chúng tôi đã cử đại diện xin ý kiến dòng họ Ngô, cùng Bí thư, Phó Chủ tịch xã và thôn Cam Lâm quyết định điều chỉnh bình phong. Sau khi điều chỉnh, chúng tôi thấy không hợp lý, chúng tôi xin không thi công bức bình phong này. Như vậy, BQL và dòng họ Ngô cùng đồng thuận. Nên chúng tôi thực hiện (đập bỏ bình phong - PV) và sẽ kiến nghị sau.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Minh Khang, cán bộ Cục Di sản (Bộ VH,TT&DL) cho rằng, việc xây rồi đập tùy tiện của BQL Di tích là không ổn. Bởi bản thiết kế đã được các cấp thông qua, nên BQL không thể muốn xây thì xây, bỏ thì bỏ. Việc chủ đầu tư họp nhân dân rồi đập bỏ mà không qua cấp trên là việc làm sai quy định.

“Về nguyên tắc tu bổ di tích, khi thực hiện phải lập hội đồng, thấy những phát sinh nhỏ thì có thể lập biên bản và các bên liên quan ký. Nhưng nếu ảnh hưởng đến yếu tố gốc đã được phê duyệt thì phải có ý kiến của cơ quan cấp trên”- ông Khang nói. “Việc tháo dỡ bình phong, anh Sơn có thể bảo chưa nghiệm thu nên anh được phép làm. Nhưng về quản lý nhà nước, khi bản vẽ đã phê duyệt mà anh đập bỏ, anh phải có văn bản báo cáo lên trên. Không thể nay xây mai dỡ tùy tiện như vừa rồi được”.

Mọi việc đều hết sức... bình thường

Ngoài đối thoại trên tinh thần xây dựng về việc đập bình phong, các đại biểu trong cuộc họp đều cố gắng chứng minh tính hợp lý của việc xây bức “bình phong lạ”. Ông Sơn mở đầu: “Trong thiết kế, con hổ được vẽ chưa đẹp, đơn vị thi công thực hiện chưa đẹp, đó là điều bình thường. Tôi là chủ đầu tư, chưa nghiệm thu, lúc nghiệm thu thấy chưa đẹp, tôi bắt đơn vị thi công làm lại. Đó là hết sức bình thường”.

Ông Dương Ngọc Long, chuyên viên Phòng Di sản văn hóa của Sở VH,TT&DL Hà Nội đồng tình: Mọi thứ hoàn toàn đúng quy trình. Chúng tôi họp 3 buổi, bức bình phong xây dựng được sự đồng thuận của nhân dân và chính quyền địa phương. Sở báo cáo Bộ, Bộ thẩm định xây dựng bình phong. Khi xây dựng có xảy ra những ý kiến trái chiều. Nên trong cuộc họp hôm nay phải thống nhất ý kiến. Bộ VH,TT&DL là đơn vị quyết định cuối cùng về bức bình phong”.

Về hạng mục bình phong xây mới trong lòng di tích cấp quốc gia khiến dư luận xôn xao, ông Nguyễn Minh Khang cho biết: Theo Công ước Bảo vệ Di sản Thế giới 1964, trong tu bổ di tích cần tôn trọng mọi dấu ấn có giá trị của các thời kỳ khác nhau. Những thời kỳ sau có thể bổ sung những vấn đề mà thời trước chưa làm.

“Thêm nữa, Luật Di sản Văn hóa VN 2001, sửa đổi 2009 thì, có thể xây dựng công trình trực tiếp bảo vệ, phát huy di tích. Như vậy, lăng Ngô Quyền với những gì ta đang thấy là truyền thống. Còn bình phong, lan can có thể coi là yếu tố mới trực tiếp phục vụ và phát huy di tích. Nên xây thêm bình phong là chấp nhận được” - ông Khang nói.

Buổi họp kết thúc với quan điểm đồng thuận xây bình phong là phải phép, đập bình phong tự tiện là trái phép và có thể, tới đây sẽ không xây bình phong.

Một sự đồng thuận đầy mâu thuẫn.

Phạm Mỹ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm