14/09/2017 11:42 GMT+7 | Thế giới
(giaidauscholar.com) - Giai đoạn 2017 - 2030 tỉnh Bắc Giang sẽ đầu tư trên 1.500 tỷ đồng quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; trong đó, 20% nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, còn lại là vốn vay và vốn từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.
Theo đó, 35 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng cao được hình thành, với các sản phẩm tập trung vào những cây, con có thế mạnh của tỉnh như: rau, hoa, nấm, chè, vải, cây ăn quả có múi, gà, lợn. Tỉnh Bắc Giang phấn đấu đến năm 2030 giá trị sản lượng nông nghiệp công nghệ cao chiếm từ 30 - 32% trong giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh; có từ 2-3 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao.
Đồng thời, tỉnh hình thành một khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao quy mô 100 ha để tổ chức nghiên cứu, triển khai các công nghệ mới trong nông nghiệp, gắn kết cơ sở nghiên cứu với các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Cụ thể, tỉnh Bắc Giang sẽ quy hoạch, đầu tư, phát triển 17 vùng rau ứng dụng công nghệ cao với diện tích 1.710 ha tại các huyện Lạng Giang, Lục Nam, Hiệp Hòa, Yên Dũng, Tân Yên; 2 vùng hoa với diện tích 100 ha tại thành phố Bắc Giang và huyện Hiệp Hòa; 1 vùng sản xuất chè với diện tích 300 ha tại các xã của huyện Yên Thế.
Cùng với đó, tỉnh quy hoạch 3 vùng vải thiều với diện tích 1.300 ha tại các huyện Lục Ngạn, Tân Yên, Lục Nam; 2 vùng cây ăn quả có múi với diện tích 600 ha tại các huyện Lục Ngạn, Lục Nam; 3 vùng nấm với diện tích 15 ha tại các xã của huyện Lạng Giang; 2 vùng chăn nuôi lợn công nghệ cao với quy mô đàn 120.000 con/lứa tại huyện Tân Yên, Sơn Động; 5 vùng nuôi gà tại các xã của huyện Yên Thế, Tân Yên, Lục Ngạn, Lạng Giang.
Để thực hiện được mục tiêu trên, tỉnh Bắc Giang tăng cường thông tin tuyên truyền, phổ biến về công nghệ cao, kết quả ứng dụng công nghệ cao, mô hình phát triển và sản phẩm ứng dụng công nghệ. Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các chợ đầu mối, siêu thị và các hệ thống bán lẻ.
Tỉnh tăng cường kiểm tra, xử lý các hàng hóa nông sản làm nhái, kém chất lượng để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tỉnh có chính sách hỗ trợ, tạo hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tích tụ ruộng đất xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Cùng với việc hỗ trợ xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm vùng ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng, Bắc Giang tổ chức các lớp tập huấn về ứng dụng công nghệ cao cho lực lượng lao động trực tiếp; có chính sách thu hút cán bộ, nhà khoa học tại các viện, trường đại học về làm việc tại vùng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao.
Đồng thời, Bắc Giang kết hợp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với các loại hình du lịch như du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm; tranh thủ các chương trình xúc tiến thương mại tiếp tục mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở các khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ.
Thời gian qua, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được tỉnh Bắc Giang quan tâm, chú trọng. Trong 6 tháng qua, trên địa bàn tỉnh đã hình thành 22 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với tổng diện tích nhà lưới, nhà màng trên 62.000 m2.
Phương Thúy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất