08/06/2021 18:00 GMT+7 | Trong nước
(giaidauscholar.com) - Ngày 8/6, UBND tỉnh Bắc Giang, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công Thương phối hợp tổ chức hội nghị trực tuyến tiêu thụ vải thiều tại 30 điểm cầu trong nước và quốc tế. Trong đó 22 điểm cầu trong nước, 8 điểm cầu tại các nước: Nhật Bản, Australia, Singapore, Trung Quốc.
Hội nghị gồm các nội dung: giới thiệu mùa vụ vải thiều năm 2021 của tỉnh Bắc Giang; tham luận của một số đại biểu ở các điểm cầu; công bố và trao văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn tại Nhật Bản; khai trương gian hàng vải thiều trên sàn Alibaba.com và các sàn thương mại điện tử; lễ xuất hành đoàn xe vải thiều tiêu thụ tại thị trường trong nước và quốc tế...
Năm nay sản lượng vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang ước đạt 180 nghìn tấn. Trong bối cảnh dịch Covid -19 diễn biến phức tạp song việc tiêu thụ vải thiều thời gian qua cơ bản thuận lợi, sản lượng tiêu thụ đến ngày 7/6 đạt hơn 53 nghìn tấn ở thị trường trong nước và xuất khẩu.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao cách làm của tỉnh Bắc Giang trong việc xúc tiến tiêu thụ vải thiều. Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, thương mại điện tử là phương thức kinh doanh mới và hiện đại. Việc Bắc Giang chủ động áp dụng nền tảng công nghệ mới này trong tiêu thụ vải là hướng đi đúng, nhất là trong thời điểm dịch bệnh.
Hiện vải thiều của Bắc Giang đang được bảo hộ nhãn hiệu tại 8 quốc gia, gồm: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, Singapore, Lào, Campuchia. Trước đó, tháng 3/2021, vải thiều Lục Ngạn trở thành sản phẩm nông sản đầu tiên của Việt Nam được chính thức bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản vừa mở đường thúc đẩy bảo hộ chỉ dẫn địa lý, vừa là "giấy thông hành" để vải thiều Lục Ngạn xuất khẩu vào các thị trường lớn, tiềm năng khác.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết, để đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong bối cảnh dịch COVID- 19, tỉnh Bắc Giang đã chủ động xây dựng 3 kịch bản thu hoạch và tiêu thụ vải thiều năm 2021. Đồng thời, triển khai chiến dịch xúc tiến thương mại “con thoi” với đa dạng hóa hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm nông sản của tỉnh. Đặc biệt, tỉnh đã phát huy tinh thần hữu nghị, hợp tác với các bạn hàng truyền thống, có sự liên hệ, trao đổi, phối hợp chặt chẽ từ các bạn hàng quốc tế, các tỉnh, thành phố và doanh nghiệp kinh doanh nông sản...
Tỉnh cũng đã chuẩn bị kỹ các điều kiện bảo đảm an toàn tuyệt đối về sức khỏe, dịch bệnh cho các doanh nghiệp đến với Bắc Giang. Cùng với đó, tập trung nguồn lực sẵn có như 1.500 xe vận tải, lực lượng lái xe, lao động... sẵn sàng vận chuyển, tiêu thụ vải thiều, đáp ứng các điều kiện, yêu cầu của đối tác tiêu thụ. Đến thời điểm này, việc tiêu thụ vải cơ bản diễn ra thuận lợi.
Tại hội nghị, thay mặt lãnh đạo tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn thông tin, năm 2021, trước bối cảnh chung của đại dịch Covid-19 song Bắc Giang đã quản lý chặt chẽ các đối tượng F0 (chỉ có trong các khu công nghiệp) không để lây ra cộng đồng; Lục Ngạn (vùng vải thiều lớn nhất của tỉnh) không có ca mắc Covid-19.
Với cách làm năng động, sáng tạo, tỉnh đã tập trung triển khai các giải pháp cụ thể, quyết liệt để bảo vệ vùng vải thiều. Do đó, đến nay đã khẳng định vụ này, vải thiều Bắc Giang chất lượng cao nhất từ trước đến nay, có hương vị thơm ngon, chất lượng vượt trội như quả to, vỏ đỏ, hạt nhỏ, cùi dày, là những đặc trưng riêng, làm nên thương hiệu vải thiều nổi tiếng trong và ngoài nước...
Để vải thiều có chất lượng cao nhất đáp ứng yêu cầu của tất cả các thị trường trong nước và quốc tế, những năm qua, tỉnh Bắc Giang đã kiên trì thực hiện các biện pháp như hỗ trợ, hướng dẫn, tư vấn người trồng vải thiều kỹ thuật canh tác, chăm sóc; việc ghi chép truy xuất nguồn gốc; kiểm tra, giám sát nội bộ và giám sát từ bên ngoài; thử nghiệm biện pháp che màn để hạn chế sâu bệnh; nhân rộng mô hình hợp tác xã, nhóm hộ liên kết sản xuất để đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất và liên kết theo chuỗi giá trị; mở rộng diện tích trồng vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP... hướng tới 100% vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP.
Cùng với đó, giám sát chặt chẽ các vườn vải tham gia mô hình vải thiều hữu cơ; lắp camera giám sát, nhật ký chăm sóc điện tử; tạo nên vải hữu cơ có nhiều ưu điểm vượt trội. Về thị trường tiêu thụ, tỉnh Bắc Giang luôn coi trọng tất cả các thị trường, thị trường nào cũng có vai trò quan trọng.
Với tinh thần quyết tâm thực hiện thắng lợi "mục tiêu kép”, vừa thực hiện công tác phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế; trên tinh thần cởi mở, trách nhiệm cao, sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ của các vị đại biểu, đồng chí Lê Ánh Dương tin tưởng năm 2021 tiếp tục là năm thành công của người dân trồng vải thiều, của doanh nghiệp, thương nhân tham gia tiêu thụ vải thiều.
Thảo Nhi. Ảnh: Danh Lam
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất