Bác sỹ Hoàng Nghĩa Dương (Olympic Việt Nam): 'Khó khăn trong y học thể thao nằm ở ý thức VĐV'

27/02/2015 06:04 GMT+7 | Bóng đá Việt

(giaidauscholar.com) - Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam, Thể thao & Văn hóa đã có cuộc trao đổi thân tình với bác sỹ Hoàng Nghĩa Dương của ĐT Olympic Việt Nam. Qua cuộc đối thoại, bác sỹ Dương đã chia sẻ rất nhiều điều thú vị về chủ đề y học thể thao, một lĩnh vực rất xa lạ với thể thao Việt Nam hiện nay.

* Y học thể thao là một lĩnh vực xa lạ ở Việt Nam. Vậy bác sỹ đã tự trang bị kiến thức về lĩnh vực này cho mình như thế nào?

- Bác sỹ Hoàng Nghĩa Dương: Ở Việt Nam, chấn thương nói chung và chấn thương thể thao nói riêng là một công việc hoàn toàn mới. Nhưng rất mừng là tôi được vào làm việc ở môi trường phòng y học thể thao Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia 1. Đó là môi trường có nhiều người rất kinh nghiệm. Bản thân tôi cũng chịu khó tìm hiểu, đi sâu, đi sát, gắn bó với nghiệp này.

* Thưa bác sỹ, thời điểm nào là lúc một cầu thủ dễ đối diện với chấn thương nhất?

- Thời điểm hay xảy ra chấn thương nhất với một cầu thủ và VĐV là thời điểm bắt đầu và kết thúc một sự kiện. Khi vào trận, VĐV chưa tập trung nên dễ chấn thương. Khi kết thúc, VĐV mệt mỏi, cơ đã quá sức nên cũng dễ chấn thương.

Vì thế, việc giáo dục VĐV tập trung ở thời điểm sau khởi động và thời điểm gần kết thúc là rất quan trọng. Họ phải hiểu, phải biết rõ rằng để ý 2 thời điểm này sẽ giúp họ giảm thiểu rất nhiều chấn thương.

* Y học thể thao Việt Nam hiện chưa có nhiều phát triển. Bác sỹ có thể chia sẻ cụ thể về những khó khăn nào trong công việc này?

- Điều khó khăn nhất hiện nay là thói quen sinh hoạt, ăn uống của các cầu thủ. Hầu hết các cầu thủ trước đây sinh hoạt không chuyên nghiệp, bừa bãi từ cách uống, cách ăn. Họ không coi trọng những điều đó. Trong khi ăn và sinh hoạt lại là 2 điều rất quan trọng với cầu thủ. Đời thi đấu của họ dài hay ngắn, phong độ của họ có cao hay không là phụ thuộc vào cách sinh hoạt.

* Bác sỹ vừa nói về thói quen sinh hoạt không tốt của các cầu thủ. Nhưng có phải tất cả các cầu thủ Việt Nam đều giữ các thói quen xấu không?

- Không, vẫn có những cầu thủ Việt Nam giữ được thói quen chăm sóc sức khỏe tốt. Cầu thủ mà tôi tâm đắc nhất là Lê Công Vinh. Cậu ấy sinh hoạt rất điều độ, chuẩn mực từ cách ăn uống, tập luyện tới cách phục hồi thể lực rất chuyên nghiệp.

Gần đây hơn có lứa cầu thủ trẻ của HAGL. Đó là một lò đào tạo trẻ hiếm có ở Việt Nam, một lò đào tạo đa năng trải đều từ văn hóa, ứng xử, cách sinh hoạt, cách tập luyện, cách ứng xử báo chí. Chuyện ăn ngủ, thậm chí cả chuyện sử dụng thuốc họ đều được giáo dục, trang bị.

* Bác sỹ có thể lấy ví dụ cụ thể hơn về cách sinh hoạt của các cầu thủ HAGL không?

- Điều tôi rất ấn tượng ở cách sinh hoạt của các cầu thủ trẻ HAGL là tất cả những nước uống có gas trước và sau tập luyện trong ngày, họ không bao giờ sử dụng. Sau khi được hướng dẫn dùng thuốc, các nhóm thuốc có đuôi “en”, đuôi “ing” là những nhóm có doping, họ cũng không bao giờ sử dụng.

Họ cầm viên thuốc lên, phản xạ đầu tiên của họ là nhìn viên thuốc ấy có đuôi là gì. Nếu có những đuôi ở trên, họ lập tức hỏi thuốc này có uống được không chú. Họ đặt câu hỏi nghi ngờ và không uống nữa. Đó là một nét mới rất đáng mừng ở cầu thủ chuyên nghiệp Việt Nam. Mô hình ấy cần được nhân rộng ra cho các cầu thủ trải nghiệm học hỏi.

Một số cầu thủ từ các CLB khác tới với ĐT U19 đã học được nét văn hóa ấy của các cầu thủ HAGL. Nhưng tôi không biết khi trở về đội bóng chủ quản, họ có được như vậy không. Đây rõ ràng phải là cả một quá trình.

* Theo bác sỹ, vấn đề lớn nhất trong y học thể thao cho bóng đá hiện nay là gì?

- Điều quan trọng nhất lúc này vẫn là quá trình đào tạo ở từng CLB. Nếu từng CLB làm tốt, mọi thứ sẽ rất tốt. Nhưng nếu chỉ một mình HAGL làm tốt, chúng ta sẽ không có được điều mình mong muốn.

Điều tôi muốn nhất là chúng ta phải đi sâu vào từng CLB thể thao bóng đá nói riêng và toàn bộ nền thể thao nói chung. Đó mới là con đường tiếp cận, hướng dẫn tốt nhất cho các em có kiến thức về y học thể thao.


Thanh Hà (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm