27/12/2016 19:36 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Vào tháng 3/1995, khi nhóm nhạc Anh quốc Take That phát hành single mới nhất, Back for good, thì thị trường bắt đầu nổi sóng. Bài hát này đã đưa Take That chễm chệ vị trí quán quân tại Anh quốc và lần đầu tiên lọt vào top 10 Billboard tại Mỹ, mở ra một tương lai cực kỳ sáng lạn cho nhóm.
15 phút làm nên lịch sử
Thủ lĩnh của nhóm Take That, Gary Barlow, đã sáng tác Back for good chỉ trong vòng 15 phút. “Đó là một trong những bài hát hay nhất của tôi và có điều lạ là những bài tôi sáng tác nhanh nhất lại đều rất thành công”, Gary Barlow nhớ lại.
Điều này không phải là không có cơ sở. Trong sự nghiệp của mình, những bài hit của Take That như Love Ain't Here Anymore, Babe, A Million Love Songs… đều là những sáng tác của Gary Barlow và được anh viết trong một khoảng thời gian khá ngắn nhưng lại tạo nên một đời sống khá dài.
Trong những sáng tác ấy, Back for good là một bài hát khá độc đáo bởi anh viết dựa trên khúc thức của một bài hát mang hơi hướng hoài niệm với chuỗi giai điệu chạy vòng gọi nhớ lại những những bản tình cũ. Lúc đó, ông bầu của nhóm, Nigel Martin-Smith, sợ rằng bài hát này sẽ không thắng được thị trường bởi nó hơi cũ và không giống phong cách dance-pop thường thấy của Take That.
Single Back for good của Take That phát hành vào 27/3/1995 và không lâu sau đó nhóm này chính thức tan rã
Nhưng Gary Barlow lại đoan chắc đây sẽ là một bài hit mới của nhóm bởi nó đem đến một hình ảnh mới, một bài hát mà cả công chúng trưởng thành lẫn phân khúc teen đều có thể thưởng thức.
Cần nhắc lại là khi ấy Take That đang là nhóm nhạc làm mưa làm gió tại châu Âu, mỗi album của họ khi ra đời đều bán được hơn 1 triệu bản và đưa họ trở thành nhóm nhạc quyền lực, một hình mẫu cho nhiều nhóm khác ra đời.
Nhưng ở Mỹ, như nhìn nhận của Billboard, Take That gần như là số 0 tròn trĩnh, chưa bao giờ nhóm nhạc này được dòm ngó hay có bài lọt vào Top 100. Cho nên, dự án album thứ 3 của nhóm, Nobody Else, được chuyển từ hãng RCA Anh quốc sang Arista của ông trùm Clive Davis để mong có thể gây chú ý tại Mỹ. Trong đó, Back for good được kỳ vọng là bài hát mang tính tiên phong.
Cuối cùng, để dung hòa, ông bầu Nigel Martin-Smith quyết định làm một phép thử bằng cách đo độ nóng của Back for good ngay tại lễ trao giải Brit Awards 1995.
Ngày 20/2/1995, nhóm Take That lần đầu tiên trình diễn Back for good tại lễ trao giải âm nhạc nổi tiếng nhất nước Anh, Brit Awards. Đây là lần đầu tiên bài hát được công bố khi thậm chí nó còn chưa được chính thức phát hành. Ngay trong buổi tối hôm ấy, Back for good đã gây ấn tượng với công chúng và ngay ngày hôm sau, tất cả các báo đều viết bài khen ngợi.
Đó là lần đầu tiên có một bài hát được nói đến rôm rả khi nó còn chưa có mặt trên thị trường. Phải đến 6 tuần sau, 27/3/1995, Back for good mới chính thức lên kệ. Chỉ riêng tại thị trường Anh, single này đã bán được hơn 1 triệu bản trong một thời gian ngắn. Phía bên kia Đại Tây Dương, bài hát này cũng chinh phục thị trường Mỹ với gần nửa triệu bản bán ra và lần đầu tiên đưa nhóm nhạc này đứng trong Top 10 Billboard.
Với ông trùm Clive Davis của hãng Arista thì đây sẽ là một ván cờ mà chiến thắng trong tầm tay. Các đài phát thanh đều ra rả phát Back for good, thị trường cũng nóng hẳn lên với nhóm nhạc đến từ Anh quốc. Ông bầu Nigel Martin-Smith khoan khoái và ra lệnh cho các họ trò chỉnh trang lại quần áo, tóc tai và cả cách ăn nói để chuẩn bị gây mê công chúng Mỹ.
Khi kế hoạch đã chuẩn bị xong xuôi thì chỉ trong vòng 1 tháng, thành viên quan trọng của nhóm, Robbie Williams, bỗng tuyên bố chia tay Take That.
Chia tay
Robbie Williams ra đi là cú đòn nặng đánh vào sự hăm hở của Take That khi chuẩn bị đến Mỹ, trước khi tên tuổi của nhóm nhạc này chạm vào được thị trường âm nhạc khổng lồ.
Đến bây giờ nhiều người vẫn nghĩ rằng việc Robbie Williams bỏ đi đã khiến Take That tan rã. Trong 5 năm trước đó, Take That đã gặt hát vô số thành công ở khắp nơi trên thế giới và việc chinh phục được thị trường Mỹ, với nhiều người, là chuyện sẽ xảy ra trong một sớm một chiều.
Nhưng chẳng ai nghĩ được rằng, khi đang ở đỉnh cao danh vọng thì nhóm nhạc này lại tan rã trước khi chinh phục toàn bộ thế giới.
Cả ông bầu Nigel Martin-Smith cũng nghĩ vậy. Ông bầu này không thể nghĩ được rằng đến một ngày đẹp, người được yêu nhất trong Take That lại là Robbie Williams chứ không phải Gary Barlow, sáng tác chính và là thủ lĩnh của nhóm. Sự ra đi của Robbie cuối cùng mới là nguyên nhân khiến Take That chia lìa.
Cuối cùng sự thật mới được chứng thực. Robbie hoang dại, sống bản năng mới là thứ mà fan nữ cuồng nhiệt nhất. Tiếng nói của Gary Barlow ngày một mất trọng lượng và bản thân anh cũng luôn tự tin cho rằng Take That không có mình mới là điều nguy hiểm.
Tháng 7/1995, chẳng nói chẳng rằng, Robbie Williams rời nhóm và phát hành album solo. Đáp lại, Take That tỏ vẻ chẳng cần, họ rút tên anh ra khỏi mọi kế hoạch và thậm chí khi album Nobody Else phát hành tại Mỹ, bìa album chỉ còn 4 người (Robbie sau đó bị phạt 200.000 USD vì tội tự ý phá vỡ hợp đồng).
Robbie vô kỷ luật, Robbie muốn làm thủ lĩnh, Robbie kênh kiệu… là những lí do mà người ta tin suốt gần 20 năm qua khi nói đến việc Take That tan rã. Thậm chí thời điểm ấy, bưu điện Anh quốc còn phải lập đường dây nóng để ai ủi fan khi Robbie bỏ ra đi.
Nhưng thật ra, sau này ông bầu Nigel Martin-Smith nhìn nhận, thời điểm 1995 phong trào Brit-Pop giống như một cuộc cách mạng mới ở làng nhạc Anh với những đại diện xuất sắc như Oasis, Blur, Pulp… Họ sáng tác, chơi rock với những quan điểm âm nhạc hết sức tân tiến và điều này đã làm giảm tình yêu của công chúng dành cho những nhóm nhạc như Take That, vốn nặng về biểu diễn và vũ đạo.
Robbie ra đi cũng là vì điều ấy, anh muốn một mình đón theo hướng gió mới và phát triển sự nghiệp solo, chỉ tiếc anh lại bỏ Take That khi nhóm đang ở đỉnh cao danh vọng.
Sau này Robbie nói rằng anh không thể làm hài lòng mọi người khi bản thân lại thấy chán ngắt. Chính thủ lĩnh của nhóm Oasis, Noel Gallagher là người xúi giục Robbie ra đi vì “cậu xứng đáng làm được những điều to tát hơn”. Mỉa mai thay, trước đó, cũng chính Noel, người hết sức khó tính và ưa bỉ bôi, lại là người hết sức ca tụng Back for good “là bài hát thật sự chạm được đến tôi”.
Cuối cùng chuyện gì cũng phải đến, cho dù cứng cựa tuyên bố Robbie Williams không phải là vấn đề nhưng cuối cùng Take That không thể trụ được với 4 người.
Ngày 13/2/1996 Take That ra album gồm những nhạc phẩm hay nhất của nhóm kèm theo một bài mới How deep is your love (hát lại của Bee Gees), một thành công cuối cùng của họ. Và sau nhóm tuyên bố tan rã. Vào thời điểm ấy, bưu điện Anh một lần nữa phải làm một việc chẳng đặng đừng, thiết lập đường dây nóng để an ủi fan, tránh những trường hợp tự tử vì quá đau buồn.
Ca sĩ Elton John cũng bày tỏ sự tiếc nuối khi Take That tan rã khi ông cho rằng trước và sau Take That không một nhóm nhạc nào giống họ và bản thân Gary Barlow xứng đáng được vinh danh rất nhiều. Nhưng đó chỉ còn là những tiếng thở dài, Take That không thể đi tiếp con đường của mình.
Tan rã, Robbie, Gary và Mark theo nghiệp solo, 2 thành viên còn lại là Jason và Howard quyết định lui vào hậu trường. Một trang sử âm nhạc khép lại và Take That dường như vẫn chưa đi hết con đường của họ.
Nước Mỹ không giang tay đón chào Take That nhưng sau đó thị trường này đã chào đón nồng nhiệt Gary Barlow và Robbie Williams. Cả hai đều có những thành công to lớn và khẳng định được tên tuổi của mình tại đây.
Take That sau đó cũng đã tái hợp nhưng thành công của nhóm nhạc này không thể kéo lại những hào quang xưa. Và đến giờ, Back for good, vẫn được xem là một trong những bài hit sau củng của nhóm tại được rất nhiều niềm nhớ trong lòng người mộ điệu.
Cùng nghe lại ca khúc "Back for good":
Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất