31/05/2021 20:13 GMT+7 | Bạn cần biết
(giaidauscholar.com) - Sự hỗ trợ, quan tâm và chăm sóc của các bậc cha mẹ đóng vai trò rất lớn cho sự phát triển của trẻ nhỏ khi các em phải ở trong nhà, không được đến trường trong thời gian giãn cách xã hội do đại dịch COVID-19.
Cha mẹ cần “đồng hành” cùng trẻ
Trong giai đoạn bùng phát trở lại của đại dịch COVID-19, trẻ em tại nhiều quốc gia - do giãn cách xã hội nên không thể đến trường học, gặp gỡ bạn bè hoặc người thân hay tham gia các hoạt động thể thao ngoài trời. Đối với các em, việc tạm thời mất đi cơ hội quan sát và tiếp xúc với môi trường bên ngoài có thể là một thách thức lớn. Việc phải ở trong nhà lâu ngày có thể tạo cho trẻ cảm giác chán nản, căng thẳng, khó tập trung, lo âu… Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), những thử thách này có thể làm ảnh hưởng tới quá trình phát triển trí thông minh và thể chất của trẻ.
Trí tuệ và cơ thể của trẻ lớn lên cùng nhau. Để cơ thể phát triển, trẻ cần được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, nghỉ ngơi và vận động. Để não bộ phát triển, trẻ cần cảm thấy được yêu thương, thấu hiểu và có những người “đồng hành” như cha mẹ, người thân, hay bạn bè cùng trang lứa. Trẻ cần được chơi đùa, quan sát, làm những điều mới lạ cùng với người khác.
Mặc dù phải ở nhà để bảo vệ bản thân khỏi dịch bệnh, trẻ em vẫn có thể tham gia vào các kế hoạch học tập, vui chơi và khám phá cùng với cha mẹ của mình. Các bậc phụ huynh nên ưu tiên và tạo điều kiện cho trẻ tiếp cận với những hoạt động phong phú tại nhà để kích thích trí thông minh của trẻ. Ngoài ra, cha mẹ nên đáp ứng những nhu cầu phát triển thể chất và duy trì một môi trường sống an toàn cho con của mình.
Những cách giúp trẻ phát triển
Các chuyên gia UNICEF cho rằng cha mẹ nên sử dụng nhịp điệu, nhạc cụ hay những câu hát để kích thích các giác quan của trẻ. Trẻ có thể luyện kĩ năng vận động bằng cách sử dụng những nhạc cụ như xúc xắc, lục lạc, trống lắc tay... Những âm thanh và giai điệu này có thể giúp trẻ phát triển kĩ năng nhận biết và nắm bắt nhịp điệu. Cha mẹ có thể tổ chức “ban nhạc gia đình” để cùng trẻ tạo nên những giai điệu hoặc lời ca. Những hoạt động như vẽ tự do hay tô màu ở nhà có thể giúp trẻ thể hiện khả năng sáng tạo của mình. Cha mẹ có thể cho trẻ nhận biết màu sắc và học cách phối màu qua việc tạo nên những bộ trang phục cho riêng mình từ những món quần áo có sẵn.
Bên cạnh đó, cha mẹ có thể cùng con chơi trốn tìm, đuổi bắt, hoặc lăn chuyền bóng trên sàn nhà. Những hoạt động này có thể giúp trẻ rèn luyện phản xạ và giải phóng năng lượng dư thừa. Cha mẹ cũng nên cùng con tập thể dục nhẹ nhàng qua những bài tập phù hợp trên mạng. Trẻ nên được hoạt động ít nhất 30 phút một ngày và nghỉ ngơi đầy đủ để có được sự cân bằng về sức khỏe.
Để kích thích trí tưởng tượng của trẻ, cha mẹ nên tham gia vào những trò chơi và tình huống giả tưởng do trẻ tạo ra. Cha mẹ có thể khuyến khích trẻ tiếp tục suy nghĩ và sáng tạo bằng cách đặt ra những câu hỏi về “thế giới tưởng tượng” của trẻ. Việc đọc sách và kể chuyện cho trẻ sẽ giúp kích thích trí tò mò và sự ham học hỏi ở trẻ. Cha mẹ có thể dạy cho con mình rất nhiều bài học qua những câu chuyện bổ ích và lý thú. Những trò chơi trí tuệ như xếp hình, giải đố hoặc lắp ráp có thể dạy cho trẻ các kĩ năng sắp xếp, nhận biết và giải quyết vấn đề. Để giúp trẻ làm quen với kĩ năng tính toán, đo lường, trẻ nên được tham gia chuẩn bị và sắp xếp bữa ăn. Việc làm này cũng giúp trẻ hiểu thêm về các loại dưỡng chất và thực phẩm tốt cho sức khỏe trong mâm cơm hàng ngày của gia đình.
Trong giai đoạn ở nhà, trẻ vẫn cần được bồi dưỡng các kĩ năng giao tiếp và ứng xử. Cha mẹ nên dành nhiều thời gian để trò chuyện với trẻ và dạy cho trẻ các quy tắc ứng xử phù hợp. Ngoài ra, cha mẹ có thể chủ động bắt chuyện để tìm hiểu cảm xúc và suy nghĩ của con mình. Sau một thời gian ở nhà quá lâu, trẻ có thể cảm thấy bị cô lập, lo lắng khi tiếp xúc với người lạ hoặc có biểu hiện bám dính cha mẹ. Vì vậy, cha mẹ nên thường xuyên cho trẻ tiếp xúc với bạn bè hoặc người thân qua những cuộc gọi video để giúp trẻ bớt cô đơn hay buồn chán.
Cơ hội để được gần gũi với con
Các bậc phụ huynh nên coi khoảng thời gian ở nhà với con trong mùa dịch COVID-19 là một cơ hội tốt để được gần gũi với con mình hơn. Theo Hiệp hội Tâm lý học đường Mỹ (NAPS), tình yêu thương, sự quan tâm và chăm sóc của cha mẹ sẽ giúp con trẻ vượt qua được những khó khăn, thách thức của mùa dịch. Tuy nhiên, sự xáo trộn trong đại dịch COVID-19 cũng có thể gây ra sự căng thẳng và thậm chí là trầm cảm cho một số phụ huynh. Theo khuyến cáo của Trung tâm nghiên cứu về trẻ em của Đại học Harvard, cha mẹ nên tránh để những bất ổn tâm lý của bản thân ảnh hưởng tới con cái. Sự vững vàng, thoải mái trong tâm lý có thể giúp cha mẹ dễ dàng kết nối với con và hỗ trợ sự phát triển của con.
Trung tâm Y tế Cedars-Sinai khuyên các ông bố, bà mẹ nên tạo ra sự cân bằng giữa công việc và gia đình. Cha mẹ cần quản lý thời gian và công việc tốt để có thể dành thời gian cho con cái; đặt ra thời gian biểu cho con mình bằng cách kết hợp những hoạt động vui chơi, học tập, làm việc nhà và thư giãn. Trẻ có thể học được thói quen tự giác và tính chủ động khi làm theo thời gian biểu mà cha mẹ đặt ra.
Cha mẹ có thể sử dụng các thiết bị điện tử trong nhà một cách có chừng mực để trẻ được khám phá thêm về thế giới bên ngoài “qua màn ảnh”. Tuy nhiên, để trẻ có một cuộc sống cân bằng trong mùa dịch, cha mẹ không nên để cho trẻ sử dụng quá nhiều thiết bị điện tử và trở nên lười vận động. Ngoài ra, cha mẹ cần chú ý tới vấn đề cân bằng dinh dưỡng ở trẻ, và tránh tình trạng trẻ ăn quá nhiều hoặc quá ít trong thời gian ở nhà.
Song song với đó, các bậc cha mẹ rất cần giải thích một cách phù hợp cho trẻ về những biện pháp phòng chống dịch, giữ an toàn cho bản thân và toàn xã hội. Cha mẹ có thể rèn cho con mình tính cẩn thận và sạch sẽ qua những bài học tích cực về cách bảo vệ bản thân khỏi dịch bệnh.
Vũ Nhật Minh/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất