V.League chưa thể tự nuôi thân

16/01/2015 18:31 GMT+7 | Bóng đá Việt

(giaidauscholar.com) - Việc bầu Đức dõng dạc phát biểu đội bóng đá HA.GL sẽ có lãi với V-League mùa giải 2015 khiến chúng ta đặt ra vấn đề: Liệu đã đến thời các đội bóng V-League tự nuôi thân? Chủ đề của Cà phê thể thao tuần này với nhà báo Hồng Ngọc.

Cà phê thể thao: Trước mùa giải V-League 2015, bầu Đức tuyên bố sẽ có lãi ở mùa giải này. Dự toán của ông là doanh thu từ hợp đồng tài trợ với Nutifood mang lại 15 tỷ, các hợp đồng quảng cáo, bán vé khác mang lại 6-8 tỷ, trong khi dự chi chỉ là chừng 15 tỷ, thậm chí chỉ cần 12 tỷ. Ông chắc chắn là có lãi ít nhất 5 tỷ. Vậy là đã đến thời một đội bóng V-League tự nuôi thân, điều mà anh vẫn cho là xa vời, thưa anh Hồng Ngọc?

Hồng Ngọc: Với tất cả sự tôn trọng đối với bầu Đức, tôi cho rằng phát ngôn đó chỉ là "quả pháo đùng" mà anh ném ra giữa lúc truyền thông đang công kênh đội bóng của anh, do hiệu ứng lứa U19 vừa được đôn lên đội chuyên nghiệp.

Trong 5 năm qua, các đội bóng dự V-League đã có một cuộc lạm phát phi mã về chi phí hoạt động, một số lên đến trên 100 tỷ đồng/năm. Các CLB khiêm tốn trong cuộc lạm phát này cũng ngốn chi phí đến chừng 50 tỷ. Đó là cơ sở để VPF mới đây ra quy định mỗi CLB dự V-League phải có ngân sách tối thiểu là 35 tỷ/năm, trong đó cho đội 1 tối thiểu là 20 tỷ (tuyến trẻ là 15 tỷ). Tạm gác lại chi phí cho tuyến trẻ, thì chi phí hoạt động cho đội 1 là 12-15 tỷ như trong dự tính của bầu Đức là không thực tế trong hoàn cảnh bóng đá Việt Nam hiện nay.



HA.GL đã giới hạn khung lương, thưởng cho các cầu thủ. Ảnh: Tuân Phạm

Đó là lúc đỉnh cao của lạm phát, còn bây giờ thì bong bóng đá xì hơi bớt rồi. Chương trình thể thao của VTV1 mới đây đã liên hệ một đội bóng “khiêm tốn” của V-League, đưa ra phác thảo chi phí cho một đội bóng dự giải là 25 tỷ đồng (tiền lương 14-18 tỷ, tiền di chuyển - lưu trú 3 tỷ, tiền ăn 2 tỷ, tiền thưởng 1,5 tỷ). Bầu Đức mùa này sẽ không trả lương cao như thế, khi các cầu thủ sẽ chỉ nhận lương 15-20 triệu/tháng, tức là chỉ tốn chừng 5 tỷ đồng, và “không thưởng dù chỉ một đồng” theo từng trận đấu, nếu cộng với các con số còn lại thì đúng là có thể gói ghém trong 12 tỷ đồng mà?

Đúng là V-League thời lạm phát, chi phí lớn nhất của các đội bóng là trả tiền lót tay cho các cầu thủ, từ 300 triệu đến 3 tỷ đồng/cầu thủ/năm. Rồi mới đến quỹ lương, mà mức 14-18 tỷ đồng là con số khiêm tốn. Bầu Đức khi đôn lứa cầu thủ này lên thì tạm thời tránh được phí lót tay, vì các cầu thủ do mình đào tạo ra có nghĩa vụ phải ký hợp đồng chuyên nghiệp đầu tiên với CLB. Nhưng tôi vẫn không tin vào con số đó.

Chúng ta tạm gác lại những chi phí mà HA.GL đã trả trong quá trình đào tạo (nhờ thế mà trước mắt họ chưa phải trả tiền lót tay, và ký hợp đồng với các cầu thủ ở mức lương khá thấp), và tạm  chấp nhận con số 5 tỷ đồng quỹ lương một năm của HA.GL, nhưng đó chỉ là quỹ lương cho cầu thủ nội. Tôi e rằng lương của HLV và các cầu thủ ngoại của HA.GL đã nhiều hơn con số 5 tỷ đồng, tức quỹ lương tối thiểu là 10 tỷ.

Tiền di chuyển – lưu trú 3 tỷ đồng mỗi năm tôi cũng tạm chấp nhận, còn tiền ăn mỗi năm 2 tỷ đồng thì đó là con số dành cho các đội bóng… nông dân mới thăng hạng, chứ không phải là chế độ ăn đúng tiêu chuẩn dinh dưỡng cho cầu thủ chuyên nghiệp. Lưu ý rằng chế độ ăn của các cầu thủ U19 HA.GL trong các giải giao hữu và chính thức năm 2014 đã ở mức 1,5 – 3 triệu đồng/người/ngày. Chỉ tính ở mức khiêm tốn 1 triệu đồng/người/ngày cho 5 tháng thi đấu V-League cho 25 cầu thủ đã lên đến gần 4 tỷ đồng, chưa kể thời gian tập huấn và duy trì 7 tháng còn lại trong năm, ít nhất cũng bằng một nửa số đó.

Mới chỉ tính quỹ lương, tiền ăn, di chuyển – lưu trú cho đội bóng sơ sơ đã ngốn đến 19 tỷ đồng, tất cả đang được dự toán ở mức tối thiểu. Chưa nói đến tiền thưởng dù là sau mỗi trận đấu hay cuối mùa giải, thì đội bóng còn vố số chi phí vận hành khác, như tiền lương của các quan chức điều hành, nhân viên phục vụ của CLB, tiền khấu hao tài sản thiểt bị, tiền thuê hoặc bảo dưỡng sân, chi phí tổ chức các trận đấu trong mùa giải, mà tôi sẽ vô cùng ngạc nhiên nếu ít hơn 5 tỷ đồng. Tổng hợp  lại thì chi phí để cho đội 1 có thể đá V-League theo cách của HA.GL hiện nay đã không ít hơn 25 tỷ đồng.

Nếu giới hạn được chi phí hoạt động ngần đó thì HA.GL vẫn có thể có lãi, vì họ hoàn toàn có thể đạt doanh thu vượt qua mức đó?

Chi phí đó chỉ là trong ngắn hạn, trong dài hạn thì không thể duy trì mức chi đó được. Các cầu thủ khi chơi thành công sau tối đa 2 mùa giải, họ sẽ không dễ gì mà có động lực thi đấu với mức lương thấp hơn nhiều so với cầu thủ của các đội khác. Và khi họ hết hợp đồng chuyên nghiệp đầu tiên, cái lệ “phí lót tay” của bóng đá Việt sẽ lại can thiệp vào việc HA.GL gia hạn hợp đồng với họ, nếu không muốn họ ra đi.

Trừ khi HA.GL lại đưa lứa cầu thủ trẻ tiếp theo lên đội 1 thay thế cho các cầu thủ đó. Tất nhiên, các cầu thủ trẻ này cũng không từ trên trời rơi xuống, mà đã ngốn của HA.GL kha khá tiền trước khi có thể lên chơi ở đội 1.



Công Phượng được cho là có giá chuyển nhượng 3 triệu USD nhưng đó là con số không thực tế. Ảnh: Tuân Phạm

HA.GL có thể bán các cầu thủ đã trưởng thành để tăng doanh thu trong kế hoạch dài hạn?

Bán cho ai? CLB nước ngoài thì triển vọng đó còn mờ mịt. CLB trong nước thì thường sẽ đợi đến lúc cầu thủ hết hợp đồng, hoặc nếu có mua khi còn hợp đồng thì cũng không trả phí cao lắm đâu, vì họ còn để dành tiền trả phí lót tay cho cầu thủ! Chỉ khi nào V-League căn bản xóa được chế độ phí lót tay cho cầu thủ, thì các CLB mới có doanh thu bán cầu thủ đáng kể được.

Bóng đá Việt giống như nhà nghèo xài sang: đã không tự kiếm được tiền bao nhiêu, nhưng lại phải trả những khoản tiền rất lớn mà các nền bóng đá phát triển không hoặc phải trả rất ít: tiền lót tay cho cầu thủ khi ký hợp đồng (còn nhiều hơn tiền lương), và tiền thưởng rất hậu hĩnh.

Tóm lại, theo tính toán của anh thì triển vọng có lãi ngay cả với HA.GL cũng là mờ mịt?

Đó rất tiếc lại là thực tế. Các CLB bóng đá trên thế giới có 3 nguồn doanh thu chính: tiền bán vé, tiền bản quyền truyền hình, tiền kinh doanh thương mại - quảng cáo. Tất cả dựa trên nền tảng là đội bóng đó phải thu hút khán giả, và HA.GL hiện tại đã có sự khởi đầu mới đầy tích cực, nhưng để điều đó được hiện thực hóa bằng doanh thu tăng mạnh giúp họ có lãi thì còn phải chờ.

Giá vé vẫn còn thấp, kinh doanh thương mại còn kém, và doanh thu quảng cáo mới là bước đầu. Khoản doanh thu quan trọng nhất với các nền bóng đá phát triển là tiền bản quyền truyền hình thì với bóng đá Việt đang chỉ là khoản tượng trưng.

Tình hình của các CLB khác còn tối tăm hơn, khi khán đài vẫn trống rỗng dù khán giả được vào sân miễn phí, hay giá vé không đầy 1 USD.

Nhưng sức hút mà HA.GL đã tạo ra khi vừa đôn lứa cầu thủ được đào tạo hiện đại lên đội 1 đã chỉ ra một con đường cho các đội khác có thể đi theo, để có ngày đội bóng “chuyên nghiệp” không còn phải ăn bám vào ngân sách hay ông bầu.

Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm