Vua đầu bếp Minh Nhật: 'Có món ngon ra đĩa mới khó, chứ loại người rất dễ'

13/11/2014 14:34 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Quán quân Vua đầu bếp 2014 (MasterChef) Minh Nhật, năm nay 23 tuổi, đã tốt nghiệp bằng giỏi Đại học Ngoại thương, đã đi làm tại một ngân hàng nước ngoài. Cô thú nhận đọc báo cáo tài chính chỉ 30 phút là chán, nhưng có thể xem clip nấu ăn cả ngày.

Phần thưởng của Minh Nhật từ chương trình này là 500 triệu đồng và hợp đồng viết một cuốn sách nấu ăn. Trở về từ chương trình, cô đã quyết định nghỉ việc tại ngân hàng để bắt đầu sự nghiệp mới.

* Như vậy là chương trình Vua đầu bếp 2014 đã giúp ngân hàng bớt đi một nhân viên không chuyên tâm và tìm ra một vua đầu bếp.

- (Cười). Tôi có một người bạn, khi 2 đứa cùng phân tích tài chính một công ty, cô ấy làm nửa ngày thì xong, còn tôi thì làm hai ngày không xong. Tôi chỉ làm một lúc là chán, để bớt căng thẳng tôi thường xem clip dạy nấu ăn 5-7 phút xong lại ngồi làm. Đó là sự thật, rất xin lỗi sếp (lãnh đạo của Minh Nhật tại ngân hàng - PV).

* Tôi biết rất nhiều người sau khi xem MasterChef của Mỹ đã muốn bỏ việc, chuyển sang ngành nấu ăn. Nhưng những quyết định như vậy thường không dễ dàng, còn chị thì thế nào?

- Tôi tự biết mình rất may mắn. Tôi tốt nghiệp Đại học Ngoại thương, ra trường đi làm ngân hàng là đúng chuyên ngành rồi. Ở ngân hàng tôi lại được cả lãnh đạo và tập thể ủng hộ. Không phải đơn vị nào cũng đồng ý cho nhân viên đi thi 2 tháng trời, mà lại là thi nấu ăn chẳng liên quan gì đến ngân hàng cả. Trước khi đi sếp có nói dù kết quả thế nào cũng vẫn chào đón tôi trở về. Tôi rất biết ơn về điều đó.

Nhưng bản thân tôi cảm thấy nếu chỉ cố gắng tìm một công việc ổn định, lúc làm không hoàn toàn cống hiến 100% sức lực thì quả thực là không nên. Đã đi làm phải vất vả và cống hiến thì những gì mình làm ra mới ý nghĩa. Nên khi giám khảo Phạm Tuấn Khải hỏi nếu giành ngôi vị quán quân tôi có bỏ việc không, tôi trả lời là có.

Tôi cảm thấy rất may mắn khi đã tìm ra một công việc mình muốn gắn bó cả đời vào lúc 23 tuổi. Trong Vua đầu bếp, có chị Lê Chi 44 tuổi, là quản lý một cửa hàng trang sức ở Canada. Dù kiếm được rất nhiều tiền nhưng chị ấy vẫn quyết định về Việt Nam thi chỉ để chứng minh với con gái một điều không bao giờ quá muộn cho một giấc mơ. Tôi và chị Lê Chi chính là hình ảnh 2 người theo đuổi giấc mơ trong đêm chung kết.  

Tôi vẫn nghĩ khi mình trẻ nên dám nghĩ dám làm, thử cái mới, tìm trải nghiệm, dù vấp ngã hay thất bại cũng không lùi bước. Còn trẻ thì nên cố gắng đi càng nhiều càng tốt, tham gia càng nhiều cuộc thi càng tốt, rồi sẽ tìm thấy công việc mình muốn gắn bó suốt cuộc đời.

* Tôi chợt nhớ ra chị là con một. Tôi tự hỏi không hiểu cha mẹ của chị có đồng ý cho chị ra ngoài trải nghiệm nhiều không?

- Tôi là con một đến tận lớp 12, bố mẹ vẫn đưa đi học rồi đón về. Vào đại học bố mẹ mới cho phương tiện để tự đi lại, tuy nhiên giờ “giới nghiêm” luôn là 10h30, kể cả đến giờ cũng thế, không được đi về muộn, không được đi đâu xa. Tuy nhiên, bố mẹ tôi cũng có điểm tiên tiến là muốn con trải nghiệm, để con biết làm mọi việc. Từ bé bố mẹ đã dạy tôi làm việc nhà, để biết cách chia sẻ công việc với mọi người. Mẹ dạy tôi nấu nướng, truyền niềm yêu thích bếp núc cho tôi. Từ đó mới có ngày hôm nay.

* Là con một của một gia đình khá giả cũng cho chị có cơ hội được đi nếm nhiều món ăn ngon. Đó là một thế mạnh không phải thí sinh nào trong cuộc thi cũng có.

- Vâng, đúng là cha mẹ hay dẫn tôi đi thưởng thức nhiều món. Đến khi có người yêu, anh ấy cũng là người rất thích ẩm thực, cứ ở đâu có món ngon anh ấy đều dẫn tôi đến thử bằng được, rồi bảo: “Em ăn rồi bắt chước cách nấu đi”. Trong nghề này được nếm nhiều món ngon rất quan trọng. Ăn rồi phải học cách nấu được đúng như thế, sau đó mới đến sáng tạo. Trong căn bếp giám khảo Phạm Tuấn Hải vẫn dạy chúng tôi như thế.

* Chị chuẩn bị gì trước khi đi thi?

- Tôi học mỗi ngày một chút. Sáng nào đến ngân hàng cũng “cướp” thời gian của ngân hàng nửa tiếng đồng hồ ngồi xem clip dạy nấu ăn. Thời điểm chương trình chốt Top 12 vào tháng 5, đến tận tháng 7 mới bước vào thi đấu. Tôi có khoảng 3 tháng để chuẩn bị. 12 thí sinh đều rất giỏi, 80% biết nói tiếng Anh trôi chảy, tức là họ đều có khả năng tiếp cận với kiến thức ẩm thực nước ngoài. Tôi tự biết mình là người ngoại đạo nên phải xây dựng chiến lược học tập. Cả ngày đi làm, tối về tôi học nấu từ 22h đến 0h. Từ 0h đến 3h sáng thì học thực hành. Ngày ngủ có 4 tiếng thôi, hôm sau đến cơ quan như một “xác sống” nhưng tôi rất quyết tâm và cố gắng hết sức.

* Thực tế thì tham gia một cuộc thi truyền hình thực tế như thế nào, khán giả rất tò mò đấy?

- Trận chung kết rất đáng nhớ, nhìn trên ti-vi chỉ căng thẳng 1/10 so với thực tế thôi. Khi bước vào trường quay, lúc đó mồ hôi tôi chảy tong tỏng, lại nhìn thấy 3 con thỏ bị lột da vẫn còn nguyên đầu tôi sợ lắm.

Chúng tôi thi liên tiếp trong một tháng. Ngày nào cũng nấu nướng liên tục 10 tiếng đồng hồ. Phần phỏng vấn thí sinh toàn quay vào đêm thôi, có hôm 3h sáng tôi bị dựng dậy để phỏng vấn. Những ai không có sức khỏe sẽ không thể chịu được. Trong chương trình có cô Ngân nhiều lần đã ngất vì quá mệt.

* Trong cuộc thi có lúc chị chiếm ưu thế được chọn những nguyên liệu khó khăn để loại bớt đối thủ. Nhưng tôi thấy chị không quyết liệt loại ai, trái lại còn có xu hướng chọn nguyên liệu vừa sức cho mọi người. Vì sao vậy?

- Hôm tôi được lựa chọn nguyên liệu cho các bạn, tôi biết nếu chọn cho chị Lê Chi con ba ba chị ấy sẽ khóc và chấp nhận bị loại, đưa cho chị Ngọc Ái cá mặt quỷ thì chị ấy cũng sẽ bị loại vì không biết làm. Cuối cùng tôi cho hai nam thí sinh những nguyên liệu khó làm nhất vì dù sao họ có sức khỏe, họ có kỹ năng dao tốt hơn. Nếu là MasterChef Mỹ thì các thí sinh sẽ loại nhau không thương tiếc đấy. Nhưng ở đây là MasterChef Việt Nam. Cá nhân tôi chỉ cảm thấy làm khó mọi người quá sẽ không hay, thậm chí còn dẫn tới việc sẽ không có món ngon được lên đĩa. Tôi vẫn nghĩ làm thế nào để càng nhiều món ngon được đưa ra trong chương trình mới là khó.  

* Với chị, trong cuộc thi thử thách nào khó nhất, đối thủ nào mạnh nhất?

- Thử thách nấu ăn cho 250 người là khó nhất, chúng tôi thực sự chật vật vì khẩu phần ăn rất lớn. Đối thủ vào Top 3 có chị Lê Chi và Thu Thủy đều là những người rất mạnh. Riêng chị Thủy là một đối thủ thực sự mạnh, về món Việt thì trong chương trình không ai địch được chị ấy. Nhưng chị ấy nấu món Âu cũng rất giỏi đấy. Chỉ là chị giấu nghề thôi, chị ấy giỏi lắm.

* Quán quân Vua đầu bếp 2014 dự định làm gì trong thời gian tới?

- Tôi đang xây dựng kênh YouTube riêng để hướng dẫn cách nấu ăn. Tôi cũng đã lên được thực đơn cho cuốn sách nấu ăn, dự kiến đầu tháng 12 năm nay sẽ ra mắt. Ngoài ra tôi muốn mở một lớp nấu ăn dành cho người nước ngoài, hiện nay nhu cầu vẫn còn rất nhiều. Tôi còn muốn tổ chức một cộng đồng những người ham mê ẩm thực, ngoài việc chia sẻ nấu nướng còn làm công tác từ thiện. Ước mơ lớn nhất của tôi là mở một chuỗi nhà hàng món ăn Việt, nhưng đó là ước mơ lớn cần nhiều thời gian để thực hiện.

* Cảm ơn Minh Nhật, chúc chị sớm hoàn thành các mục tiêu.

Ngọc Diệp (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm