Man City, Man United đổi cầu thủ như đổi iPhone

21/08/2015 05:43 GMT+7 | Bóng đá Anh

(giaidauscholar.com) - Man City đã bỏ ra 20 triệu bảng để mua Alvaro Negredo vào năm 2013. Cũng mùa Hè đó, Stevan Jovetic tới Etihad từ Fiorentina với giá còn đắt hơn, 22 triệu bảng. Hai năm trước đó, Edin Dzeko chỉ được phép gia nhập Man City khi Wolfsburg đòi được 27 triệu bảng.

Trong 3 người đó, chỉ Jovetic là gây thất vọng, anh dính nhiều chấn thương và phong độ rất thất thường. Trong mùa giải duy nhất ở Etihad, Negredo là một trường hợp đáng tò mò. Anh ghi 23 bàn trong nửa đầu mùa bóng và không có bàn nào trong nửa sau. Dzeko thì ngược lại, anh chưa bao giờ thật sự bùng nổ, nhưng đã ghi 72 bàn trong 184 trận.

Ném tiền qua cửa sổ

Giờ thì họ không còn ở Man City nữa. Negredo ra đi đầu tiên, theo một hợp đồng mượn cầu thủ khá kỳ lạ tới Valencia vừa kết thúc bằng thương vụ mua đứt 23 triệu bảng. Jovetic là người tiếp theo, tới Inter Milan theo hợp đồng cho mượn 2 năm, với điều khoản mua đứt 14,25 triệu bảng. Cuối cùng, Dzeko ra đi, cũng cho mượn, với mức phí 2,6 triệu bảng sang Roma và điều khoản mua đứt 7,2 triệu bảng vào mùa Hè tới.

Tổng kết, trong khoản tiền 69 triệu bảng mà Man City bỏ ra cho 3 tiền đạo, họ chỉ thu về tối đa là hơn 47 triệu bảng. Giống như việc Man United bán Angel Di Maria cho Paris Saint-Germain để thu về 44 triệu bảng, những gì đang xảy ra ở các đại gia Premier League là câu chuyện “cốc nước đầy một nửa”.

Bạn có thể cho rằng trong vòng 1 năm, Man United đã mất 15 triệu bảng trong thương vụ Di Maria, nhưng mặt khác, đội bóng áo đỏ có thể đã cắt lỗ khôn ngoan khi đẩy đi một món hàng đắt giá nhưng họ không thể dùng được. Câu chuyện đó cũng đúng với Man City, dù 3 khoản đầu tư của họ dài hạn hơn. Tổng cộng, đội bóng áo xanh đã chấp nhận một khoản lỗ 22 triệu bảng.

Có vài điểm đáng chú ý ở đây. Một là sự bất trắc của thị trường chuyển nhượng, điều vốn đúng từ trước tới giờ. Điểm thứ hai là sự thay đổi chóng mặt của Premier League. Thời gian tại vị của các HLV ở giải Ngoại hạng đã ngày càng ngắn lại, nhưng chính các cầu thủ cũng đang gặp vấn đề tương tự. Negredo xuất sắc trong nửa mùa giải, chơi tệ nửa mùa sau và bị bán đi. Dzeko đáng tin cậy trong vài mùa, không làm gì sai, nhưng cũng không tỏa sáng. Giờ thì anh đã bị thay thế, bởi một người mới cũng rất đắt giá và cũng đang có nguy cơ chìm vào quên lãng, Wilfried Bony.

Chủ nghĩa tiêu dùng Premier League

Tiền đạo người Bờ Biển Ngà Bony là một cầu thủ giỏi. Nhưng liệu anh có giỏi hơn Dzeko? Có phải là sự nâng cấp rõ ràng cho hàng công Etihad? Có đáng cái giá 28 triệu bảng mà Man City đã trả cho Swansea? Cộng thêm 13 triệu bảng thua lỗ từ việc bán Dzeko? Liệu Bony có giá trị hơn Dzeko tới 41 triệu bảng? Không, chỉ là anh mới hơn. Dù ở tầm mức hàng chục triệu bảng, đó cũng là thứ chủ nghĩa tiêu dùng không khác gì việc ngày nay người ta đổi một chiếc iPhone giá đắt gấp đôi vì nó là một mẫu mới, dù các tính năng hầu như không thay đổi.

Đáng lo ngại hơn, điều đó không chỉ đúng với Man City mà cả với nhóm 6 đội hàng đầu Premier League. Liverpool giờ đang không biết làm cách nào để đẩy đi Fabio Borini và Mario Balotelli, cùng nhiều người khác. Man United sẽ còn mua đắt bán rẻ một thời gian nữa. Chelsea thì đang cần người mua Juan Cuadrado sau khi chiêu mộ Pedro.

Các đội bóng hàng đầu ở Anh sống trong một thế giới tài chính của riêng họ mà khắp thế giới, chỉ Real Madrid, Barcelona, PSG và Bayern Munich là sánh được, những kẻ tiêu tiền vô tội vạ vì quá giàu có.

Đó là chưa kể tiền lương. Trong khi nhiều đội khác ở châu Âu cũng có thể trả phí chuyển nhượng khá cao, Atletico Madrid, Borussia Dortmund, Roma, Juventus, hay thậm chí là Inter, Napoli, Valencia…, không đội nào trong số đó có quỹ lương lớn bằng Tottenham. Vài đại gia ở Nga hay Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể trả những mức lương như thế, nhưng rõ ràng đó không phải là lựa chọn của các cầu thủ đỉnh cao đang ở độ chín sự nghiệp.

Cứ như thế, sự lãng phí của Premier League trở thành điều không thể tránh khỏi.


Trần Trọng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm