Mặt sân bóng đá: Văn hóa và chế độ sở hữu

29/01/2015 18:50 GMT+7 | Bóng đá Việt

(giaidauscholar.com) - Dù ngân sách hoạt động của các CLB bóng đá ở V-League là vài chục tỷ mỗi mùa giải, nhưng lại để cho mặt sân như ruộng lúa vừa gặt. Nhà báo Hồng Ngọc lý giải tình trạng này với Cà phê thể thao.

Cà phê thể thao: Sân Lạch Tray đang đứng trước nguy cơ bị treo vì để chất lượng mặt sân quá tồi tàn như khán giả chứng kiến trong trận tiếp HAGL tại V-League. VPF cũng có quy định về tiêu chuẩn chất lượng mặt sân, và "hình như" cũng có kiểm tra trước mùa giải. Nhưng sao thực tế vẫn tồi tệ như vậy, thưa anh Hồng Ngọc?

Hồng Ngọc: Nếu chỉ kiểm tra trước mùa giải thì đó là điều khôi hài. Vì mặt sân có thể bị phá hủy chỉ sau một đêm với một chương trình ca nhạc hay lễ hội, và cũng có thể bị phá hủy chỉ với một trận bóng đá kiểu “thủy chiến”. Nếu thật sự kiểm tra thì phải kiểm tra trước mỗi trận đấu, và trừng phạt thì phải trừng phạt bất kỳ khi nào nó không đạt chất lượng, chứ không phải chỉ khi có đội khách danh tiếng tới thi đấu, và trận đấu được truyền hình trực tiếp.

Vậy là do việc quản lý thiếu chặt chẽ từ BTC giải và VPF đối với chất lượng mặt sân?

Đó là điều chúng ta thường nghĩ tới đầu tiên, và thực tế là không thể phủ nhận nó. Nhưng tôi không muốn đổ lỗi vị lãnh đạo này hay khác đã dễ dãi, vì hầu như vị nào ngồi vào đó cũng dễ dãi gần giống nhau cả. Đó là câu chuyện văn hóa.

Văn hóa đó là gì? Một buổi gặp, một chầu nhậu với nhau, đặc biệt là khi nhận chút quà, ân huệ hay hối lộ, thì chúng ta đều là anh em, bè bạn, và mang tình anh em, bè bạn đó vào cả công việc, dù họ thuộc về các bên phải kiểm soát lẫn nhau, có xung đột lợi ích với nhau. 



Mặt sân không đảm bảo ảnh hưởng đến chất lượng các trận đấu. Ảnh: Phạm Tuân

Thế nhưng họ lại rất thích gặp nhau để nhậu, để “giao lưu”. Và đã “giao lưu” rồi thì lại khó “mặt lạnh” được trong công việc, từ đó mà du di cho “anh em, bạn bè” trong vai trò quản lý chất lượng. Nó nằm ở văn hóa trọng tình mà kém duy lý của người Việt, không rạch ròi được về quan hệ giao tiếp trong cuộc sống với công việc.

Hơn nửa năm trước, Chủ tịch UEFA Platini bị cáo buộc nhận hối lộ từ phía Qatar trong chiến dịch vận động đăng cai VCK World Cup của nước này. Bằng chứng đáng giá nhất mà tờ Telegraph (Anh) đưa ra là Platini đã gặp gỡ riêng với ông Mohamed Bin Hammam, người đứng đằng sau chiến dịch vận động của Qatar, ngay trước thềm cuộc bỏ phiếu chọn nước đăng cai VCK World Cup 2022.

Với văn hóa phương Tây, chỉ gặp riêng đã được coi là tội khi anh đang làm việc ở hai phía có thể mâu thuẫn nhau về lợi ích, nhưng với văn hóa Việt, đặt vấn đề như  vậy bị coi là kỳ quặc. Chỉ cần một câu lý giải “chúng tôi gặp nhau riêng vì là chỗ giao lưu, bạn bè” là có thể xổ toẹt mọi nghi ngờ dù rất xác đáng.

Văn hóa du di có cả “châm ngôn” hẳn hoi. Nếu xem phim Trung Quốc, chúng ta sẽ biết được câu châm ngôn đó là “biến chuyện lớn thành chuyện nhỏ, chuyện nhỏ thành không có gì”. Mặt sân kém chất lượng thì rõ rồi, nhưng nếu không có gì ầm ĩ thì sẽ biến thành việc không có gì, bởi chúng ta là chỗ anh em bạn bè.

Chỉ khi nào truyền thông ầm ĩ lên thì “chúng ta” buộc phải xử lý thôi! Vì câu ưa thích của mọi BTC giải khi tổng kết mùa giải là “về đích an toàn”.

Vậy sao truyền thông không lên tiếng bất cứ khi nào mặt sân kém chất lượng?

Vẫn là chuyện văn hóa. Theo dõi sân đấu đó thường chỉ có ngần ấy phóng viên thể thao, cũng đã ngồi nhậu với các lãnh đội trên tinh thần anh em, bạn bè cả rồi, giờ quay sang phê nhau thì anh đã đi ra ngoài văn hóa Việt, rất khó được chấp nhận. Chỉ khi một đội bóng danh tiếng kéo các phóng viên thể thao từ phương khác tới sân ấy thì vấn đề mới được xới lên.

Điều đó sẽ giải thích tại sao sân Lạch Tray có nguy cơ bị phạt mà sân Long An lại không, dù nó đều đón tiếp HAGL và đều được truyền hình trực tiếp, và mặt sân đều giống cái ruộng lúa vừa gặt cả, nhưng không báo nào lên tiếng với sân Long An, mà chỉ đề cập đến sân Lạch Tray!

Đó là chưa kể đặc điểm của nghiệp vụ báo chí, mà người làm báo hay nói đùa là “người cắn chó mới là tin”. Là vấn đề báo chí vì nó là chuyện bất bình thường, khan hiếm. Nhưng mặt sân kém chất lượng ở V-League lại là việc bình thường chứ không phải khan hiếm. Nó chỉ trở thành vấn đề báo chí khi vượt quá xa mức có thể chấp nhận được, hoặc va chạm đến lợi ích của một bên nào đó có nhiều ảnh hưởng với báo chí.

Chuyện này có vẻ mâu thuẫn. Mặt sân tốt là điều kiện tiên quyết để các đội bóng có thể thực hiện tốt nhất màn trình diễn của mình, và đó là cách để kéo khán giả tới sân. Không lẽ các đội bóng dự V-League không muốn kéo khán giả tới sân?

Đó là logic nội tại của bóng đá. Nhưng bóng đá không tồn tại độc lập, mà nó tồn tại trong lòng một xã hội, với văn hóa và thể chế riêng của xã hội đó. Ở trên chúng ta đã nói về văn hóa, không chỉ diễn ra trong bóng đá mà xảy ra với mọi lĩnh vực khác ở Việt Nam. Giờ tôi muốn nói tiếp đôi chút về thể chế, mà cụ thể là chế độ sở hữu, để thấy nó tác động đến bóng đá, trong chủ đề mà chúng ta đang bàn tới.

Tất cả các đội bóng dự V-League đều không sở hữu sân vận động riêng. Đó là tài sản quốc gia hoặc địa phương. Nếu đó là SVĐ quốc gia, nó mang ý nghĩa là bộ mặt của đất nước rồi thì sức ép phải giữ chất lượng mặt sân và ngân sách cho việc đó mới đủ lớn để giữ chất lượng mặt sân gần với tiêu chuẩn, còn các sân khác không chịu sức ép đó. Từ việc không đồng nhất giữa chủ sở hữu và người sử dụng, dẫn đến hai vấn đề.

Thứ nhất là sở hữu nhà nước mà dân gian thường nói là “cha chung không ai khóc”, nên thiếu động lực và quy trình kiểm soát để giữ chất lượng mặt sân. Thứ hai là yếu tố độc quyền, vì mỗi địa phương thường chỉ có một sân thi đấu, không cho phép đội bóng ở đó lựa chọn, nên dù thế nào cũng phải chọn nó, trừ khi bị phạt phải thi đấu ở tỉnh thành khác, xa rời khán giả nhà. Nên nếu tối hôm trước, người ta có đi dày cao gót vào sân làm chương trình ca nhạc thì chiều hôm sau, đội bóng vẫn phải ra sân.

Chẳng lẽ các đội bóng không thể làm gì để tác động vào việc giữ gìn mặt sân. Như việc họ trực tiếp bỏ tiền ra để chăm sóc SVĐ chẳng hạn?

Trực tiếp chăm sóc mà mặt sân vẫn được một bên khác dùng để tổ chức sự kiện thì không ông bầu nào muốn bỏ tiền cả, mà số tiền không hề ít. Chỉ khi ông bầu có vị thế lớn tại địa phương đến mức có thể kiểm soát thực tế hoàn toàn đối với SVĐ thì mới giữ được chất lượng sân!

Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm