23/01/2022 10:50 GMT+7 | Tin tức 24h
(giaidauscholar.com) - Yêu cầu chấn chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch không phù hợp tại các tỉnh, thành phố; bảo đảm mở cửa trường học an toàn; tăng cường các giải pháp khắc phục tình trạng mắc di chứng hậu COVID-19; chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp phòng, chống dịch trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022... là những nội dung đáng chú ý trong tuần qua.
* Bảo đảm cho học sinh trở lại trường học trực tiếp an toàn, hiệu quả
Thông báo số 18/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc xem xét mở cửa trở lại trường học an toàn nêu rõ: Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế tổ chức ngay hội thảo trực tuyến toàn quốc lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học và các địa phương, thống nhất có lộ trình cụ thể để mở cửa các cơ sở giáo dục, đào tạo, các trường học trở lại trên toàn quốc, báo cáo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kết quả và đề xuất cụ thể để xem xét, quyết định.
Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tấn, báo chí thực hiện truyền thông, tạo sự đồng thuận xã hội về việc mở cửa trở lại trường học an toàn; hướng dẫn các địa phương cho học sinh từ 12 tuổi trở lên đi học trực tiếp, an toàn sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 sớm nhất có thể, nhất là đối với các địa phương có tỷ lệ cao trong việc tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 cho đối tượng từ 12-17 tuổi; chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế khẩn trương nghiên cứu, hướng dẫn cụ thể cho các địa phương, các cơ sở giáo dục tổ chức an toàn phòng, chống dịch COVID-19 để trẻ em, học sinh từ 5-11 tuổi đi học trực tiếp trở lại.
Bộ Y tế khẩn trương tổ chức hội thảo khoa học, nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của các nước và tham khảo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để báo cáo cấp có thẩm quyền về việc tiêm vaccine cho trẻ em từ 5-11 tuổi; chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các địa phương, các cơ sở giáo dục về biện pháp phòng, chống dịch cho trẻ em, học sinh đi học an toàn trở lại; khẩn trương, nghiên cứu sửa đổi, ban hành tiêu chí xác định các cấp độ dịch trong tình hình mới.
Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội thảo, tọa đàm và truyền thông tạo đồng thuận xã hội để học sinh, phụ huynh, người dân yên tâm cho con em trở lại trường học trực tiếp an toàn và hiệu quả.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sáng 19/1, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế tổ chức hội thảo trực tuyến toàn quốc về tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong các cơ sở giáo dục.
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết: Hơn 2 năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức, điều chỉnh toàn bộ các hoạt động dạy - học để thích ứng với dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho trường học. Tuy nhiên, sau thời gian dài trẻ không được đến trường, hoặc đến trường rất ít không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng dạy - học, còn ảnh hưởng đến tâm sinh lý của trẻ, ảnh hưởng đến các vấn đề xã hội, kinh tế, cũng như tác động nhiều mặt khác.
Hiện nay, tỷ lệ tiêm vaccine trên cả nước đã rất cao; điều kiện thuốc chữa có cải thiện; điều kiện phòng, chống dịch cũng như hiểu biết và thích ứng của người dân được cải thiện, nâng cao... Với sự khuyến cáo của các tổ chức quốc tế, phân tích kinh nghiệm các nước, đây chính là lúc cần điều chỉnh trong mở cửa trường học một cách an toàn, như tinh thần chỉ đạo của Chính phủ trong thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 tại Nghị quyết 128/NQ-CP.
Cùng với tiến độ tiêm vaccine cho học sinh từ 12-17 tuổi, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các địa phương mạnh dạn triển khai mở cửa trường học trong trạng thái bình thường mới, tạo điều kiện thuận lợi cho cha mẹ học sinh an tâm lao động, góp phần phục hồi kinh tế, ổn định xã hội. UBND các tỉnh, thành phố cập nhật, đánh giá mức độ dịch để quyết định linh hoạt việc tổ chức các hoạt động dạy học trực tiếp tại địa phương theo đúng tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP và hướng dẫn của các Bộ Giáo dục và Đào tạo, Y tế.
* Xây dựng lộ trình mở cửa an toàn, khoa học
Công điện truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc xây dựng lộ trình mở cửa an toàn, khoa học, hiệu quả đón khách du lịch quốc tế nêu rõ: Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các Bộ: Y tế, Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông, các bộ, ngành liên quan và các địa phương khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch, lộ trình, giải pháp mở cửa hoạt động du lịch quốc tế an toàn, khoa học, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 155/NQ-CP ngày 8/12/2021 của Chính phủ; tổ chức hội thảo chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý, các đối tượng tác động để tạo sự đồng thuận, thống nhất; đẩy mạnh thông tin, truyền thông về việc bảo đảm an toàn cho khách du lịch và thông điệp "Việt Nam là điểm đến an toàn", xây dựng lộ trình cụ thể và thông báo công khai để các chủ thể có liên quan biết, chủ động thực hiện.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Y tế và các cơ quan liên quan xây dựng, ban hành kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện; chuẩn bị về năng lực y tế, sẵn sàng về nhân lực, vật lực, chủ động các phương án, giải pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch và xử lý sự cố y tế phát sinh. Thủ tướng Chính phủ giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thay mặt Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch, lộ trình mở cửa du lịch quốc tế, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả.
Tại Công văn số 450/VPCP-QHQT, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đồng ý chủ trương tạo thuận lợi về thủ tục nhập cảnh đối với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài cùng thân nhân về nước.
Cụ thể, đối tượng người nước ngoài nhập cảnh là người nước ngoài được cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh theo quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; riêng đối với người nước ngoài vào du lịch, trước mắt, tiếp tục thực hiện theo Chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an rà soát các trường hợp cấm nhập cảnh mới được bổ sung thời gian vừa qua, thông báo cho Bộ Ngoại giao để thông báo cho các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có hình thức hủy các loại giấy tờ nhập cảnh Việt Nam đã được cấp; phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan ban hành hướng dẫn thủ tục nhập cảnh để triển khai thống nhất trên toàn quốc, phù hợp với Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, đảm bảo tuân thủ các yêu cầu, hướng dẫn y tế của Việt Nam.
Chiều 20/1, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, cập nhật về hộ chiếu vaccine COVID-19, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: Ngày 23/12, Bộ Y tế đã ban hành mẫu hộ chiếu vaccine COVID-19 của Việt Nam. Sau đó, Bộ Ngoại giao, Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) đã giới thiệu mẫu giấy tờ này với các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam. Các cơ quan này đã tích cực vận động nước sở tại chính thức công nhận hộ chiếu vaccine của Việt Nam.
Đến nay, hộ chiếu vaccine của Việt Nam đã được 10 đối tác công nhận, bao gồm Nhật Bản, Mỹ, Anh, Australia, Ấn Độ, Belarus, Campuchia, Philippines, Palestine và Maldives. Việt Nam đang công nhận hộ chiếu vaccine hoặc giấy chứng nhận tạm thời của 79 quốc gia và vùng lãnh thổ đã giới thiệu chính thức đến Bộ Ngoại giao.
“Việc công nhận này sẽ là cơ sở để người ở nước ngoài nhập cảnh Việt Nam từ 79 nơi này có thể giảm bớt thời gian cách ly tập trung xuống còn 3 ngày; đồng thời rút ngắn thời gian cách ly cho người đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 hoặc đã khỏi COVID-19”, Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết thêm.
Cũng theo Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng, từ ngày 1/1/2022, Việt Nam đã nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ với 8 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hiện, Cục Hàng không Việt Nam đang tiến hành trao đổi, đàm phán với các đối tác để có thể mở các đường bay tiếp theo đến Australia và châu Âu, từ đó người Việt Nam ở nước ngoài có thể chủ động lên kế hoạch về nước.
“Mới đây nhất, ngày 18/1, trên cơ sở ý kiến của Bộ Ngoại giao và Bộ Công an, Chính phủ đã đồng ý với việc người Việt Nam định cư ở nước ngoài và thân nhân chỉ cần có giấy miễn thị thực còn giá trị, kể cả được cấp từ trước khi xảy ra đại dịch là được giải quyết nhập cảnh, không phải làm thủ tục kiểm tra nhân sự cấp thị thực, giấy miễn thị thực, không cần xin phê duyệt chủ trương nhập cảnh của bộ, ngành, địa phương. Tôi cho rằng đây là một chủ trương rất đúng đắn, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho kiều bào, nhân dân được về nước”, Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng khẳng định.
Cũng theo Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao, trước và sau khi nhập cảnh, người nhập cảnh phải tuân thủ các hướng dẫn của Bộ Y tế đối với người nhập cảnh, trong đó có các yêu cầu về tiêm chủng, xét nghiệm, khai báo y tế, theo dõi sức khỏe.
* Tạo điều kiện cho người dân về quê ăn Tết
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký Công điện số 64/CĐ-TTg ngày 19/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy nhanh hoàn thành tiêm vaccine phòng COVID-19; bảo đảm an toàn, hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong dịp Tết Nhâm Dần 2022.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19; Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, triển khai “Thần tốc” và “Thần tốc hơn nữa” trong việc tổ chức việc tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên và mũi 2 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi.
Đặc biệt chú ý tổ chức tiêm an toàn, thuận lợi cho những người có nguy cơ cao; thực hiện nghiêm Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ và Hướng dẫn của Bộ Y tế trong việc quy định và tổ chức thực hiện các biện pháp y tế, hành chính liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh, đi lại của người dân bảo đảm tính khoa học, thống nhất trong công tác phòng, chống dịch; không đặt ra những quy định về phòng, chống dịch trái với hướng dẫn, quy định của Bộ Y tế, của Chính phủ, gây khó khăn không cần thiết cho người dân, nhất là trong dịp về quê ăn Tết Nguyên đán Nhâm Dần.
Bộ trưởng Bộ Y tế căn cứ tình hình, dự báo dịch bệnh, tham khảo kinh nghiệm thế giới và khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, kịp thời hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với tình hình thực tiễn; bảo đảm phân bổ đầy đủ, kịp thời vaccine phòng COVID-19 cho các địa phương để hoàn thành mục tiêu, kế hoạch tiêm phòng đã đề ra; đảm bảo đủ thuốc và tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời các địa phương trong công tác điều trị, không để quá tải hệ thống y tế.
Các Bộ: Công an, Quốc phòng, Giao thông vận tải, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ quan liên quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tăng cường các công tác phòng, chống dịch bệnh; đặc biệt công tác hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch an toàn, khoa học trong thời gian trước, trong và sau Tết; chú ý phối hợp với các đoàn thể, doanh nghiệp, cơ quan thông tin để tuyên truyền, vận động toàn xã hội cùng tham gia để đảm bảo Tết an toàn, lành mạnh, ấm cúng và trở lại lao động sau Tết vui khỏe, kiểm soát an toàn, thích ứng linh hoạt, phục hồi, phát triển nhanh, bền vững.
Ngày 22/1, Bộ Y tế đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong nước về quê nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Cụ thể, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo triển khai các nội dung nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Các địa phương hướng dẫn người dân về quê nhân dịp Tết Nguyên đán thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 gồm thực hiện 5K, tự theo dõi sức khỏe, không phải cách ly y tế; nếu có biểu hiện nghi ngờ mắc COVID-19 như sốt, ho, khó thở... thì hạn chế tiếp xúc và hạn chế đi lại, thông báo ngay cho y tế địa phương để được hướng dẫn, xét nghiệm SARS-COV-2 và xử trí theo quy định; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng quy định; kịp thời chấn chỉnh việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch không phù hợp.
Trước đó, ngày 17/1, Bộ Y tế cũng đã có công văn gửi Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố về việc chấn chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch không phù hợp. Tại văn bản này, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc tỉnh, thành phố tiến hành kiểm tra, xác minh hoặc điều tra để làm rõ nội dung thông tin báo chí nêu. Nếu có vi phạm yêu cầu xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật hoặc chuyển ngay hồ sơ đến cơ quan Công an để xem xét, xử lý.
Bên cạnh đó, các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng quy định; kịp thời chấn chỉnh việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch không phù hợp, kiên quyết không để xảy ra các hành vi vi phạm trong công tác phòng, chống dịch.
* Sớm phát hiện, điều trị di chứng hậu COVID-19
Theo thống kê của Hội Đông Y Thành phố Hồ Chí Minh, trong đợt dịch thứ 4 vừa qua, hơn 80% số bệnh nhân mắc COVID-19 đều có hội chứng hậu COVID-19. Đặc biệt, một số trường hợp có hiện tượng bị xơ phổi có thể phục hồi được mất dần theo thời gian hoặc kéo dài vài tháng và cũng có thể trở thành xơ hóa vĩnh viễn. Nhìn chung, các hội chứng hậu COVID-19 xuất hiện khi bệnh nhân nằm viện từ 3-6 tháng sau khi bệnh nhân âm tính trở lại, hoặc điều trị tại nhà.
Trong bối cảnh ghi nhận nhiều bệnh nhân có di chứng tim, phổi, rối loạn tâm thần sau khi mắc COVID-19, nhiều bệnh viện tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đã thành lập khoa điều trị hậu COVID-19 nhằm chăm sóc, khôi phục sức khỏe và tinh thần cho những bệnh nhân đã điều trị khỏi COVID-19 như Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, Bệnh viện Phục hồi chức năng, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19, quận Hoàng Mai, Hà Nội…
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, để phát hiện sớm tình trạng mắc di chứng hậu COVID-19, bệnh nhân sau khi xuất viện và có kết quả âm tính cần quay lại cơ sở y tế để tái khám trong khoảng thời gian từ 2-4 tuần để kiểm tra định kỳ xét nghiệm, thực hiện chụp X-quang chuyên sâu tim để đánh giá tổng quát, tầm soát.
Theo đó, tình trạng hậu COVID-19 xảy ra ở những người có tiền sử nhiễm SARS-CoV-2, thường là 3 tháng kể từ khi bắt đầu mắc COVID-19 với các triệu chứng và kéo dài ít nhất 2 tháng mà không thể giải thích bằng chẩn đoán thay thế.
Tình trạng này có thể khiến sức khỏe con người bị suy giảm kéo dài, có tác động nghiêm trọng đến khả năng quay trở lại làm việc hoặc tham gia cuộc sống xã hội của người bị mắc COVID-19. Họ bị ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và có thể gây ra những hậu quả kinh tế đáng kể cho bản thân, cho gia đình và cho xã hội.
WHO ước tính có từ 10 - 20% số bệnh nhân mắc COVID-19 trải qua các triệu chứng kéo dài trong nhiều tháng sau khi mắc bệnh.
TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất