18/09/2013 13:46 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Sân khấu Hà Nội vừa qua một tuần náo nức vì Liên hoan các vở diễn của tác giả Lưu Quang Vũ. Cuộc sống vẫn trôi về phía trước, con người thường ước mơ tương lai. Nhưng hơn lúc nào hết, giới nghệ sĩ và công chúng yêu sân khấu, đang khát khao “ngày xưa” trở lại.
1. Cả sân khấu và điện ảnh Việt Nam lúc này đều giảm sút khán giả. Có nhiều giả thuyết về nguyên nhân, căn bản nhất là thiếu kịch bản chất lượng, thiếu tác giả tài năng, tâm huyết với đề tài đương đại, hay lắm loại hình giải trí làm công chúng bão hòa…
10 năm viết kịch, 10 năm bùng phát thăng hoa một tài năng, cũng là 10 năm cuối cùng của đời Lưu Quang Vũ, ông đã sáng tác 53 vở kịch, chưa kể thơ, truyện, bài báo. Những năm ấy, kịch Lưu Quang Vũ nuôi sống mấy chục đoàn từ Bắc vào Nam, hàng trăm nghệ sĩ trưởng thành, làm nên sự nghiệp bằng các vai trong những vở kịch của ông. Ngày nay, khi một phần không nhỏ giới sân khấu, nghệ sĩ gắn bó lâu năm, có tên tuổi tiếng tăm cũng tỏ ra chán nản, bi quan về thực trạng sân khấu nước nhà, thì Lưu Quang Vũ trở lại. Kịch của ông vẫn cuốn hút, ấn tượng, day dứt, cộng hưởng bằng mãnh lực không thể chối từ.
Nhộn nhịp chen chúc đến rạp, xem kịch Lưu Quang Vũ, có thể là người đã xem nay xem lại, một số nghe tên vở nhưng chưa thưởng thức và một phần chưa hề xem mà bị cuốn vào “sóng từ trường” của một huyền thoại. Lúc Lưu Quang Vũ phát sáng tài năng cũng là thời hoàng kim của sân khấu Việt Nam, thời người ta mê phim, kịch hơn bây giờ bội lần, dù quay quắt từng bữa vì cơm áo.
Chen chúc xem kịch trong liên hoan, rất đông là diễn viên các đoàn - một cảnh hiếm có. Hẳn trong tâm trí số đông người yêu sân khấu, thầm ước giá như giờ đây sân khấu thường xuyên có cảnh tượng này.
Tối 13/9, vở Hồn Trương Ba da hàng thịt do Nhà hát Kịch Việt Nam diễn. Hai tầng rạp hơn 600 ghế, đã chật kín 40 phút trước lúc mở màn. Mọi ghế gấp, ghế gỗ huy động không bõ bèn gì, khán giả ngồi kín lối đi. Rạp chật cứng mà tuyệt nhiên không ai bỏ về. Xem rồi xem lại, biết cốt truyện rồi vẫn thích thú theo dõi vì mỗi nhà hát, mỗi đạo diễn có cách xử lý khác nhau... Xem và cười và khóc, những lời bình luận đắc ý, khoan khoái.
2. Lưu Quang Vũ là thi sĩ bẩm chất, bởi vậy, kịch của ông vững về chất văn học. Sự nhạy cảm cộng độ nhạy bén của nghệ sĩ mẫn tuệ, dũng cảm, luôn có khát vọng muốn xã hội bớt éo le, khổ đau, nghịch cảnh, hướng tới công bằng, lẽ phải, dồn vào ngòi bút cương trực và dào dạt yêu thương.
Kịch Lưu Quang Vũ hấp dẫn còn bởi tính hài hước mà sâu sắc trong lời thoại và cảnh huống như trong các vở: Ông không phai là bố tôi, Hồn Trương Ba da hàng thịt…
Trong kịch Lưu Quang Vũ còn có nhiều dự báo đối với nhiều nghề nghiệp, lứa tuổi. Những tràng pháo tay giòn giã nhiều lần của khán giả hôm nay xem kịch Lưu Quang Vũ, không chỉ vì ông nói trúng, nói đúng, mà do ông đã nói hộ nhiều số phận con người, nhiều cuộc đời.
Lưu Quang Vũ đã qua đời nhưng tên tuổi và tác phẩm của ông vẫn đang sống trong đời. Liên hoan vừa qua cho thấy Lưu Quang Vũ trở lại, đẹp đẽ, mạnh mẽ, cho những đồng nghiệp, bạn bè, các lứa nghệ sĩ sân khấu và hàng vạn khán giả bao hy vọng. Hy vọng vào nghệ thuật sân khấu lấy lại vị thế của mình, hy vọng vào những thông điệp mà tác giả gửi gắm sẽ toại thành, hy vọng sân khấu và xã hội sẽ có những thay đổi tích cực, bổ trợ để phát triển lành mạnh, sôi động và nhân văn.
VI THÙY LINH
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất