Đã đến lúc "nói không" với tình trạng ép học thêm

17/02/2011 09:23 GMT+7 | Giáo dục

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định đã đến lúc phải nói không với dạy thêm mang tính cưỡng bức.


Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Khẳng định trên được Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đưa ra ngày 16/2, tại cuộc làm việc đầu Xuân Tân Mão với toàn thể cán bộ lãnh đạo chủ chốt các đơn vị trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo về triển khai nhiệm vụ công tác toàn ngành giáo dục năm 2011 và học kỳ II năm học 2010-2011.

Cũng liên quan tới vấn đề dạy thêm, học thêm, thu tiền thêm, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đặc biệt lưu ý Bộ Giáo dục và Đào tạo trên quan điểm, chủ trương không cấm nhưng phải dựa trên việc đáp ứng nhu cầu người học.

Đánh giá cao những kết quả mà ngành giáo dục đạt được trong thời gian vừa qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo phải làm rõ thêm một số vấn đề trọng tâm như việc triển khai chính sách học phí mới đi đôi với chính sách miễn giảm học phí và cho vay tín dụng cho sinh viên.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học, cao đẳng cần nhanh chóng triển khai các giải pháp đổi mới quản lý nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, cụ thể là khẩn trương quán triệt và triển khai nghiêm túc Chỉ thị số 296/CT-TTg ngày 27/2/2010 của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình hành động của Bộ về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012, trong đó việc đầu tiên là các cơ sở đào tạo phải công bố chuẩn đầu ra của mỗi ngành đào tạo và chiến lược phát triển của ngành ngay trong năm 2011 và Triển khai Quyết định số 239/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi giai đoạn 2010-2015.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng là vấn đề cấp bách, cần khẩn trương thực hiện.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng đề nghị ngành giáo dục đào tạo tiếp tục tăng cường, duy trì và giữ vững kỷ cương, nề nếp trong thi cử, đề cao việc học thật, thi thật, chất lượng thật...

Theo phương hướng công tác năm 2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bộ sẽ trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2011-2020”, “Xóa mù chữ giai đoạn 2011-2020”, xây dựng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa áp dụng sau năm 2015, phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú giai đoạn 2010-2015; hoàn thiện và triển khai Đề án quy hoạch nguồn nhân lực của ngành giáo dục...

Bên cạnh đó, bộ cũng tập trung triển khai có hiệu quả các đề án đã được phê duyệt như Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2010-2015; Đề án phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010-2020; Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020; Đề án đào tạo đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng (đại học, cao đẳng) từ nay đến năm 2020; Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012; Đề án phát triển giáo dục ở 62 huyện nghèo; Đề án thiết bị dạy học tự làm của giáo dục mầm non và phổ thông giai đoạn 2010-2015.

Với chủ đề năm học là tiếp tục đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục, học kỳ I năm học 2010-2011, hệ thống, quy mô, mạng lưới giáo dục đào tạo tiếp tục được mở rộng với tổng số 28.559 trường phổ thông (tăng 121 trường), 504.231 lớp (tăng 19.524 lớp).

Tổng số học sinh là 14.856.933 (giảm 143.519 em, chủ yếu giảm ở cấp THCS); tổng số giáo viên trực tiếp dạy là 820.843 (tăng 15.331 người). Tỷ lệ học sinh bỏ học nhìn chung giảm so với cùng kỳ năm học trước, việc giúp đỡ học sinh yếu kém được quan tâm hơn nhờ sự nỗ lực của các nhà trường, các thầy cô giáo, đặc biệt sự quan tâm phối hợp của các tổ chức, đoàn thể, của cha mẹ học sinh.

Vấn đề đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục ở các cấp học tiếp tục được thực hiện nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Việc nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ được tập trung chỉ đạo; giáo dục đạo đức, pháp luật, lý tưởng cho học sinh, sinh viên tiếp tục được chú trọng. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hoàn thành việc biên soạn bộ tài liệu Hướng dẫn tích hợp nội dung cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” vào giảng dạy trong một số môn học chính khóa và các hoạt động ngoại khóa ở các cấp học...

Đề án dạy ngoại ngữ giai đoạn 2010-2020 được triển khai thông qua nhiều hoạt động cụ thể như xây dựng chương trình tiếng Anh tiểu học mới; biên soạn sách giáo khoa, cung ứng thiết bị dạy học lớp 3, tập huấn cho gần 5.000 lượt giáo viên cốt cán tiếng Anh trên phạm vi cả nước. Đã có 92 trường trên 18 tỉnh dạy học tiếng Anh lớp 3 theo chương trình mới. Đang biên soạn chương trình mới về đào tạo giáo viên tiếng Anh bậc tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết một số những hạn chế còn tồn tại. Đó là, việc quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường lớp ở một số địa phương còn hạn chế; cơ sở vật chất, phòng học thiếu; chất lượng chăm sóc giáo dục mầm non chưa đồng đều giữa các vùng miền. Đào tạo đại học, cao đẳng hệ không chính quy của nhiều trường còn mất cân đối về cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo và hình thức đào tạo; hoạt động liên kết đào tạo có nơi chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Đội ngũ giáo viên ở một số địa phương còn thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng, đời sống giáo viên ngoài biên chế còn gặp nhiều khó khăn. Tình trạng học sinh đánh nhau còn xảy ra ở một số địa phương; còn hiện tượng vi phạm qui định về nhà giáo; tình trạng khiếu nại vượt cấp; giáo viên phản ánh không đúng tình hình và kết quả hoạt động giáo dục với báo chí, gây nhiễu thông tin. Tình trạng ép buộc học sinh học thêm dưới danh nghĩa tự nguyện ở một vài nơi vẫn chưa được khắc phục...

Tại buổi làm việc, Bộ Giáo dục Đào tạo kiến nghị với Chính phủ cần có chính sách đầu tư để tăng nhanh số lượng trường, quy mô học sinh học nghề và trung cấp chuyên nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bên cạnh đó cần sớm ban hành chế độ phụ cấp thâm niên nghề cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục trong ngành giáo dục, xem xét và trình Quốc hội ban hành chính sách về lương đặc thù cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục…

Theo TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm