22/07/2025 12:14 GMT+7 | Tin tức 24h
Bão số 3 đã đổ bộ đất liền Hưng Yên-Ninh Bình. Dự báo khu vực Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có mưa to đến rất to và dông, tổng lượng mưa phổ biến 200-350 mm, có nơi trên 600mm.
Trong khi hoàn lưu bão tiếp tục gây mưa lớn kéo dài, nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ đang hiện hữu tại nhiều địa phương. Do đó, người dân cần tuân thủ mọi khuyến cáo và chủ động các biện pháp phòng tránh để giảm thiểu tối đa thiệt hại.
Cây xanh bị đổ trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Phố Hiến (Hưng Yên). Ảnh: Đinh Văn Nhiều-TTXVN
Thủ tướng ban hành hai công điện chỉ đạo toàn quốc
Trước diễn biến phức tạp và nguy hiểm của bão số 3 - Wipha, Thủ tướng Chính phủ đã liên tiếp ban hành hai công điện chỉ đạo toàn quốc tập trung ứng phó:
Công điện số 112/CĐ-TTg ngày 19/7/2025: yêu cầu các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi, khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tổ chức rà soát, chuẩn bị sẵn sàng phương án sơ tán dân cư khỏi khu vực nguy hiểm, đặc biệt là các vùng ven biển, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu; đảm bảo an toàn cho người, tàu thuyền, công trình, hồ đập, đê điều, hệ thống điện, viễn thông và sản xuất nông nghiệp, theo đúng phương châm "bốn tại chỗ".
Hiện trạng kè biển xã Hải Xuân (Ninh Bình). Ảnh: Thái Thuần - TTXVN
Công điện số 117/CĐ-TTg ngày 20/7/2025: tiếp tục nhấn mạnh tinh thần khẩn trương nhất, quyết liệt nhất, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương trong vùng ảnh hưởng của bão triển khai kịp thời các biện pháp ứng phó, tập trung đảm bảo an toàn cho các hoạt động trên biển và đất liền, kiểm soát giao thông trong bão, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng bị động, bất ngờ, gây thiệt hại về người và tài sản của Nhân dân và Nhà nước.
Các địa phương đồng loạt triển khai kế hoạch ứng phó
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi đã đồng loạt triển khai kế hoạch ứng phó cấp độ cao nhất, huy động toàn bộ lực lượng, phương tiện, vật tư theo phương châm "bốn tại chỗ".
Các địa phương ven biển như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An... đã tập trung rà soát, kiểm đếm, hướng dẫn hàng chục nghìn tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch khẩn trương vào bờ hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm. Các lồng bè nuôi trồng thủy sản cũng được gia cố hoặc sơ tán kịp thời, không để người dân lưu trú trên biển khi bão đổ bộ.
Tuyến đường Phan Chu Trinh, phường Hạc Thành, tỉnh Thanh Hóa (trước quảng trường Lam Sơn) bị ngập sâu. Ảnh: Việt Hoàng – TTXVN
Hàng nghìn hộ dân tại các khu vực ven biển, cửa sông và vùng có nguy cơ ngập sâu đã được sơ tán khẩn cấp đến nơi an toàn. Các địa phương bố trí chỗ ở tạm, lương thực, nước sạch, thuốc men và lực lượng y tế sẵn sàng để hỗ trợ người dân trong những ngày bão lũ. Công tác sơ tán được thực hiện theo nguyên tắc ưu tiên bảo vệ người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và người khuyết tật.
Chính quyền các địa phương đã triển khai lực lượng gia cố các tuyến đê, hồ chứa trọng yếu như đê sông Mã, sông Đáy, hồ Khe Gỗ, hồ Sông Sào. Đồng thời, phương án xả lũ điều tiết được chuẩn bị sẵn sàng để bảo vệ an toàn cho hạ du.
Tại khu vực miền núi phía Bắc như Sơn La, Phú Thọ… nhiều điểm có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét đã được khoanh vùng cảnh báo. Chính quyền địa phương tổ chức lực lượng canh gác, tuần tra liên tục tại các tuyến đường đèo, đường tràn, cầu yếu. Người dân tại các khu vực nguy hiểm được hướng dẫn sơ tán sớm.
Lực lượng chức năng xã Đông Cuông cắm biển cảnh báo nguy cơ ngập lụt trong đêm 21/7/2025. Ảnh: TTXVN phát
Quân đội, công an, biên phòng và các lực lượng bán chuyên trách được điều động tăng cường
Bên cạnh lực lượng tại chỗ, quân đội, công an, biên phòng và các lực lượng bán chuyên trách đã được điều động tăng cường cho các vùng trọng điểm.
Ngày 21/7, theo thông tin từ Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia, để ứng phó với bão số 3 (Wipha), Bộ Quốc phòng đã huy động 346.210 cán bộ, chiến sĩ (bộ đội 114.120 người; dân quân 232.090 người) cùng 8.200 phương tiện các loại (5.061 ô tô; 216 tàu; 2.295 xuồng, ca nô; 623 xe đặc chủng; 5 máy bay)
Hàng nghìn phương tiện chuyên dụng như xuồng cao tốc, xe tải quân sự, máy phát điện, thiết bị thông tin liên lạc... đã được đưa đến các địa bàn xung yếu để sẵn sàng hỗ trợ khi cần thiết. Bộ Quốc phòng đã huy động 346.210 cán bộ, chiến sĩ cùng 8.200 phương tiện các loại (ô tô, tàu, xuồng, ca nô, xe đặc chủng và 5 máy bay) để ứng phó với bão.
Các bộ, ngành ban hành kế hoạch chi tiết
Các bộ, ngành, như Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công Thương, EVN cũng đã ban hành kế hoạch chi tiết bảo đảm an toàn hệ thống y tế, giao thông huyết mạch, lưới điện quốc gia và chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu trong thời điểm mưa bão hoành hành.
Đội quản lý điện khu vực Hải Dương (Công ty Điện lực Hải Phòng) lắp đặt thiết bị chống sét cho hệ thống cột và dây điện ngày 20/7. Ảnh: Mạnh Tú - TTXVN
Các cơ quan truyền thông tăng cường thời lượng tin tức, hướng dẫn các biện pháp ứng phó
Các cơ quan truyền thông quốc gia như VTV, VOV, TTXVN, báo Nhân Dân... cũng đã tăng cường thời lượng tin tức, hướng dẫn người dân các biện pháp ứng phó, đồng thời phản ánh liên tục tình hình thực tế tại hiện trường, giúp người dân nắm bắt diễn biến thời tiết và chủ động bảo vệ tính mạng, tài sản.
Tinh thần chỉ đạo xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương là: bảo vệ an toàn tính mạng Nhân dân là nhiệm vụ cao nhất, lên sẵn mọi kịch bản và sẵn sàng kích hoạt khi cần.
Hướng dẫn kỹ năng ứng phó với bão số 3 và mưa lũ sau bão
Khuyến cáo khẩn đối với người dân
Cần nhận thức rõ rằng: bão dù đã đổ bộ nhưng hoàn lưu sau bão mới là nguyên nhân chính gây mưa lớn, ngập sâu, sạt lở và thiệt hại kéo dài, nhất là tại các vùng núi, vùng thấp trũng, ven sông, ven biển. Do đó:
- Người dân tại khu vực có nguy cơ cao cần theo dõi sát các bản tin thời tiết chính thống từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, các phương tiện truyền thông và hệ thống loa truyền thanh cơ sở. Khi có cảnh báo sơ tán, cần tuân thủ ngay hướng dẫn của chính quyền, không cố nán lại trong nhà hoặc trông coi tài sản tại khu vực nguy hiểm.
- Tại khu vực đồng bằng và ven biển, người dân cần chủ động kê cao tài sản, di chuyển vật dụng dễ hư hỏng ra khỏi vùng thấp trũng, tránh xa các ao hồ, trạm điện, khu vực có nguy cơ ngập sâu, sập mái, đổ cây. Không tự ý di chuyển qua ngầm tràn, suối sâu, khi mưa lớn, nước chảy xiết. Nếu buộc phải lưu thông, cần có đèn pin, phao cứu sinh, áo mưa và tuyệt đối tuân thủ chỉ dẫn của lực lượng chức năng.
Các gia đình cần dự trữ nước sạch, lương thực khô, pin, đèn, sạc dự phòng và thuốc men trong ít nhất 3-5 ngày. Người dân trong vùng có cảnh báo mất điện diện rộng cần sẵn sàng sử dụng các phương án chiếu sáng và thông tin thay thế. Trẻ nhỏ không nên tắm mưa, chơi ở bãi sông hay khu vực đang úng nước.
- Đối với tàu thuyền nhỏ, thuyền câu, ghe cá, bè nổi, lồng nuôi thủy sản, tuyệt đối không được ra khơi, kể cả sau khi bão tan nếu chưa có thông báo chính thức của cơ quan chức năng. Các hoạt động đánh bắt gần bờ cũng nên tạm ngưng cho đến khi sóng biển ổn định trở lại. Trường hợp neo đậu tại bến, cần buộc chắc, có người trông giữ và sẵn sàng ứng phó khi nước dâng bất thường.
- Đối với công nhân, người lao động làm việc ngoài trời, trên cao hoặc tại công trình hở cần tạm dừng hoạt động trong thời điểm mưa to, gió lớn. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong vùng ảnh hưởng bão cần rà soát phương án bảo vệ máy móc, kho hàng, đồng thời đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người lao động.
Quyền Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Đức Thắng (ở giữa) nghe báo cáo tình hình phòng, chống bão số 3 trên tuyến đê kè Hải Thịnh 2, xã Hải Thịnh (tỉnh Ninh Bình) ngày 21/7. Ảnh: Nguyễn Lành - TTXVN
- Tại các khu vực miền núi như phía Tây Thanh Hóa, Nghệ An, phía Nam Sơn La, Nam Phú Thọ… nơi có địa hình dốc, địa chất yếu, người dân cần đặc biệt đề phòng lũ quét, sạt lở đất và trượt núi, kể cả trong những ngày trời hửng nắng sau bão. Nhiều vụ sạt lở nghiêm trọng thường xảy ra sau 12-48 giờ mưa lớn do kết cấu đất đá bị bão bào mòn. Chính quyền khuyến cáo người dân không nên ngủ lại trong các ngôi nhà tạm, nhà sàn sát vách núi hay gần lòng suối trong vài ngày tới.
- Những hộ dân sống gần đê, kè, suối, taluy, cần thường xuyên quan sát và kịp thời báo cho lực lượng chức năng khi phát hiện dấu hiệu bất thường như nứt đất, sạt mái, nước chảy xiết, âm thanh lạ từ lòng đất, để được ứng cứu kịp thời. Việc chủ động thông tin, cảnh giác và tuân thủ hướng dẫn chính là "tấm khiên an toàn" đầu tiên giúp người dân vượt qua thiên tai.
-Người dân trong vùng ngập úng cần chủ động phòng chống dịch bệnh sau bão, đặc biệt là các bệnh về đường ruột, nước ăn chân, sốt xuất huyết, cúm mùa... Cần sử dụng nước đun sôi, thức ăn nấu chín kỹ, và vệ sinh môi trường xung quanh sạch sẽ. Trong trường hợp khẩn cấp, người dân có thể gọi đến các số điện thoại trực chiến của chính quyền địa phương, y tế xã/phường hoặc các tổ dân phố đã được thông báo trước đó.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất