25/09/2019 08:25 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Mặc dù công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long thời gian qua được quan tâm thực hiện, song hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn. Vấn đề kinh phí trùng tu, nhân sự làm công tác bảo tồn, giải pháp để phát huy tốt nhất giá trị di tích vẫn đang là bài toán đặt ra đối với ngành chức năng của tỉnh.
Công tác bảo tồn di tích còn nhiều khó khăn
Huyện Long Hồ (tỉnh Vĩnh Long) hiện có 2 di tích cấp quốc gia và 7 di tích cấp tỉnh. Hằng năm, các di tích đón hơn 79.000 lượt khách tham quan. Từ năm 2014 - 2018, huyện đã được đầu tư gần 7,5 tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo các di tích.
Tuy nhiên, hiện nay, huyện không được phân bổ kinh phí cho trùng tu, tôn tạo các di tích (chủ yếu phụ thuộc kinh phí của cấp tỉnh phân bổ), trong khi số di tích cần được trùng tu, tôn tạo khá nhiều nên công tác này rất khó khăn. Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Long Hồ Võ Trung Sơn cho biết: “Trên địa bàn hiện có nhiều di tích đang xuống cấp, chờ tu bổ. Điển hình như Đình Kỳ Hà (xã Phú Đức) đã được công nhận di tích cấp tỉnh vào năm 2000, đến nay, đình đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng chưa được cấp kinh phí. Ngoài ra, huyện cũng còn nhiều di tích có giá trị lịch sử nhưng chưa được xếp hạng đang xuống cấp. Nếu kéo dài, có nguy cơ không thể giữ được các nét kiến trúc vốn có của di tích”.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long, khó khăn về kinh phí trùng tu các di tích lịch sử, văn hóa đang là vấn đề chung của cả tỉnh. Trong những năm qua, từ chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, chương trình mục tiêu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngân sách tỉnh và xã hội hóa..., tỉnh đã đầu tư chống xuống cấp, cải tạo, sửa chữa nhiều di tích. Tuy nhiên, hiện tại, các chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa không còn, chương trình mục tiêu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp rất ít. Do đó, có những năm, tỉnh chỉ thực hiện công tác này bằng nguồn kinh phí của ngân sách địa phương nên không đáp ứng được nhu cầu. Một số di tích được trùng tu nhưng mang tính chắp vá. Ngoài ra, công tác trùng tu, tôn tạo để bảo tồn các cái di tích lịch sử, văn hóa còn chậm do vướng nhiều thủ tục, đội ngũ làm công tác tư vấn trùng tu, tôn tạo di tích của tỉnh còn hạn chế.
Công tác quản lý tại các di tích cũng đang gặp nhiều khó khăn, sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và ngành văn hóa chưa chặt chẽ do chưa có quy chế phân cấp quản lý di tích. Toàn tỉnh Vĩnh Long hiện có 59 di tích xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa nhưng chỉ mới thành lập được 43 ban quản lý, còn lại 16 di tích chưa thành lập ban quản lý. Hầu hết các địa phương đều thiếu cán bộ làm công tác quản lý di tích, thiếu lực lượng kế thừa, am hiểu kiến thức về di tích... Trưởng Ban Quản lý Di tích Văn Thánh Miếu Trần Văn Viễn cho biết: "Các thành viên trong Ban Quản lý hầu hết đều lớn tuổi nên hoạt động gặp nhiều khó khăn, nhất là trong việc quảng bá lịch sử, giá trị của di tích đến với du khách. Ngoài ra, do Ban Quản lý chủ yếu hoạt động tự nguyện, không có thù lao nên một số thành viên lơ là, ảnh hưởng đến hoạt động chung".
Cùng với đó, hiện tỉnh còn trên 600 di tích phổ thông. Việc nghiên cứu lập hồ sơ xếp hạng di tích còn nhiều khó khăn do thiếu nhân chứng lịch sử, sử sách chính thống không có ghi chép nên không thể xếp hạng và trùng tu di tích. Ngoài ra, tại một số địa phương vẫn còn tình trạng xâm phạm di tích; một số lễ hội còn đơn điệu, thiếu nghi thức truyền thống, thiếu tính hấp dẫn du khách đến tham quan.
Liên kết trong bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa
Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Long Phan Văn Giàu, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa là nhiệm vụ của chính quyền các cấp và của mỗi người dân. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác này, trong thời gian tới, ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn. Đồng thời, ngành tăng cường liên kết, phối hợp với các ngành có liên quan, các địa phương để tuyên truyền đến người dân ý thức thực hiện việc bảo tồn và phát huy giá trị các di tích.
Bên cạnh đó, ngành văn hóa phối hợp với các địa phương thường xuyên khảo sát các di tích để kịp thời lập hồ sơ đề nghị xếp hạng đối với các di tích đủ điều kiện; kịp thời khảo sát, xây dựng kế hoạch để bố trí kinh phí thực hiện công tác trùng tu, tôn tạo đối với các di tích đã xếp hạng bị xuống cấp; phát hiện và có giải pháp thực hiện trùng tu, sủa chữa đối với các di tích chưa được xếp hạng đã xuống cấp; kiểm tra và xử lý các trường hợp xâm chiếm di tích. Mặt khác, ngành tăng cường huy động các nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là kinh phí từ xã hội hóa, huy động nguồn lực từ nhân dân để thực hiện tốt công tác bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa của địa phương.
Ông Phan Văn Giàu cũng cho biết, Nghị quyết của Tỉnh ủy Vĩnh Long về phát triển du lịch giai đoạn 2015-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 định hướng đưa du lịch Vĩnh Long trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Một trong các giải pháp để thực hiện đạt Nghị quyết này là tập trung đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đặc thù mà Vĩnh Long có thế mạnh, trong đó có du lịch gắn tham quan tìm hiểu các công trình văn hóa trọng điểm trên địa bàn. Trong thời gian tới, ngành tiếp tục đẩy mạnh gắn kết giữa phát huy giá trị di tích với phát triển du lịch và xây dựng các lễ hội.
Ngành tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp du lịch để xây dựng các tour, tuyến du lịch gắn với những di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu trên địa bàn, đa dạng hóa các hình thức giới thiệu, quảng bá hình ảnh di tích đến với du khách như: Đưa khách tham quan di tích, du lịch tại các nhà cổ... Song song đó, ngành hướng đến xây dựng và nâng cao chất lượng của các lễ hội tiêu biểu gắn với từng di tích để thu hút du khách đến tham quan, tìm hiểu các giá trị văn hóa, lịch sử của di tích.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Long nhấn mạnh, để thực hiện tốt công tác này, ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh tăng cường tập huấn, nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ hướng dẫn khách tham quan tại các điểm di tích về kỹ năng ứng xử và vốn ngoại ngữ để đáp ứng yêu cầu cho khách tham quan. Ngoài ra, ngành tăng cường kiểm tra để hạn chế tình trạng di tích xuống cấp hoặc những hình ảnh không đẹp về các di tích, lễ hội, gây ảnh hưởng thuần phong mỹ tục và làm xấu đi hình ảnh các di tích của tỉnh trong cách nhìn của du khách.
Lê Thúy Hằng/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất