22/10/2013 07:40 GMT+7 | Champions League
(giaidauscholar.com) - Barcelona đã thay đổi rất nhiều dưới thời Gerardo Martino, trong khi Milan vẫn giữ nguyên phong cách thời Massimilliano Allegri. Nhưng theo hướng tệ hơn.
Sự thay đổi của Barca có thể khiến họ bị đặt nghi vấn rằng bản sắc tiqui-taca đã bị đánh cắp, nhưng trong một trận đấu cụ thể trước Milan, nó có lợi cho họ.
Phai nhạt tiki-taka, phai nhạt Milan
Gam màu tiki-taka rực rỡ thời Pep Guardiola đã nhạt bớt thời Tata Martino. Tiki-taka không mất đi. Nhưng Barca không còn bám riết lấy nó một cách cực đoan như 4 năm thời Pep. Thời Pep, Barca chỉ tập trung chuyền bóng ngắn, đoạn tuyệt với sút xa và bóng dài. Martino khác: Sau 8 trận đầu La Liga thời ông, tổng số đường chuyền dài của Barca lến đến 283, tức trung bình 35,4 đường chuyền dài mỗi trận - con số cao bất thường. Trận gặp Vallecano, cự ly chuyền bóng trung bình của Barca là 20 mét, so với 18 mét của đối phương.
Trận thắng Rayo Vallecano chứng kiến sự thay đổi rõ rệt nhất trong cách chơi của Barca. Lần đầu tiên sau 5 năm, 317 trận, Barca kiểm soát bóng ít hơn đối phương (chỉ 46%). Tỉ lệ chuyền chính xác của họ cũng chỉ đạt 76%, chỉ chuyền chính xác 264 đường so với 342 của Vallecano - thấp kỷ lục. Nhưng họ vẫn thắng 4-1!
Barca rõ ràng thay đổi toàn diện khi thay HLV. Khác Milan, đội bước vào mùa thứ tư thời Max Allegri với sự quen thuộc đến nhàm chán về lối chơi. Đội bóng này vẫn dựa vào hàng tiền vệ cơ bắp chỉ có Montolivo phảng phất đôi chút nét nghệ sĩ. Lối chơi Milan vẫn thế, nhưng con người tệ hơn: Birsa, Kaka thay vì Balotelli, El Shaarawy. Hợp đồng lớn nhất của họ trong mùa hè, Alessandro Matri (11 triệu euro), chưa ghi nổi bàn nào dù liên tục đá chính.
Không phải "kinh điển"
Trận đấu của 11 cúp C1/Champions League lẽ ra là cuộc chạm trán kinh điển của bóng đá châu Âu, nhưng thời điểm này thì không phải vậy. Như đã nói, Barca được tăng cường lực lượng (Neymar - 57 triệu euro) và thay đổi lối chơi theo hướng đa dạng hơn, còn Milan giữ nguyên sự cũ kỹ của lối chơi và giảm chất về con người.
Ba năm qua, hai đội gặp nhau 6 trận, và thời Allegri, Milan gần như chỉ ghi bàn vào lưới Barca nhờ phản công hoặc bóng chết: Bàn của Alexandre Pato sau cú nước rút 24 giây mùa 2011-12. Bàn của Thiago Silva từ đánh đầu cũng trận ấy. Hai bàn của Muntari và Boateng mùa trước...
Khi Niang sút trúng cột dọc trận lượt về vòng 1/8 Champions League mùa trước, bỏ lỡ cơ hội từ pha phản công, Milan không còn cơ hội thắng Barca. Barca dễ dàng đè bẹp họ nhờ sự hơn hẳn về đẳng cấp từng cá nhân (Ambrosini ở đâu so với Messi?), và lối chơi nhuần nhuyễn hơn hẳn. Trận đêm nay, Milan sẽ vẫn chơi như thế: Phòng ngự phản công và tận dụng tối đa các pha bóng cố định.
Milan đã làm hoàn hảo trận thắng 2-0 mùa trước trong ngày sự cực đoan của tiki-taka (không sút xa, không dùng bóng bổng) bóp chết Barcelona, và Messi bị gọi là "trẻ lạc". Nhưng khi Barca đã thay đổi lối chơi thời Martino theo hướng trực diện và thực dụng hơn nhiều, cơ hội thành công của cách chơi phản công như Milan đã làm, giảm đi đáng kể.
Barca thực tế vẫn chống bóng bổng kém (thua 1 bàn trận gặp Sevilla) và dễ bị tổn thương khi phản công (thua 1 bàn cũng trận gặp Sevilla) nhưng Milan hiện không còn tốc độ của El Shaarawy; không còn Pazzini, Thiago Silva hay Ibrahimovic trong vòng cấm. Như đã nói, đẳng cấp con người Milan giảm sút quá khủng khiếp. Gần đây, họ chỉ ghi bàn từ sút xa (Birsa), phạt đền, hoặc may mắn (bàn của Muntari trận gặp Juventus)... Đấy không phải là giải pháp tấn công, mà chỉ là sự đối phó khi bế tắc và ít nhiều mang tính phiêu lưu.Đá trên sân khách, nhưng cửa thắng của Barca vẫn lớn hơn Milan nhiều. Hơn về đẳng cấp từng cá nhân, và sự... nhạt đi của tiqui-taca, sẽ là chìa khóa chiến thắng của Barca.
Đỗ Hiếu
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất