(giaidauscholar.com) - Như tựa đề loạt phim bom tấn Hollywood, La Masia vốn là thành trì của niềm tự hào Barcelona, đã từng bước sụp đổ danh tiếng theo cách như vậy.
“Nếu có thể, tôi muốn được như Athletic Bilbao kìa, tất cả đều trưởng thành từ một câu lạc bộ, các cầu thủ là một gia đình, và cùng nhau giành những danh hiệu, tôi ước được thấy cảnh tượng đó một lần nữa”, Phó Chủ tịch Barcelona Jordi Mestre cảm thán cách đây vài ngày, về tình cảnh của lò đào tạo La Masia hiện tại.
Tất cả là quá khứ
Thật ra, quá khứ lừng lẫy mà ông Mestre nhắc nhớ đấy không ở quá xa, chỉ mới 4 năm trước. Đội bóng xứ Catalunya khiến tất cả phải trầm trồ, khi cho ra sân nguyên đội hình 11 cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo của câu lạc bộ. Người ta gọi đó là cú sốc điện với phần còn lại của thế giới. Ở cấp độ thấp hơn, cách đây hai mùa Hè, HLV Luis Enrique còn cho 11 cầu thủ xuất thân từ La Masia đá giao hữu với Helsinki, như một sự cam kết với chính sách đào tạo trẻ của đội bóng.
Nhưng bổn phận của Barcelona trước tiên phải là vô địch mọi giải đấu, giành mọi danh hiệu có thể, và kéo dài sự thống trị của mình trên khía cạnh sân cỏ. Vì với 11 cầu thủ đá chính ở đội một mà cố HLV Tito Vilanova trình làng vào mùa Đông năm 2012 đấy, đội bóng xứ Catalunya lao dốc không phanh trong hai mùa liên tiếp, trước khi kịp sốc lại với những ngôi sao đẳng cấp như Luis Suarez hay Rakitic.
Không thể quá mơ mộng về một đội bóng có tính tiếp nối toàn diện từ đội trẻ cho tới đội một như vậy. Athletic Bilbao cũng là một ví dụ điển hình khác của sự bảo thủ trong bóng đá. Rõ ràng, người ta không thể phát triển tới đẳng cấp cao nhất, với những cầu thủ có chất lượng chỉ đáp ứng được khả năng chơi bóng ở mức trung bình khá. Và chắc hẳn, Barcelona không muốn trở thành một Bilbao theo cách như vậy.
“Chúng ta từng có một thế hệ những cầu thủ xuất chúng, nhưng không phải lúc nào cũng có những cầu thủ tạo ra lịch sử như vậy, chúng ta cần phải đối mặt với điều đó”, ông Jordi Mestre nhìn thẳng vào vấn đề hiện tại.
Khi Digne, Umtiti và Denis Suarez bước qua cánh cổng sân Camp Nou, họ đã đóng lại cánh cửa với những tài năng trẻ khác của La Masia...
Nhưng có quá ít tài năng trẻ từ La Masia được lên đội một, trong khi có quá nhiều người khác rời bỏ Barcelona, lại là sự nhức nhối với tất cả những ai yêu mến và là một phần của đội bóng xứ Catalunya. La Masia bị loại ra khỏi cuộc chơi khắc nghiệt của danh tiếng, mà chính Barcelona đã tạo ra và theo đuổi bằng chính sách mua sắm cấp tập trong ba mùa Hè dưới thời HLV Luis Enrique.
Tìm đâu lối thoát?
La Masia giống như đứa con bị ghẻ lạnh và lạc lối ở thời điểm này. Nhưng liệu chất lượng các cầu thủ trẻ có phải là vấn đề lớn nhất với Barcelona, chính sách phát triển của đội bóng xứ Catalunya hay triết lý chơi bóng, mới là nút thắt không thể giải quyết?
Quay trở lại với nguyên tắc đào tạo cơ bản của La Masia, đó là kiểm soát bóng, gây áp lực và tấn công. La Masia được hưởng lợi với Pep Guardiola, người yêu thích kiểm soát trận đấu bằng mạng lưới những đường chuyền bóng, cũng như di chuyển vị trí liên tục. Tất cả những tài năng trẻ phù hợp với triết lý đó, đều có cơ hội để chứng tỏ giá trị của mình.
Báo chí Anh và Tây Ban Nha khẳng định Pedro Rodriguez đã ở rất gần Man United. Nếu cầu thủ chạy cánh 28 tuổi rời đi, đó sẽ là một tổn thất đáng kể cho Barcelona.
Nhưng dưới thời HLV Luis Enrique, chuyền bóng không phải là lẽ sống, mà chiến thắng theo cách nhanh nhất, đơn giản nhất mới là bí quyết tối thượng. Phong cách chơi bóng của Barcelona hiện tại không còn đất diễn cho những cầu thủ kiểu như Halilovic hay Thiago Alcantara nữa. Nhưng lại dễ dàng dung nạp những người như Arda Turan, Andre Gomes hay Denis Suarez. Người ta gọi đó là sự xung đột giữa triết lý xuyên suốt của đội bóng và danh hiệu, xung đột giữa lý tưởng của đội một và giá trị khởi nguồn của La Masia, dưới bàn tay Luis Enrique.
Trần Dũng
Thể thao & Văn hóa