18/05/2015 06:33 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Bằng trận thắng 1-0 trước Atletico Madrid ở vòng áp chót, mà công lớn lại thuộc về Leo Messi, Barcelona đã chính thức trở thành tân vương của Liga mùa bóng 2014-15, bất chấp cú hat-trick của Cristiano Ronaldo và nỗ lực tuyệt vời của Real Madrid trong chiến thắng 4-1 trước Espanyol trong trận đấu cùng giờ.
“Gã khổng lồ xứ Catalunya” không chỉ đã trả xong món nợ bị Atletico Madrid "cướp" mất chức vô địch Liga ở trận cuối cùng của mùa bóng trước, mà còn chinh phục danh hiệu đầu tiên trong nỗ lực làm một cú ăn ba lịch sử nữa.
Nếu như Luis Enrique cũng làm được như Pep Guardiola (mùa 2008-09) trong năm đầu dẫn dắt đội bóng áo đỏ-xanh - vô địch cả Liga, Cúp Nhà vua và Champions League - thì Barca sẽ trở thành đội bóng duy nhất ở châu Âu hai lần giành “cú ăn ba”, trong lịch sử hàng trăm năm của làng bóng đá châu lục này.
Với thực lực như hiện nay, đội bóng vĩ đại nhất của thế kỷ thứ XXI có thể dễ dàng giành Cúp Nhà Vua trước Athletic Bilbao và nhiều khả năng sẽ đánh bại “Bà đầm già thành Turin” để đăng quang tại Berlin trong cuộc đua châu lục.
Barca có thể dễ dàng giành Cúp Nhà vua trước Athletic Bilbao và nhiều khả năng sẽ đánh bại “Bà đầm già thành Turin”
Điều gì đã khiến một đội bóng từ chỗ không giành được một danh hiệu nào ở mùa bóng trước lại đang có cơ hội một lần nữa trở thành đội bóng hay nhất châu Âu và thế giới. Đó chắc chắn sẽ là một điều làm tốn giấy mực của làng báo chí thể thao quốc tế.
Vượt qua chu kỳ khủng hoảng và quá trình chuyển đổi
Sự ra đi của Pep Guardiola sau bốn năm dẫn dắt Barca và đưa đội bóng này đến đỉnh cao thế giới, với 14 danh hiệu trong 20 có thể, được đánh giá là sự kết thúc của một chu kỳ thành công rực rỡ và là sự khởi đầu của một giai đoạn chuyển đổi khó khăn. Cho dù với Tito Vilanova, Barca đã giành được một chức vô địch Liga với số điểm kỷ lục (100 điểm), trong mùa giải mà Messi ghi tới 73 bàn, thì sau khi Tito mất vì ung thư, đội bóng này của đã có một mùa bóng trắng tay dưới thời của Gerardo Martino.
Cũng khó trách chiến lược gia người Argentina vì ông đã đến sân Camp Nou theo cách “nhảy dù” lại không có chút quá khứ cule nào, trong bối cảnh đội bóng đang có những sự thay đổi sâu sắc. Hàng loạt tên tuổi đã làm nên một Barca vĩ đại nhất thế giới xuống dốc hoặc đã qua thời phong độ đỉnh cao, như đội trưởng Puyol, Xavi, Villa, thậm chí cả Iniesta. Đã thế, sau khi no nê danh hiệu, đội bóng có biểu hiện của sự thỏa mãn, không còn động lực lớn như trước nữa. Cả ba tuyến đều cần thay máu, sau hai năm chần chứ và gặm nhấm quá khứ vinh quang.
Sự trở lại của cựu cầu thủ Luis Enrique, lần này với tư cách là HLV, cùng sự bổ sung lực lượng trên cả ba tuyến, với Bravo và Ter Stegen ở vị trí thủ môn, Mathieu ở hàng hậu vệ, Rakitic ở tuyến giữa và đặc biệt là Suarez ở hàng công, đã đưa Barca vào một thời kỳ mới, rất có thể là một chu kỳ chiến thắng mới.
Sự thay đổi mang tính kế thừa và phát triển
Có thể nói với Luis Enrique, lối chơi của Barca đã có một sự thay đổi sâu sắc mà vẫn không đánh mất triết lý cơ bản của mình: Đó là cầm bóng và bóng đá tấn công.
Dưới thời Pep Guardiola, mọi thành tích của Barca đều nằm ở chía khóa giữ bóng qua tiki-taka, lối đá bật nhả nhiều chạm, chọc khe tinh tế, phối hợp sáng tạo giữa Xavi và Iniesta, kết hợp với những cú đột phá bất ngờ của Messi để dứt điểm. Khi Luis Enrique đến, lối chơi này đã bị một số đối thủ bắt bài, do Xavi và Iniesta đã qua thời đỉnh cao. Sự bổ sung lực lượng ở ba tuyến đã cho phép Luis Enrique tạo ra một lối chơi mới, đa dạng hơn, trực diện hơn, biến hóa hơn và do đó khó đoán hơn đối với các đối thủ.
Trên cơ sở triết lý tấn công và cầm bóng, Luis Enrique đã triển khai một thứ bóng đá tuy không đẹp mắt như trước nhưng có rất nhiều miếng đánh khác nhau, chứ không chỉ cầm bóng và tạo điều kiện để Messi ghi bàn như trước. Rõ nhất là bây giờ Barca còn chơi phòng ngự phản công hay hơn cả Atletico và Real Madrid, đã thực hiện tốt hơn nhiều các pha bóng chiến lược, sút phạt bóng chết, không chiến, những điều mà với Barca trước đây luôn là điểm yếu.
Sự “hy sinh” của Messi và Luis Enrique
Bất chấp những mâu thuẫn cá nhân và cái tôi của hai người có quyền lực nhất ở đội bóng xứ Catalunya, cả Messi và Enrique đều biết đặt lợi ích của đội bóng lên trên lợi ích cá nhân. Để cả ba tuyến của Barca hoạt động trơn tru, trong bối cảnh Xavi đã xuống sức và Iniesta không còn ở phong độ đỉnh cao, Luis Enrique cần một cầu thủ làm cầu nối và con thoi giữa hàng thủ với tuyến giữa và hàng công. Đó là một người vừa có thể tham gia phòng thủ, vừa tổ chức trận đấu, vừa phát động tấn công và khi cần thì trực tiếp ghi bàn. Người đó không ai khác là Leo Messi, chủ nhân của 4 Quả bóng Vàng, cầu thủ được so sánh với Pele và Maradona.
Messi đã vui vẻ chấp nhận vai trò mới, hy sinh danh hiệu Pichichi và Chiếc giày Vàng
Messi đã vui vẻ chấp nhận vai trò mới, hy sinh danh hiệu Pichichi và Chiếc giày Vàng, để gánh trách nhiệm của một cầu thủ “todo-terreno”, có nghĩa là “khắp mặt sân”. Anh lùi về sau 20 mét so với trước để nhận bóng, tổ chức lối chơi, phát động tấn công, tạo điều kiện để Neymar và Suarez ghi bàn, chỉ khi cần mới trực tiếp lao lên dứt điểm. Vai trò nhạc trưởng của Xavi trước đây được giao cho cầu thủ người Argentina và số 10 đã đảm nhận một cách xuất sắc.
Anh là người nhấn ga hoặc hãm phanh, điều tiết trận đấu khi cần thiết. Chính vì Messi lùi sâu như vậy, các đối thủ đã không thể nào khống chế được La Pulga, bởi anh có không gian và thời gian để lừa bóng vượt qua vài ba đối thủ một cách dễ dàng, bởi Messi di chuyển cực kỳ thông minh, tạo ra những khoảng trống lớn cho đồng đội và bởi Messi có những đường chuyền cực kỳ chính xác. Mặc dù không ghi tới 73 bàn thắng như mùa bóng 2012-13, nhưng Messi vẫn Vua săn bàn và Vua chuyền bàn của Barca ở mùa bóng này, với trên 50 lần sút thủng lưới đối phương và có 26 đường chuyền thành bàn cho đến lúc này, cao hơn bất cứ một cầu thủ nào khác tại Liga, nếu tính cả hai chỉ số nói trên.
Cả ba tuyến đều được củng cố
Một thay đổi rõ ràng, là sự vững chắc của hàng thủ. Trong mấy năm lại đây, hàng phòng ngự luôn là tử huyệt của Barca, nhưng với Luis Enrique, đội bóng xứ Catalunya đã chơi chắc chắn và vững chãi hơn nhiều. Phải cám ơn cựu giám đốc Andoni Zubizarreta đã đem về cho sân Camp Nou hai thủ môn sáng giá là Claudio Bravo và Ter Stegen, hai lá chắn vững chắc trước khung thành, một ở Liga và một ở Cúp Nhà Vua, Champions League. Từng là một thủ môn xuất sắc nhất thế giới, Zubi rất tinh đời khi lựa chọn người thay thế Victor Valdes và Pinto. Việc Barca chơi 37 trận nhưng chỉ bị thủng lưới có 19 lần là một minh chứng cho sự vững chãi ở tuyến sau.
Không thể không nói đến sự hồi sinh kỳ diệu của Gerard Pique, người luôn tỏa sáng dù đá cặp với Mascherano, Mathieu hay Bartra. Đây là điều kiện lý tưởng để hai hâu vệ cánh Dani Alves và Jordi Alba có thể yên tâm lên tham gia tấn công. Ngay chiến binh già Mathieu cũng tỏa sáng đúng lúc, ghi những bàn thắng bằng đầu quyết định trong các trận đánh lớn, như trước Real Madrid hay Celta Vigo mới đây.
Với Busquet, Iniesta và Rakitic, cộng sự tham gia của Messi, tuyến giữa của Barca vẫn đảm bảo giữ được phần lớn thời gian trận đấu. Rakitic, với khả năng chuyền dài và sút xa, tạo ra một nét tươi mới ở khu trung tuyến.
Với bộ ba Messi-Suarez-Neymar, hàng công của Barca hiện nay được coi là mạnh nhất Liga, hơn cả bộ ba nguyên tử Benzema-Bale-Cristiano của Real Madrid. Cả đội bóng đã có 108 bàn thắng, với Messi là sát thủ số 1. Neymar và Suarez đều chơi cực kỳ ăn ý với Messi, sẵn sàng tạo điều kiện cho nhau làm bàn. Ít có trận nào mà một trong ba tiền đạo này không thay nhau ghi bàn, có trận cả ba cùng nổ súng. Ba cầu thủ Nam Mỹ không chỉ chơi cực kỳ ăn ý trên sân cỏ mà còn hòa hợp ở trong phòng thay đồ. Đoàn kết là sức mạnh, Barca đang là một tập thể thống nhất hơn bao giờ hết.
Kha Lưu
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất