11/03/2016 07:16 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Thời gian gần đây truyện cổ Tấm Cám được chọn để lấy cảm hứng, làm mới trong nhiều loại hình, từ trò chơi truyền hình đến sân khấu, phim ảnh và cả văn học phái sinh. Điều này cho thấy các motiv truyện phổ quát luôn là mỏ quặng lớn, đồng thời cũng là một gợi ý tốt về việc khai thác kịch bản.
Mới đây nhất, tại chương trình Siêu nhí tranh tài, lên sóng THVL1 số đầu tiên lúc 21h ngày 8/3, tiết mục nhảy hiện đại Tấm và con lươn của bé Như Ý đã nhận số điểm tuyệt đối vì cách cải biến truyện Tấm Cám. Trong tiết mục này, Tấm là nhân vật độc ác, nhưng nhờ giáo dục và hoàn cảnh sống tốt, đã trở nên ngoan hiền về sau.Còn tại vở nhạc kịch Tấm Cám(KB-ĐD: Nguyễn Khắc Duy) vừa ra mắt phiên bản đầy đủ lúc 19h30 ngày 8/3 tại Nhà hát Bến Thành, TP.HCM, có cái kết đề cao “giọt máu đào hơn ao nước lã”.
Trải qua tất cả những lần đầu thai trong giấc ngủ, kết quả Tấm thức dậy để sống cùng Cám, trong khi đó dì ghẻ thì chỉ đi tu chứ không chết. Việc hoàng tử lấy Cám làm vợ vì tưởng nhầm cũng nhận quả báo bị phát điên, chỉ khi thật sự nhận ra vợ mình thì mới trở nên tỉnh táo, hạnh phúc.
Một vở kịch đang tạo nên tình trạng vé chợ đen từ cuối tháng 1/2016 đến nay là Tấm Cám (KB: Anh Tuấn, ĐD: Hùng Lâm) của Kịch IDECAF. Vở kịch này chọn cách kể khác.
Theo ông bầu Huỳnh Anh Tuấn: “Đúng như cổ tích, những lần trả thù của Tấm khốc liệt quá, nói cách khác thì Tấm là nhân vật... xã hội đen nhất trong các nhân vật cổ tích Việt Nam! Nên chúng tôi muốn xây dựng câu chuyện nhẹ nhàng hơn, dưới một lăng kính hài hước, vui nhộn”.
Ra mắt từ 16 năm trước, vở kịch này mở ra chuỗi chương trình Ngày xửa ngày xưa, mà mấy năm gần đây, năm nào cũng thu hút hơn 40 ngàn lượt người xem.
Ở lĩnh vực điện ảnh, Ngô Thanh Vân có phim Tấm Cám: Chuyện chưa kể, chuẩn bị công chiếu. Như tựa đề, phim đã chủ động đi theo hướng khác với truyện cổ quen thuộc tại Việt Nam.
Trong bài phỏng vấn trên plo.vn, Ngô Thanh Vân cho biết: “Phim dựa trên truyện cổ tích Tấm Cám nhưng câu chuyện trong phim sẽ có màu sắc và dẫn truyện không như những gì chúng ta đã đọc. Trong phim có thêm nhiều nhân vật khác ngoài Tấm, Cám, dì ghẻ, hoàng tử và ông bụt, cái kết trong phim cũng khác truyện”.
Đó là chưa kể gần đây nhiều truyện ngắn, bài thơ, thậm chí “truyện cổ tân kỳ” trên mạng lấy cảm hứng từ Tấm Cám. Mà ngay cả với truyện cổ cũng vậy, từ motiv gốc đã có hàng chục dân tộc và hàng trăm dị bản khác nhau được kể, được ghi chép.
Thời gian qua, nhiều yếu kém về sân khấu, phim ảnh… bị đổ thừa cho việc thiếu kịch bản hay, dù thực tế không đơn giản như vậy. Từ cách làm trên đây có thể gợi ý về việc “cày sâu cuốc bẫm” từ chính di sản để làm nên kịch bản mới.
Các nhà biên kịch, các đạo diễn cứ thử đọc Lĩnh Nam chích quái, hoặc Truyền kỳ mạn lục… thì sẽ thấy có vô số chất liệu hấp dẫn trong đó. Mà trên thế giới cũng vậy, phổ biến với hai loại kịch bản: sáng tác và chuyển thể. Các tiết mục, các tác phẩm chuyển thể Tấm Cám ở trên có thể hay hoặc dở, nhưng cái gốc câu chuyện thì dễ dàng nhận được sự chia sẻ, phản biện từ khán giả.
Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất