12/10/2014 11:20 GMT+7 | Các ĐTQG
(giaidauscholar.com) - Dù thua, đó vẫn là một trận đấu đáng tự hào của các cầu thủ U19 Việt Nam, những người đã chiến đấu thực sự đến những phút cuối cùng và một lần nữa lại chơi vượt quá khả năng của chính họ.
Nhưng đó là một thất bại thực sự đối với những ai đã vẽ ra những giấc mơ bong bóng và bắt các cầu thủ trẻ này phải theo đuổi nó.
Một trận đấu hợp lý trong... 89 phút
Ông Suzuki Masakazu, HLV đội U19 Nhật Bản, thừa nhận rằng U19 Việt Nam đã gây ra rất nhiều khó khăn cho đội bóng trẻ của ông, và đó không chỉ là lời nói xã giao, dù bóng đã dội cột khung thành của U19 Việt Nam những 2 lần.
U19 Việt Nam đã chơi một trận hợp lý về mặt chiến thuật trong hầu hết thời gian thi đấu. Họ chủ động phòng ngự bằng cách giữ đội hình ở mức trung bình, tích cực áp sát và cố kiểm soát bóng ở khu vực xa vòng cấm sân nhà để làm giảm nhịp độ trận đấu. U19 Nhật Bản vẫn tiếp cận khung thành bằng lối chơi nhỏ, và thường thì các đợt tấn công đều tan biến khi có ý định xâm nhập vòng cấm.
Đó là những diễn biến cho thấy rằng U19 Việt Nam hoàn toàn có thể chơi tốt trước những đội tuyển trẻ hàng đầu châu lục với một đối sách khiêm nhường và hợp lý.
Nhưng những phút cuối, sau khi có bàn gỡ hòa, lại là khoảng thời gian mà các cầu thủ trẻ Việt Nam đánh mất sự tỉnh táo đã duy trì rất tốt trước đó. Họ hưng phấn ào lên, trao cho Nhật Bản rất nhiều khoảng trống và ghi hai bàn chóng vánh. Đá như thể ai thúc họ phải chiến thắng.
Một lần nữa, cũng như trận chung kết giải U19 Đông Nam Á, U19 Việt Nam lại khiến đối thủ phải trày vi tróc vảy. Một lần nữa, họ lại chơi vượt quá khả năng của mình, và so với những hành trang mà nền bóng đá này có thể cung cấp cho họ. Và một lần nữa, dù đã phải hy sinh rất nhiều thứ cho mong muốn của người khác, họ vẫn có thể sẽ phải đối mặt với áp lực, và chỉ trích.
Trở lại là người thường
“World Cup ư? Tôi không nghĩ thế. Chắc phải 20 năm nữa, Myanmar mới dám nghĩ đến World Cup, hoặc có thể là không bao giờ”, Myatthu Myo, anh bạn người Myanmar mới quen trên khán đài của tôi, tỏ ra ngạc nhiên, khi tôi hỏi rằng có bao giờ, người Myanmar kỳ vọng rằng lứa cầu thủ U19 hiện tại của họ sẽ dự World Cup hay không.
“Anh biết đấy, người Myanmar chúng tôi có câu “Cuộc đời chỉ nằm ở hiện tại, và cần phải biết bằng lòng”, Myo cắt nghĩa. Khi U19 Việt Nam thủng lưới liên tục 2 bàn cuối trận khán đài, nơi CĐV Việt Nam đang đánh trống như sấm bỗng im bặt, Myo trông có vẻ ái ngại, vỗ vai bảo tôi: “Thật buồn, nhưng tôi đã nói với anh mà, chúng ta cần phải biết bằng lòng”.
Trong một góc phòng dành cho các phóng viên tác nghiệp sau trận, vài phóng viên Myanmar ngồi quây quần xem trận Myanmar – Thái Lan với dáng vẻ say sưa. Khi tỉ số là 3-0 nghiêng về Myanmar, tôi hỏi: “Iran (vừa thua Thái Lan) có lẽ không phải đối thủ của các bạn”? Tất cả ồ lên: “Không, một chiến thắng chỉ là một bất ngờ mà thôi, chúng tôi vẫn còn thiếu kinh nghiệm”.
Đó có lẽ là một tính cách đặc trưng của người Myanmar: Họ luôn biết là mình đang đứng ở đâu, yên tâm rằng những gì đã có hiện tại xứng đáng với bản thân mình. Yên tâm, nhưng không phải là đứng yên trong trì trệ. Ngược lại, họ tiến lên, với một nhận thức âm thầm về tương lai. Không ồn ào, và gồng mình lên với những giấc mơ vượt quá năng lực của mình.
Cơn sốt U19 Việt Nam trong hơn một năm qua thì chỉ ra rằng chúng ta chưa bao giờ biết bằng lòng, dù chưa chắc chúng ta đã xứng đáng với những gì chúng ta mong muốn.
Logic rất đơn giản: Nếu bạn không phải là người ở bên đội bóng khi thất bại, thì bạn cũng không có quyền chung vui khi chiến thắng. Nếu nền bóng đá này không phải là cái nôi sản sinh và nuôi dưỡng những tài năng, thì cũng không có quyền tranh công khi một học viện làm được điều đó. Và nếu các cầu thủ trẻ này luôn phải đơn độc trên con đường sự nghiệp, thì không ai có quyền đòi hỏi họ phải đáp ứng giấc mơ viễn tưởng của người khác.
2 bàn thua cuối trận gặp Nhật Bản tất nhiên khiến chúng ta tiếc nuối, nhưng đó cũng là một sự giải thoát. Trận cuối cùng vòng bảng, có thể chúng ta sẽ được nhìn thấy một đội bóng thực sự, chơi bóng vì niềm vui và khát khao của chính bản thân mình, chứ không phải là những robot đá bóng vì giấc mơ của người khác.
Phạm An (từ Nay Pyi Taw, Myanmar)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất