(TT&VH Cuối tuần) - Từ chân cầu Trường Tiền đi dọc bờ sông Hương về phía phố cổ Bao Vinh (Huế) chừng dăm cây số sẽ gặp con đường nhỏ Đặng Tất. Nơi đây xưa kia thuộc rìa làng Thế Lại thượng, vốn chỉ dành cho dân ngụ cư. Căn nhà mái tôn đơn sơ số 250 Đặng Tất nằm khiêm tốn bên bờ sông, bề ngang độ 3 mét. Bên cửa nhà, một cụ ông râu ria và lông mày bạc trắng, thong dong hút điếu thuốc cuộn sâu kèn ngồi nhìn ra đường. Trông vẻ người còn quắc thước nhưng răng cụ đã rụng hết từ... 40 năm trước!
Cụ già ấy là cụ Lữ Hữu Thi, nghệ nhân Nhã nhạc cung đình Huế, năm nay tròn một trăm tuổi (cụ sinh năm 1910)...
Gian nan nghề lính nhạc cung đình
Cụ Lữ Hữu Thi trong ngôi nhà nhỏ |
Tui học trống từ năm 10 tuổi - cụ Thi kể - đến năm 15, 16 tuổi thì học các loại đờn. Học khổ lắm, cha tui dạy rất nghiêm, đập chừng mô tui sáng ra chừng đó, nhưng trẻ con vẫn sợ bị đập phát kinh. Cha tui đập tui tới chừng mạ tui ngồi một bên khóc vì thương quá. Cả ông và cha tui đều biết nhạc, nghề nhạc là nghề nhà, các ổng chơi nhạc ở làng xóm và đi chơi các vùng xung quanh Hương Trà. Nhưng không thể vô Nội (Đại Nội) chơi được. Muốn vô phải có 20 quan tiền đem nộp ông Đội lo lót thì mới được (Ông Đội là người phụ trách đội nhạc cung đình). Tới năm 17, 18, là tui đã biết chơi 3, 4 loại nhạc cụ. Nhà nghèo lấy đâu ra tiền. Cái việc vô Nội cũng là duyên cơ, không tốn một đồng một cắc. Số là tôi còn học thêm một nghề nữa là nghề làm vàng bạc ở chỗ ông Nghè Tường. Ông Nghè Tường chuyên sửa những đồ trong Nội do Bộ Công đưa ra. Có một lần, Bà Chúa Nhất là o ruột của vua Khải Định truyền cho ông Nghè Tường tới nhà để sửa đồ. Bà dữ lắm nên ông Nghè sợ không dám đi, sai tui đi. Vào tới phủ Bà Chúa Nhất, tui thấy 10 cô nhỏ đang tập múa hát. Tui mới hỏi là tui qua chầu Ngài, các cô ấy mới bày cách biểu tui muốn vào chầu Ngài thì đi vô phòng đó, phòng đó, đến trước cửa rồi bò vô lạy năm lạy. Tui làm thế, mà không dám ngửng mặt lên nhìn. Bà Chúa Nhất hỏi tui làm chi, tui nói ông Nghè bị cảm nên tôi qua sửa đồ thay. Bà nói mi cạy cho tau cái ni, rồi lấy vàng bịt vô. Hóa ra là bà muốn tui lấy vàng bịt góc một cái chén ngọc. Tui cúi đầu nhận cái chén rồi dỡ đồ ra làm. Lúc đó bà đang nghe mấy cô vừa đờn vừa ca. Tui mới cạy được hai miếng, ngó qua bên kia thấy mấy cô vừa đờn sai vừa ca trật. Bà Chúa Nhất ngoảnh qua nói sai là tau chặt đầu đó nghe làm mấy cô sợ xanh mặt. Rùi bà quay qua quát tui: Mi không làm đi mà nhìn cái chi. Tui thưa với bà rằng cái nghề đờn ca là nghề của tui. Bà mới bảo: Mi qua đờn tau coi. Tui dạ rồi qua chơi nhạc, một lúc tui chơi liên tiếp ba bốn thứ liền là đờn nhị, đờn nguyệt, sáo, kèn. Bà nghe một lúc, có vẻ ưng tai, không nói gì liền kêu nhà bếp làm thêm cơm cho tui ăn. Tới trưa, tui làm xong cái chén, bèn dâng lên bà xem. Bà nhận cái chén, có vẻ hài lòng, liền hỏi tui đã ăn cơm chưa? Tui thưa tui ăn rồi. Sau đó bà lại hỏi tên tuổi, quê quán rồi cho tôi về. Xong đó tôi được trong Nội truyền đích danh vô. Khi vô đội Hòa Thanh, những trẻ khác phải học thêm ông Đội. Riêng tui thì tui đã biết chơi cả rồi. Đến bây chừ thì tui chơi được 9 loại nhạc cụ khác nhau...
Cụ Thi kể tới đây thì dừng lại, nhấp ngụm bia, mắt ngó xa xăm.
Gõ tên Lữ Hữu Thi trên Google, chắc thấy cả trăm bài viết về cụ, liên quan đến Nhã nhạc. Nhưng những chuyện cũ thời cụ làm lính nhạc thì ít người biết. Từ khi Nhã nhạc cung đình Huế được UNESCO công nhận là Kiệt tác văn hóa phi vật thể của nhân loại năm 2003, thì cụ và những người chơi nhã nhạc còn lại mới được tôn vinh là nghệ nhân. Mỗi tháng cụ còn được bồi dưỡng 1,5 triệu. Chứ còn trước đây, người chơi nhã nhạc được gọi là lính nhạc (tựa như đội quân nhạc của chính phủ bây giờ), sống khổ lắm. Một đội cổ nhạc có 30 người, ông Đội (đội trưởng) mới có hàm Bát Phẩm. Lính trơn mới vào đội nhạc thì được gọi là Áng Thập (chỉ hơn lính thường ở chỗ là không phải đi gác), ba năm sau được phong lên Tùng Cửu, ba năm nữa được lên Chánh Cửu. Chánh Cửu thì được về làng ăn ba sào ruộng tốt nhất, tế lễ đình làng được đứng giữa, ngồi chiếu trên. Nếu cứ thế thì đến 65 tuổi được về hưu, có lương hưu hẳn hoi. Tiếng tăm ở làng thì oai vậy, nhưng làm thân lính tráng phục dịch thì rất cực nhọc. Ngày thì lính nhạc phải vào chầu, trưa tối về ăn cơm nhà, chứ trong Nội không nấu cơm cho ăn. Một người lính nhạc như cụ Thi mỗi tháng được 4 đồng lương, không có gì thêm. Một ngày phải tiêu hết 13 xu, 10 xu tiền gạo, 3 xu tiền thức ăn. Phải tiết Thánh thọ (sinh nhật vua) hay Vạn thọ (kỷ niệm ngày vua lên ngôi) thì có đại xá thiên hạ, tha tù, miễn thuế chợ, thuế đò. Những người lính nhạc chỉ được thưởng thêm 1, 2 đồng. Đến lễ tế Nam giao thì mỗi người lính nhạc cũng được chia một phần xôi thịt nho nhỏ. Đến khi về hưu có lương đấy nhưng lương hưu cũng chỉ có... 45 xu một tháng mà thôi. Hỏi cụ, khi chơi nhạc có nhớ trông thấy khung cảnh buổi lễ thế nào không, có nhớ vua Bảo Đại trông như thế nào không? Cụ kể: Ví dụ có quan khách các nước tới, vua gọi đội Thanh Bình vào tấu nhạc và hát. Dàn nhạc cứ đứng nghiêm mà chơi thôi. Mắt không có dám ngó ngang. Các ngài có đi ra đi vô, hoặc tới ngay đứng bên cạnh mình cũng phải giả vờ như không biết. Hồi đó muốn vô trong Nội phải có dấu “mệ kiểm”, là các mệ trong cung kiểm soát. Ngay cả các quan lại đeo thẻ bài, mà vô cung không có dấu mệ kiểm thì cũng không được vô...
Cụ Thi nhà nghèo, không có 20 quan tiền “lễ lạt” nên năm 30 tuổi (1940) do “duyên kiếp” nên mới được vô Nội làm lính nhạc (mới hay cái chuyện tham nhũng đút lót đã có từ “truyền thống”...). Em trai cụ Thi là cụ Lữ Hữu Cử (năm nay 90 tuổi), sau đó cũng theo anh vào dàn nhạc. Chơi được năm năm trong Nội thì thế thời đổi thay, hết vua tàn quan. Cụ lại trở về nhà theo nghề cũ là nghề chạm khảm vàng bạc để nuôi vợ nuôi con, đến 65 tuổi mắt mờ, tay chậm, răng rụng mới nghỉ. Nhưng nghề nhạc đã ăn vào trong máu thì cụ vẫn nhớ nằm lòng, dạy cho con cháu, thi thoảng vẫn dùng để chơi cúng đám phục vụ cho nhân dân xung quanh vùng. Sau 1975, cổ nhạc chơi cúng cấp, đình đám vẫn còn hạn chế. Phải sau 1990 thì cổ nhạc Huế mới phát triển. Nghề nhạc của cụ Thi có chỗ dùng lại. Bốn người con trai của cụ là các ông Lữ Hữu Minh, Lữ Hữu Thiện, Lữ Hữu Thành, Lữ Hữu Bảo đều biết nghề. Sáu cháu nội trong 30 cháu chắt của cụ cũng được học cổ nhạc, hiện có ba người là các anh Lữ Hữu Ngọc, Lữ Hữu Quang, Lữ Hữu Tài đang chơi trong dàn nhạc Đại Nội của TT Bảo tồn di tích cố đô Huế. Riêng gia đình cụ, bố con, ông cháu chia nhau ra đã có thể lập được vài “ban” cổ nhạc, phục vụ cho các thuyền du lịch trên sông Hương, hoặc bất cứ nơi nào có yêu cầu...
(Còn tiếp)
Xem tiếp trên TTVH Cuối tuần số 33