Bayern từng liên hệ với Wenger từ năm... 1995: Nếu có nhau, giờ có khác?

13/03/2013 12:55 GMT+7 | Đức

(giaidauscholar.com) - Nếu HLV Arsene Wenger đồng ý với lời đề nghị của Bayern cách đây 18 năm, liệu hiện nay cả hai bên đang có một sự nghiệp sáng sủa?

Wenger (trái) từ chối Bayern còn Guardiola (phải) thì không.

Trước trận lượt về vòng knock-out với Arsenal, chủ tịch Uli Hoeness tiết lộ với tờ Sun rằng cách đây 18 năm, Bayern từng liên lạc với ông Wenger, lúc đó chưa phải là một HLV quá tên tuổi (mới có chức vô địch Ligue 1 năm 1988 và cúp Quốc gia Pháp năm 1991): "Trước lúc ông ấy đến Nhật Bản vào năm 1995, Franz Beckenbauer và tôi đã tới Nice, bàn luận với ông ấy một cách rõ ràng mọi chuyện. Cuối cùng, ông ấy đã quyết định tới Nhật. Chúng tôi đã vô cùng ngạc nhiên".

Dù đã bị nhà cầm quân người Pháp từ chối nhưng Hoeness cho biết Bayern chưa bao giờ quên "Giáo sư": "Chúng tôi đã cố gắng tìm cách đưa ông ấy tới Bayern Munich nhiều lần. Từ Nhật ông ấy tới Arsenal và trong những năm đó, bất cứ khi nào chúng tôi có ý định tìm HLV mới, Wenger luôn là mục tiêu mà chúng tôi cân nhắc". Nếu ông Wenger đồng ý tới Bayern năm 1995 hoặc giai đoạn sau, liệu cả hai bên đã và đang có một sự nghiệp hoành tráng với nhau?

Không hợp thời điểm

Nếu Wenger đến Bayern vào thời điểm hiện tại, khả năng thành công là rất cao nhưng vào năm 1995, khó tin HLV này đủ sức gây dựng cơ đồ cùng “Hùm xám”. Ông Wenger là một người yêu bóng đá đẹp, luôn muốn theo đuổi tận cùng triết lý này trong khi Bayern gần 20 năm trước là một CLB thi đấu thực dụng. Thời điểm đó, chỉ có một CLB Đức thi đấu đẹp mắt là Stuttgart của HLV Joachim Loew, người tiến hành cuộc cách mạng tấn công sau này. Phải sau khi tuyển Đức tiến hành cuộc cách mạng năm 2006, Bayern mới dần thay đổi.

Ngay cả khi lãnh đạo Bayern ủng hộ ông Wenger hết mình, HLV này cũng không có đủ lực lượng để chơi tấn công. Đội hình Bayern cách đây 18 năm tràn ngập những cầu thủ thiên về phòng ngự, thi đấu cứng nhắc, chỉ có lác đác vài nghệ sỹ như Mehmet Scholl. Phải tới những năm 2008-2009, khi lứa đầu của cuộc cách mạng đào tạo trẻ tốt nghiệp, người Đức mới có tạm đủ nhân tài. Nhưng ở thời điểm đó nếu muốn ra đi, ông Wenger có thể chọn Real Madrid thay vì Bayern, CLB cũng chỉ ngang ngửa Arsenal.    

Không có tự do

Mặt khác, ông Wenger có thể thành công tại Arsenal bởi ngoài ghế HLV, còn kiêm luôn chức giám đốc thể thao. Nếu tới Bayern, “Giáo sư” chắc chắn sẽ không được ưu ái như vậy và thay vào đó, sẽ luôn bị giới chóp bu nhắc nhở, can thiệp vào chuyên môn. Nhiều vụ chuyển nhượng của Bayern là do ý thích của lãnh đạo chứ không phải đề xuất của HLV. Có những chiến lược gia như Louis van Gaal từng phải ra đi do không thể chịu nổi tính cách của chủ tịch Uli Hoeness còn HLV Jupp Heynckes trụ lại được một phần do tình bạn thân thiết với Hoeness.

Ngoài ra, tại Arsenal, HLV Wenger luôn được tin tưởng. Dù Arsenal 7 (sắp sửa là 8) năm liền hoàn toàn trắng tay, ông Wenger vẫn được trọng dụng còn tại Bayern, chỉ cần 1-2 mùa thất bại, “Giáo sư” chắc chắn sẽ bị sa thải. Thậm chí ngay cả HLV đang giúp Bayern đạt đỉnh cao như Heynckes cũng phải ra đi khi không còn hợp với triết lý của đội bóng. Từ năm 2007 tới nay, Bayern đã sử dụng 6 HLV và mùa tới, sẽ đón một chiến lược gia mới. Còn tính từ năm 1995 tới nay, Bayern đã dùng 12 HLV (trong đó có những người ngồi vào ghế nóng 2 lần như Ottmar Hitzfeld hay Heynckes).

Chứng kiến thành công của Bayern hiện nay, quả có chút tiếc nuối khi HLV Wenger đã từ chối “Hùm xám”. Nhưng nếu “Giáo sư” đồng ý với đề nghị từ năm 1995 của Bayern, chưa chắc ông đã nổi tiếng và giành được không ít thành công như hiện nay.

Trần Khánh An
Thể thao & Văn hóa


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm