Tiền của Chelsea không mua được Guardiola

18/01/2013 08:45 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Pep Guardiola đã chọn Bayern Munich, dù Chelsea mới là đội tích cực theo đuổi ông nhất. Chọn công việc, thay vì nơi để kiếm tiền. Chọn bóng đá, không phải chọn ông chủ "chơi" bóng đá.

1. Báo chí Anh đưa tin Chelsea muốn mời Pep về Stamford Bridge từ giữa năm ngoái, với mức lương 15 triệu bảng/ năm, khi HLV Roberto Di Matteo vẫn còn tại vị. Rafael Benitez lên nắm quyền, được cho là chẳng qua để chờ Pep về vào mùa Hè. Vài ngày trước khi cựu HLV Barca chính thức nhậm chức tại Bayern, Daily Express đưa tin rằng Chelsea đã đề nghị mức lương lên đến 18 triệu bảng/ năm cho Pep, sẽ biến ông thành HLV hưởng lương cao nhất thế giới, gấp 2,5 lần so với mức lương cao nhất tại Anh hiện giờ thuộc về  HLV Alex Ferguson (7,6 triệu/ năm).

Nhưng Pep không chọn Chelsea, dù rất nhiều HLV thành danh đã ngồi lên chiếc ghế nóng tại Stamford Bridge mà không quá băn khoăn. Jose Mourinho chấp nhận lời mời sau khi vừa giành cú ăn ba lịch sử cùng Porto. Felipe Scolari đến đây sau khi giành được chức vô địch thế giới 2002 cùng đội tuyển Brazil và á quân EURO 2004 với tuyển BĐN. Carlo Ancelotti, từng giành 2 Cúp Champions League cùng AC Milan, không phải ngoại lệ. Rafael Benitez, cũng từng đoạt một Champions League, thậm chí còn bỏ qua những lời dè bỉu và phản đối dữ dội của CĐV Chelsea để chấm dứt hai năm thất nghiệp.

Nhưng HLV ở Chelsea không khác gì rác rưởi trong mắt ông chủ. Tất cả đều có thể bị sa thải không cần băn khoăn. Khi Abramovich đuổi việc Andre-Villas Boas vào tháng Ba năm ngoái, Hiệp hội HLV tại các giải chuyên nghiệp ở Anh đã gọi ông chủ người Nga là một "nỗi xấu hổ trầm trọng". Nếu chấp nhận gia nhập Chelsea từ đầu mùa này, Pep cũng có thể đã trở thành HLV thứ 10 của Chelsea trong 10 năm qua. Pep, một Napoleon của bóng đá, với 14 danh hiệu trong 4 năm dẫn dắt Barcelona khi mới 41 tuổi, là một mục tiêu lý tưởng cho bộ sưu tập HLV của Abramovich.

2. Mức lương cho hợp đồng 3 năm của ông với Bayern chưa được tiết lộ, nhưng chắc chắn, nó không thể bằng lời mời của Chelsea mà báo chí Anh đã đăng tải. CEO Karl-Heinz Rummenigger thậm chí khẳng định rằng Pep kiếm được ít tiền hơn so với thời còn dẫn dắt Barca, nhưng "ông ấy tỏ ra ấn tượng với sự độc lập về tài chính của chúng tôi".

Chelsea chỉ có tiền để mời, và thực tế là mọi lời mời của họ đều chỉ được đánh giá trên khía cạnh tiền bạc. Vài chiếc Cúp không làm thay đổi được bản chất đội bóng này: Một thiết chế tập trung quyền lực vào một cá nhân (Abramovich) chi tiền vận hành, và bóng đá lẫn HLV chỉ là thứ yếu trong một cuộc chơi thỏa mãn cá nhân. Trong một thập kỷ qua, Chelsea có lẽ chỉ thành công sau Manchester United, cả ở Premier League và châu Âu, nhưng họ không được yêu mến bằng Liverpool, hay Arsenal. Các cầu thủ Chelsea, dù thường là biểu tượng của ý chí chiến đấu, nhưng không phải những thần tượng đích thực, vì thói hư tật xấu của mình.

3. Bayern, cho dù bị gọi là "FC Hollywood" đi chăng nữa, là một đội bóng độc lập về tài chính, và mọi quyết định liên quan đến vận mệnh của đội bóng đều phải nhận được sự nhất trí của tập thể, với các vị trí cốt cán đều là các cựu cầu thủ Bayern. Uli Hoeness làm Chủ tịch. Rummenigger là CEO, Matthias Sammer là Giám đốc thể thao, và bất kỳ quyết định nào đi ngược lại truyền thống CLB cũng có thể chịu sự phản biện của Chủ tịch danh dự Franz Beckenbauer.

Tại đó, Pep thực sự được làm việc, tôn trọng, và độc lập với các quyết định chuyên môn của mình, dù có thể, lương của ông không thể cao bằng khi làm HLV cho Chelsea (và tất nhiên, bồi thường hợp đồng khi bị sa thải cũng ít đi). Tại đó, những giá trị tinh thần, như đạo đức và sự chuyên nghiệp, những điều rất quan trọng trong triết lý Guardiola, sẽ được ông xây dựng với sự tin tưởng cao hơn một đội bóng không hề tạo ra cam kết nào về tương lai như Chelsea.

Sự từ chối của Pep cho thấy rằng tiền đã tìm thấy giới hạn của nó. Cựu HLV của Barca đã không bán mình cho người trả giá cao nhất. Bayern, một trong những đội bóng được tổ chức tốt và mang chút dáng dấp của Barca (dù là theo kiểu người Đức), sẽ trả cho Pep những thứ mà tiền không mua được, và là con đường khôn ngoan để ông tìm lại đỉnh cao. Hơn là một nơi mà bóng đá giống như một thú vui của riêng Abramovich.

Phạm An
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm