02/10/2013 12:39 GMT+7 | Hành tinh bóng đá
(giaidauscholar.com) - Không phải sự khiêm tốn “cho vui”, mà là để lắng nghe và hoàn thiện mình. Pep Guardiola là như thế. Đó cũng sẽ là chìa khóa giúp ông thành công ở Bayern Munich, dù rất nhiều người vẫn còn nghi ngờ điều ấy.
Mỗi HLV có một lựa chọn khi chuyển đến một môi trường mới. Nếu Jose Mourinho từng tuyên bố ở Real Madrid rằng “tôi mang đến đây cả mặt tốt lẫn xấu của mình, tôi sẽ không thay đổi”, thì Pep Guardiola nói rằng ông đến Bayern là để làm vừa lòng CĐV của đội bóng xứ Bavaria.
Khiêm tốn để hoàn thiện
Cách đây một tháng, Pep tự mô tả mình là một “HLV 42 tuổi với chỉ 5 năm kinh nghiệm”, trong khi ông hoàn toàn có thể tuyên bố rằng “tôi mới 42 tuổi, nhưng đã giành được 14 danh hiệu trong 5 mùa bóng làm HLV”. 9 năm trước, Jose Mourinho, 41 tuổi, đã đặt chân xuống Stamford Bridge và tuyên bố rằng ông là “Người đặc biệt”. Một sự tương phản rõ rệt.
Mourinho là một kiểu HLV khác hẳn với Pep Guardiola. HLV người BĐN chỉ nghe theo ý mình, và kiên định với một triết lý. Nhắc đến Mourinho là nhắc đến bóng đá phòng ngự, là tính tổ chức, và sự cơ bắp. Quãng thời gian làm việc ở Real Madrid chứng minh rằng với một đội bóng có nhiều cầu thủ tấn công thượng hạng, thì Mourinho vẫn chủ trương chơi phòng ngự phản công. Ông không lắng nghe, và cũng không có ý định tìm cách thích ứng với lối chơi tấn công.
Pep Guardiola sẽ thành công nhờ sự khiêm tốn?
Điều đó giải thích phần nào sự khó khăn hiện tại của Mourinho tại Chelsea: Đội bóng này không có những cầu thủ thật sự phù hợp với triết lý của ông, và hệ quả là HLV người Bồ chưa xây dựng được lối chơi sở trường của ông.
Pep thì khác. Chỉ sau vài tháng dẫn dắt Bayern, những ấn tượng về Tiki-taka dường như đã tan biến. Bayern của Pep thậm chí sử dụng rất nhiều miếng đánh biên, và giải quyết tình huống một cách rất quyết đoán. Barcelona của Pep là một phiên bản đề cao quyền kiểm soát bóng đến cực đoan, nhưng khi là HLV của Bayern, sự cực đoan ấy biến mất nhanh chóng.
Pep là một “chuyên gia tổng hợp”
Khi Pep Guardiola ra mắt đội một Barca ở trận gặp Cadiz, năm 19 tuổi, HLV khi ấy là Johan Cruyff đã bảo với Ronald Koeman: “Cậu phải trông chừng chàng trai này. Cậu phải huấn luyện cậu ấy, giúp cậu ấy tiến bộ và chắc chắn rằng cậu ấy hiểu phong cách Hà Lan là thế nào nhé”.
Koeman đã không mất nhiều thời gian để làm đúng lời ông thày dặn: “Pep là một chàng trai tuyệt vời. Cậu ta rất háo hức học hỏi và muốn biết mọi thứ. Từ khi mới bắt đầu, cậu ta đã hỏi tôi mọi thứ về học viện trẻ của Ajax. Cậu ta hay nói “Ronald, họ tập luyện như thế nào? Họ đã làm gì? Họ chơi bóng theo phong cách nào?”
Trước khi trở thành HLV trưởng của Barca, Pep đã đi “tầm sư học đạo” ở nhiều nơi. Ông đến trung tâm huấn luyện Millanello của AC Milan để theo dõi các bài tập thể chất. Ông lái xe cả chục tiếng đồng hồ trong đêm đến nhà của Marcelo Bielsa để tìm hiểu về lý thuyết chơi pressing. Tiki-taka mà Barca trình diễn trong giai đoạn đỉnh cao của đội bóng này thực chất là sự kết hợp giữa triết lý cầm bóng của người Hà Lan và lối chơi tạo áp lực toàn sân do Arrigo Sacchi đặt nền móng và sau này Bielsa hoàn thiện.
Những gì diễn ra ở Bayern lúc này cho thấy đội bóng là một sản phẩm của sự lắng nghe: Pep không bắt những người Đức phải ban bật giống như các cầu thủ TBN, ngược lại, ông cho Bayern tấn công đa dạng, tận dụng sức mạnh và óc tổ chức khoa học của họ một cách triệt để. Đó cũng không phải là một sản phẩm của quá khứ. Pep đã lên đến đỉnh cao nhờ Tiki-taka, nhưng ông không coi lối chơi ấy là nỗi ám ảnh, và sẵn sàng xây dựng lại một phong cách hoàn toàn mới ở Bayern.
Đội bóng xứ Bavaria chưa thật sự tạo ra ấn tượng mạnh giống như Bayern của Jupp Heynckes mùa trước, nhưng thật sự là họ đang tiến lên rất vững chắc. Và hãy yên tâm là mỗi khi họ đi chệch đường, Pep sẽ sửa sai rất nhanh, bởi ông là một thiên tài biết lắng nghe.
Phạm An
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất