Góc nhìn: Juve, đội bóng hàng đầu của người Ý

08/03/2013 13:28 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Chiến thắng 2-0 trước Celtic đêm qua đưa Juve lần đầu tiên lọt vào tứ kết Champions League sau 7 năm. Nhưng vì đã thắng tới 3-0 ở lượt đi, khiến thành quả đó của Bà đầm già không đáng chú ý bằng thông điệp họ đưa ra sau trận đấu: Juve dùng 9/11 cầu thủ người Italia ở đội hình xuất phát. Và 2/9 cầu thủ người Ý đã ghi bàn.


1. Juventus luôn là đội bóng của người Italia. Họ là câu lạc bộ được người Ý yêu mến nhất, nhờ khả năng “nội địa hóa” đã thành bản sắc của mình. Juve đá chung kết Champions League với Milan năm 2003 khi danh sách đăng kí có 11/18 cầu thủ người Ý. Juve vô địch Champions League năm 1996, sau chiến thắng trước Ajax trên chấm luân lưu, với 9/11 cầu thủ thuộc đội hình xuất phát và 13/16 cầu thủ thuộc danh sách đăng kí, là người Italia.

Xem Juve thi đấu, nghĩa là chúng ta được xem đội tuyển Italia thu nhỏ thi đấu. Thời kì Juve lọt vào 3 trận Chung kết cúp C1 liên tiếp từ 1995 đến 1997, họ có cả một bộ khung Italia trong mình. Khi Juve thua Milan năm 2003, đó là trận thua của người Ý và một “Milan toàn cầu”, với quả đá penalty quyết định của Shevchenko (người Ukraina), và 3 lần đẩy penalty thành công của Dida (người Brazil). Juve hiện giờ cũng thế: Buffon, Barzagli, Bonucci, Chiellini, Peluso, Pirlo…đều là những tuyển thủ Azzurri.

2. Kể từ khi trở lại Serie A sau Calciopoli, Juve vật vã đi tìm bản sắc. Từ Hè 2007 đến 2010, không mùa nào họ chi dưới 40 triệu euro trên thị trường chuyển nhượng. Nhưng kể từ khi Conte đến, thói quen chi tiêu vô tội vạ của Juve mất đi. Conte chỉ dùng duy nhất mùa Hè 2011 để xây dựng bộ khung. Sau đó, mùa này, anh gần như không tiêu tiền cho các bản hợp đồng lớn.

Cứ nhìn hàng tiền đạo Juve để thấy cách chi tiêu của Conte. Họ có 7 chân sút, nhưng tất cả đều không thuộc dạng “top player” (cầu thủ hàng đầu). Trong 7 tiền đạo của Conte, chưa có ai ghi quá 7 bàn ở Serie A. Vấn đề hàng công được đem ra mổ xẻ rất nhiều từ mùa trước, nhưng Juve, chỉ mang về thêm 3 người là Llorente (miễn phí, đến vào năm sau); cùng Bendtner (mượn) và Anelka, những tay súng giá rẻ cho kế hoạch ngắn hạn.

Conte tôn sùng sự ổn định nội tại. Các tiền đạo nội địa như Matri, Quagliarella, hay thậm chí Vucinic (có thể coi là một cầu thủ Ý sau 13 năm thi đấu ở Calcio), có thể không phải những cỗ máy săn bàn, nhưng nghe lời Conte tuyệt đối, và có phong cách đa dạng, giúp HLV này sử dụng được tùy từng hoàn cảnh. Juve có thể cò kè mặc cả từng đồng trong vụ mua một tiền đạo ngoại bang là Llorente, nhưng sẵn sàng chi ngay 11 triệu euro cho 50% giá trị của “người nhà” Giovinco. Ý đồ quá rõ ràng: một cầu thủ Ý, trong một tập thể Ý, sẽ có sự thấu hiểu tối đa và hy sinh vì nhau trong công việc. Juve là một “dây chuyền khép kín”.

3. Đêm qua, chiến thắng 2-0 trước Celtic không đáng chú ý về mặt kết quả, mà đáng chú ý vì dấu ấn những cá nhân và đội hình xuất phát Conte tung ra sân. Conte đưa ra sân 9/11 cầu thủ Italia, một lời tuyên ngôn đanh thép cho triết lý dùng hàng nội của anh.

Và một điều nữa, hai tiền đạo hạng xoàng Matri và Quagliarella lại ghi bàn (với Matri, đây là bàn thứ 5 trong 8 trận liên tiếp), cho thấy sự đúng đắn của chính sách “đóng gói hàng công” với những tiền đạo nội địa chăm chỉ và ngoan ngoãn của Juve.

Juve được người Ý yêu mến là vì thế. Không ai là ngôi sao. Cả đội bóng là ngôi sao sáng nhất. Khi tách ra, họ không phải là “top player”. Nhưng khi đặt vào một hệ thống, họ là một “top team”.

Đỗ Hiếu
Thể thao & Văn hóa


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm